Đòn tra tấn khủng khiếp
Cụ Nho kể: “Gần năm nay, bả ghen rất dữ. Bả không cho tui sáng đi tập thể dục, không cho ra đầu đường uống cà phê, chơi cờ tướng. Bả nói tui liếc mắt với mấy bà trong xóm”. Đỉnh điểm của cơn ghen khiến cụ Lan đi nhập viện vì: “Hôm bữa, tui bị nhức cái chân, đi không nổi.
Bà Ba hàng xóm qua thăm, có lấy tay bóp chân tui mấy cái, ngay trước mặt vợ tui. Bà Ba về là vợ tui chì chiết tui “nay qua nhà bóp chân, chăm sóc công khai, trước mặt còn dám làm vậy thì sau lưng còn làm tới chuyện gì nữa?”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Trước sự hờn dỗi của vợ, cụ Nho chỉ biết im lặng. Nhưng, cụ bà đâu có im. Ông nghỉ trưa, bà ngồi kế bên chì chiết: “Giờ tui già, tui bệnh nên chê tui, đi kiếm bà khác khỏe để nó bóp chân, đi qua nhà bả ở”. Ông ngồi đâu, bà theo đó và nói bóng gió: “Có làm gì thì chờ tui chết rồi làm, đừng có nôn, bóp chân, bóp tay, chướng mắt lắm”. Cụ ông im lặng, cụ bà nói: “Trúng tim đen nên im ru”. Cụ ông giải thích thì cụ bà phán “có tịch rục rịch”.
Một hôm, cụ ông không chịu nổi, quát lại: “Già mà ghen khùng, ghen điên. Già ăn cơm nhai còn khó, uống nước còn mắc nghẹn, đi vệ sinh kéo quần còn không muốn kịp, ở đó mà ghen”. Vậy là cụ bà giận, không thèm nói chuyện với cụ ông và bỏ uống thuốc, bỏ ăn rồi tụt đường huyết, xỉu, hôn mê.
Mới đây, chị Liên ở TP Thủ Đức đã tìm đến nhờ chị Hạnh Dung gỡ rối vì đại gia đình chị bị ảnh hưởng, do mẹ chị suốt ngày nổi cơn tam bành vì ghen. Chị Liên kể: “Ba tôi 82 tuổi, má tôi 75 tuổi. Ba má tôi sống ở quê Phú Yên với vợ chồng con trai út. Cách đây 2 năm, má tôi bị tai biến và bị yếu bên tay phải, đi đứng hơi khó khăn. Từ đó, má tôi trở chứng ghen.
Má qua hàng xóm, nghe người ta kể: “Thấy ông Tùng ghé nhà bà Xuân… 50 năm trước”. Má tôi suy ra: ngày xưa ba tôi đã tằng tịu với người này, phản bội và giấu má tôi suốt 50 năm qua. Má tôi vốn là giáo viên, rất nhẹ nhàng và tinh tế. Thế nhưng khi lên cơn ghen thì má vật vã, luôn trách móc, chì chiết và chửi ba tôi, trách ba tôi vô tình, bạc bẽo.
Mấy chục năm, ba tôi luôn nhẹ nhàng với má, chăm sóc vợ con. Vậy mà khi ghen, má tôi phủi sạch hết. Má suy diễn mọi thứ để kết tội ba tôi ngoại tình. Ba tôi like hình cô hàng xóm trên Facebook thì má nói “yêu mới like”. Ba giải thích “bạn bè Facebook đăng hình anh đều like vì lịch sự”. Má quả quyết: “bà Tư mặc áo hở vai, bả đăng hình cho anh coi”. Má “tra tấn” ba tôi bất kể sáng sớm, đêm khuya.
Chị em tôi khuyên thế nào cũng không được, còn bị má giận, chửi. Anh trai tôi ở Mỹ, là người má thương nhất, thấy tình hình căng quá cũng bay về. Anh vừa mở miệng cũng bị má chửi té tát vì “bênh kẻ ngoại tình”. Ba tôi rất khổ trước cơn ghen vô lý của má. Ông nói: “Không lẽ ba tự tử hay bỏ đi đâu. Chớ già rồi mà ngày nào cũng bị má ghen, lục điện thoại, tra hỏi, chửi bới, làm sao ba sống”.
Gần đây, chị em tôi đưa ba má vô Sài Gòn trị bệnh, nghĩ có đông con cháu, má đỡ ghen. Nhưng má vẫn lục lọi điện thoại ba tôi và lại lôi chuyện ba tôi ghé nhà người phụ nữ hàng xóm 50 năm trước ra nói. Chúng tôi thực sự quá mỏi mệt, bất lực với má và quá tội ba tôi mà không biết làm sao”.
Quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn
Khi nhắc đến ghen ở người già, tâm lý tiếp nhận của người thân hầu hết đều xem như chuyện tiếu lâm “già mà ghen nỗi gì?” và rồi chẳng ai bận tâm. Như chuyện của cụ Nho. Lúc cụ bà mới ghen, chưa cấm cụ Nho đi tập thể dục, uống cà phê… thì cụ đã nói với các con. Tuy nhiên, khi nghe chuyện, các con cười trêu cụ ông “má thương ba, má mới ghen”. Rồi sau đó, những đứa con bị cuốn vào công việc, gia đình, không ai còn nhớ chuyện cha mẹ già đang bất hòa, sống những năm tháng cuối đời trong đau khổ vì ghen. Lâu dài, ghen đã trở thành căn bệnh trầm kha của cụ bà và cụ ông “sống dở chết dở với cái ghen của vợ”.
Chuyện của mẹ chị Võ Thu Phương ở Long An. Cụ bà 83 tuổi, ghen cụ ông với cả thế giới. Ban đầu cụ bà ghen chồng với người giúp việc, bà hàng xóm, ghen cả với những người phụ nữ bán vé số. Chị Phương kể, niềm vui của ba chị là có ít tiền dằn túi để mua vé số và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vài chục, trăm ngàn đồng. Nhưng với mẹ chị, hành vi đó là ngoại tình, là “nuôi gái”, nên vợ chồng già “gây lộn mỗi ngày” - chị Phương nói.
Cách đây gần 1 tháng, mẹ chị bỏ nhà đi. Đến tối, chị mới tìm được mẹ trong một ngôi chùa. Bà kiên quyết “má đi tu cho vừa lòng ba mày”. Lý do: “Ở nhà chướng mắt lắm, con Tư Xuân (người giúp việc) cứ be be theo ba mày hoài, cứ cho ổng ăn yến cho “phẻ” hoài”. Rốt cuộc, chị Phương phải cho người giúp việc nghỉ và cấm không cho chị bán vé số vào nhà. Chị Phương than: “Ba tôi đã 87 tuổi, lúc quên, lúc nhớ mà vẫn bị ghen lên bờ xuống ruộng. Lúc đầu, tôi cứ tưởng má tôi ghen giỡn, ai ngờ ghen thiệt, cả nhà tôi đều khổ theo cơn ghen của bà”.
Tòa án nhân dân TPHCM từng xét xử vụ một cụ ông vì ghen đã dùng dao giết chết vợ. Ghen ở tuổi xế chiều, thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người cao tuổi. Có một thực tế, người ta càng về già thì thế giới xung quanh càng bị bó hẹp và trong tầm mắt của họ hầu như chỉ còn mỗi người bạn đời, nên mọi sự vui buồn đều xoay quanh đó.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Theo bác sĩ, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải, người già không còn đời sống tình dục mà chỉ còn đời sống tính dục. Thêm vào đó, sự yếu về sức khỏe, hạn chế về nhận thức… khiến các cụ không còn đủ khả năng kiểm soát cơn ghen. Nếu như phụ nữ có giới hạn của độ tuổi sinh sản (dậy thì và mãn kinh) thì ở đàn ông điều này không rõ ràng lắm, nên ghen ở tuổi xế chiều thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Để người già không bị nổi “máu ghen” xấu xí, theo bác sĩ Lan Hải, con cái cần quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn, nhìn cái ghen của người già bằng sự nghiêm túc và cần có cách giúp cha mẹ thoát khỏi tình trạng đó.
Để phòng bệnh ghen ở tuổi xế chiều, bác sĩ Lan Hải hiến kế: mỗi ngày ta phải già đi một cách tuyệt vời: “sở hữu” thêm nhiều thứ giá trị, không chỉ khư khư giữ riêng “quyền lực” với người bạn đời. Thấu hiểu quy luật: sắc đẹp là thứ đầu tiên tạo hóa ban tặng cho một thiếu nữ và cũng là thứ đầu tiên Ngài tước đi từ một người đàn bà. Cả 2 phái sẽ đối xử/ăn ở sao để biết sợ. Sợ rằng, cái mà tạo hóa cất đi từ một người già không chỉ là nhan sắc mà là trái tim rộng mở yêu thương.
Con cái có thể đồng hành, tạo điều kiện để cha mẹ có niềm vui tuổi già, có đời sống tinh thần phong phú, vui vẻ, sẽ hạn chế được năng lượng tiêu cực của ghen tuông.
Thùy Dương