Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn - Kỳ cuối: Nên ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu

02/10/2023 - 06:35

PNO - Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia xoay quanh nghịch lý “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn” và giải pháp cho vấn đề này.

Thẩm định khả năng trả nợ dựa vào hợp đồng, đơn hàng 

Trước đây, việc giảm lãi suất 1% sẽ góp phần đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1 - 1,5% nhưng hiện tại, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành sau 4 lần cũng không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Đó là do các ngân hàng đang thừa vốn nhưng doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được vốn. Có thể nói, chính sách tiền tệ đã bị bão hòa. 

 

Các chính sách hiện nay thiên về phía cung mà xem nhẹ phía cầu (như tăng chi tiêu công, giảm thuế). Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần tập trung hơn nữa chính sách tài khóa, duy trì theo hướng nới lỏng thay vì siết chặt như hiện nay. Hiện mức giảm thuế VAT 2% chưa đủ khuyến khích người dân mua sắm, trong khi nhiều nước tạm miễn thuế VAT, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN. Phải đồng loạt miễn hoặc giảm sâu các loại thuế này, mới kích cầu thị trường, giúp tổng cầu nền kinh tế tăng, kích thích DN sản xuất, kinh doanh. 
Không thể đòi hỏi các ngân hàng giảm tiêu chuẩn xét duyệt bởi sẽ khiến nợ xấu tăng, gây rủi ro lớn cho hệ thống tài chính. Nhưng nếu duy trì chính sách cho vay như hiện tại thì không đưa được vốn đến nền kinh tế. NHNN có thể cân nhắc cho phép các ngân hàng tăng tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo đã có trước đó, vẫn thẩm định kỹ khả năng trả nợ của DN nhưng nên tập trung vào dòng tiền tương lai, hợp đồng, đơn hàng thay vì tài sản đảm bảo. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân-Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM

Sớm thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia

Nút thắt của nền kinh tế hiện nay là các ngân hàng không dám cho vay do sợ rủi ro, trong khi Chính phủ không thể can thiệp vào các hoạt động cho vay của ngân hàng. Cách tháo gỡ nút thắt này là phải thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho các DN không đủ tài sản đảm bảo trong quá trình vay vốn. Đây là công cụ hiệu quả được nhiều nước như Philippines, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ… triển khai từ hàng chục, thậm chí hơn 100 năm trước. 

Hiện nay, Việt Nam có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng quỹ này có quy mô rất nhỏ (mỗi quỹ chỉ 200 tỉ đồng), hoạt động không hiệu quả (chỉ 7,34% DN tiếp cận được). Quỹ này cũng yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo không khác gì ngân hàng và DN phải mất phí 
bảo lãnh. 

Trong khi đó, quỹ bảo lãnh tín dụng của nhiều nước hoạt động rất hiệu quả. DN và ngân hàng chỉ cần làm đơn xin bảo lãnh tín dụng gửi lên quỹ. Sau khi được phê duyệt thì ngân hàng cấp tín dụng cho DN, còn DN trả phí cho quỹ bảo lãnh. Nếu DN bị vỡ nợ thì quỹ sẽ trả tiền cho ngân hàng. 
Việt Nam có rất nhiều DN nhỏ và vừa, độ rủi ro tín dụng lớn. Việc thành lập quỹ tín dụng quốc gia không khó và tôi không thấy trở ngại nào nhưng không hiểu sao tới nay, Việt Nam vẫn chưa thành lập. Có thể trong thời gian qua, quỹ tín dụng địa phương có nhiều tiêu cực (bảo lãnh cho người nhà vay tiền, không trả nợ cho ngân hàng, sử dụng quỹ này để trục lợi…) nên Chính phủ ngần ngại thành lập. Nhưng không nên vì cái sai trong quá khứ mà không dám làm. Cần phải làm và kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng

Doanh nghiệp không nên thụ động chờ Chính phủ
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, các đối tác xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm đơn hàng nhưng lúc đó, Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là do tiêu dùng nội địa vẫn ổn định. Hiện nay, tiêu dùng nội địa giảm là do dòng tiền đang mắc kẹt trong bất động sản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong bối cảnh này, không nên nôn nóng về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà phải cải thiện từng bước, nếu cung vốn tràn lan thì vốn dễ chạy vào đầu cơ tài chính, chứng khoán. 
 

Hiện nay, các ngân hàng đều phải nâng chuẩn mực, như phải đáp ứng Basel II, III (tiêu chuẩn và khung quy định do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng quốc tế ban hành) nên tiêu chuẩn cho vay bắt buộc phải nâng lên, đòi hỏi phương án sản xuất, kinh doanh của DN phải ngày càng rõ ràng, chặt chẽ hơn. Không phải ngân hàng không cho vay mà do DN không muốn vay, không đủ điều kiện vay, không chấp nhận khắc phục những bất cập trong sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN phải tự sắp xếp vốn và xoay xở các phương án chứ không nên thụ động chờ các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ. 
Tôi thấy các DN thường quan hệ cùng lúc với 3-4 ngân hàng, ít có DN gắn bó lâu dài với 1 ngân hàng. Chỉ khi DN chung thủy với 1 ngân hàng thì ngân hàng mới nắm rõ quá trình kinh doanh của DN, biết DN đang gặp khó khăn ở chỗ nào để hỗ trợ. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

Ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, khu vực phát triển năng động, nên ngành ngân hàng đã có nhiều cơ chế, chính sách riêng cho vùng này. 
Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%), chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo và thủy sản (thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long) khá tốt. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc. Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng nhanh do yếu tố mùa vụ và hoạt động xuất khẩu đang được cải thiện. 

Có thể nói, dòng vốn tín dụng đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh, thành trong vùng. Việc các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất là điều kiện tích cực để giảm giá thành, giảm giá đầu vào, trợ lực cho các DN vượt qua khó khăn. Các ngân hàng cần thường xuyên kết nối với DN, hợp tác xã, các hiệp hội nhằm chia sẻ khó khăn, cũng như tìm phương án giải quyết cụ thể những khó khăn và đề xuất hợp lý của DN. 

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạ lãi suất, kể cả cho vay cũ và cho vay mới, cả nội tệ và ngoại tệ; cắt giảm phí không cần thiết và nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm điều kiện giải ngân; linh hoạt cho vay theo mùa vụ nhằm hỗ trợ DN tăng cường thu mua nông sản kịp thời; khuyến khích các địa phương, DN, hợp tác xã quan tâm đến chuyển đổi số để hoạt động tín dụng thuận lợi hơn. 

Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước


Thanh Hoa - Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI