Nghiêm khắc nhưng đừng cực đoan

29/03/2023 - 05:43

PNO - Với những trải nghiệm riêng và lo xa cho tương lai của con, nhiều bậc cha mẹ đã dạy con về những giá trị mà họ cho là cần khắc cốt ghi tâm để thích nghi với cuộc sống. Và việc quá nghiêm khắc, cứng nhắc biến gia đình thành một “trường học lệch”.

Thực ra, tính kỷ luật, khả năng tiết chế cảm xúc, hay giá trị của đồng tiền đều là những điều con trẻ cần được học để trở thành một công dân trưởng thành, có trách nhiệm.

Tuy nhiên, khi “dạy lệch” cho con về một giá trị nào đó, cha mẹ đã vô tình tạo ra sự mất cân bằng trong con trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tập sống khắc nghiệt

Theo chị Phan Thu Thủy (phó phòng nhân sự một công ty lớn), tình thân ái trong gia đình khiến con trẻ không có “đề kháng” với cuộc sống luôn khắc nghiệt và đầy thử thách.

Khi bé Bắp còn nhỏ, chị Thủy đã đưa con vào kỷ luật thép: “Không buồn ngủ cũng phải đi ngủ”, “phải ăn hết đồ ăn trong dĩa thì mới được rời bàn”. Bắp đến trường lúc 24 tháng tuổi. Từ ngày đầu, chị Thủy đã không dỗ dành mỗi khi con khóc, dù là khóc vì phải tạm biệt mẹ hay vì chưa quen cô bảo mẫu. Chị kiên nhẫn giải thích cho con hiểu việc đi học là “chuyện phải làm”, còn khóc là “hư”, là “yếu đuối” và khóc sẽ không thay đổi được gì cả.

Vì từ bé đã quen với “kỷ luật thép”, đến 10 tuổi, Bắp đã rất nền nếp. Mỗi ngày Bắp đến trường, về nhà làm bài tập, phụ mẹ làm việc nhà. Có lần, Bắp xin mẹ giữ lại 50.000 đồng tiền lì xì để góp vào quỹ từ thiện của các bạn trong lớp. Chị Thủy nghiêm giọng hỏi: “Tiền này có phải của con làm ra không?”. Bắp lắc đầu tự hiểu rằng mình không có quyền sử dụng tiền này để giúp đỡ người khác.

Chị Thủy không dỗ dành, không đùa giỡn và không bao giờ “làm bạn với con”. Theo chị, kỷ luật gia đình sẽ giúp con trở thành một công dân có trách nhiệm, có đủ sức mạnh để chống chọi với mọi thử thách sau này.

Tự kiếm tiền để sống trách nhiệm

Anh Nguyễn Thành Tài (nhân viên ngân hàng ở TPHCM) thì chú trọng dạy con về giá trị của đồng tiền. Từ bé, 2 cậu con trai của anh Tài đã được dạy rằng ba mẹ đi làm là để có tiền mua sữa và đóng học phí cho con. Các con đi học để có kiến thức, để sau này có thể tự kiếm tiền, không cần xin ba mẹ.

Khi con được 2 tuổi, anh đã dạy bé rằng muốn mua đồ chơi, tã sữa, quần áo, thuốc, vitamin, bánh kẹo… đều phải có tiền và nếu con muốn có tiền thì phải dọn dẹp nhà cửa. Anh Tài tự “chế” ra một loại tiền bằng giấy ghi “mệnh giá” là 1 ngôi sao 5 cánh. Mỗi lần bé Bo giúp mẹ dọn dép, dọn bàn, sẽ được tặng 1 tờ “tiền tự chế” cất vào túi riêng. Mỗi lần Bo hết sữa, ba mẹ sẽ chỉ con lấy 1 “tờ tiền” đưa cho ba mẹ đi mua sữa giúp.

Khi vào lớp Một, Bo đã biết về giá trị của tiền thật, biết cộng trừ các hóa đơn đơn giản và biết nhận tiền thừa khi đi mua hàng. Bo có thể “kiếm” được nhiều tiền hơn từ việc nhà. Anh Tài quy định những việc tự phục vụ thì không được trả tiền, còn những việc như rửa chén, lau nhà, chăm sóc cây cối… đều được trả thù lao. Chiếc ví của Bo chuyển sang đựng tiền thật. Sự “lợi hại” của “kỷ luật tài chính” là vợ chồng anh Tài luôn đánh giá, khen/chê con dựa vào khả năng tự chi trả và không khoan nhượng với những lần “thiếu hụt” của con.

Mỗi lần con thiếu tiền để đi chơi, sinh nhật bạn, anh Tài cho con “vay”, kèm theo những phân tích rằng việc thiếu tiền là do con đã không chủ động chuẩn bị và cần rút kinh nghiệm để không bị động. Ngoài việc nhà, anh gợi ý cho con “kinh doanh” nhỏ để kiếm thêm thu nhập.

Mặt trái của "học lệch"

Tìm đến chúng tôi, anh Tài cho rằng mình đang gặp “khủng hoảng trong việc dạy con”. Vào tuổi dậy thì, các con của anh gần như không có bạn. Để kiếm tiền, các cháu rất bận bịu với việc nhà, việc làm thêm và tự cắt giảm những cuộc gặp với bạn bè để “tránh tốn kém”. Nhưng nguy hiểm nhất là khi anh nghe Bo từ chối giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà lớp các con hay phát động. Qua đó, anh thấy con thiếu lòng trắc ẩn hoặc lòng trắc ẩn được đặt dưới những tính toán về tiền bạc.

Khi các con lớn hơn, vợ anh Tài bắt đầu áy náy khi thấy con “sòng phẳng lạnh lùng” với ba mẹ. Một lần, vợ anh cùng Bo đi chợ, vừa về đến nhà, Bo nhắc “mẹ trả con 5.000 đồng tiền gửi xe kẻo quên”, dù lúc ấy bà mẹ đang bận bịu với mớ thực phẩm.

Mới đây, chị Thủy đưa con gái đi chơi cùng gia đình vài người bạn. Khi bọn trẻ xuống hồ bơi, chị Hà - bạn của chị Thủy - đã xuống tắm cùng và té nước, rượt bắt con gái rồi mẹ con cùng cười vang. Thấy cảnh đó, Bắp thốt lên: “Bạn Mía (con chị Hà) sướng quá hà! Mẹ con chưa bao giờ chơi đùa với con như vậy”.

Nhìn bé Mía tình cảm với mẹ, chị Thủy giật mình, quả thật, dù Bắp đã khá lớn, chị chưa có cảm giác của một bà mẹ có con gái. Chị luôn “gồng” lên trước con và không cho phép con thể hiện sự yếu đuối hay chia sẻ bất kỳ cảm xúc nào với mẹ. Chị chỉ quy mọi thứ về đúng/sai.

Thực ra, tính kỷ luật, khả năng tiết chế cảm xúc, hay giá trị của đồng tiền đều là những điều con trẻ cần được học để trở thành một công dân trưởng thành, có trách nhiệm. Tuy nhiên, khi “dạy lệch” cho con về một giá trị nào đó, cha mẹ đã vô tình tạo ra sự mất cân bằng trong con trẻ.

Anh Tài sợ con sẽ không biết hành xử khi gặp áp lực tài chính và anh biến mình thành một “áp lực tài chính đầu đời” của con. Chị Thủy sợ con không đủ khả năng ứng phó với cuộc sống khắc nghiệt sau này và chị trở thành chính sự khắc nghiệt đó.

Trong khi, ngoài kỹ năng sống, điều lớn nhất cha mẹ có thể truyền dạy cho con là sự yêu thương, lòng thấu cảm và sự gắn bó, nâng đỡ vô điều kiện của người thân… Tình mẫu tử, phụ tử chính là “nguồn nhiên liệu” dồi dào nhất cho tinh thần của con người. Vì vậy, không nên vì một “thực tế cuộc sống” nào đó mà biến gia đình thành một xã hội sòng phẳng, khắc nghiệt. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI