Nghịch lý học nhiều

19/12/2022 - 06:47

PNO - Học thêm không chỉ trở thành gánh nặng chi phí đối với nhiều gia đình mà còn chiếm hết thời gian vui chơi hay tham gia các hoạt động khác của học sinh, ảnh hưởng sức khỏe cũng như quá trình phát triển toàn diện của chúng.

Tính đến giữa học kỳ I, điểm trung bình của V.T. - lớp trưởng lớp Tám ở một trường THCS nội thành TPHCM - là 9,8. Điểm số cao như vậy nhưng V.T. vẫn học thêm môn toán 2 buổi tối trong tuần và học thêm tiếng Anh 2 buổi sáng cuối tuần. Theo V.T., hầu hết bạn cùng lớp của em đều đi học thêm.

Hỏi sao V.T. là học sinh giỏi, điểm trung bình cao chót vót mà vẫn cho con đi học thêm, mẹ em nói chắc nịch: “Để duy trì kết quả học sinh giỏi”. Mong muốn này dường như không của riêng bà mẹ nào. Con học trung bình, khá thì cho đi học thêm để được xếp loại giỏi, giỏi rồi thì gắng để đừng tuột hạng.  

Động lực đó thể hiện rõ qua báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011-2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố vào tháng Tám vừa qua. Theo đó, chi phí học thêm là khoản chi lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay; trong đó, tiểu học chiếm 32%, THCS chiếm 42% và THPT chiếm 43%. 

Nhưng, động lực học thêm không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của phụ huynh mà còn chính từ chương trình, cách dạy, cách thi. 
Khi đưa ra việc học 2 buổi/ngày, ngành giáo dục “thuyết minh” rằng, học sinh sẽ được củng cố bài học ngay tại lớp. Nhưng thực tế, nhiều em vẫn phải đi học thêm buổi tối và khi về nhà, vẫn tiếp tục học bài cho đến tận 21, 22g. Các em hầu như không còn có thời gian để “tiêu hóa” khối kiến thức đã thu nạp cả ngày. Cho nên, dù học nhiều, kết quả vẫn khó được cải thiện và lại phải tiếp tục đi học thêm.

Trong lớp, với sĩ số 49, 50 em/lớp, giáo viên rất khó quản lý được lớp, nói gì đến việc dạy theo năng lực từng em. Thành ra, những em vốn đang “bơi” thì càng phải bám vào phao “học thêm” để duy trì điểm số và được lên lớp.

Học thêm không chỉ trở thành gánh nặng chi phí đối với nhiều gia đình mà còn chiếm hết thời gian vui chơi hay tham gia các hoạt động khác của học sinh, ảnh hưởng sức khỏe cũng như quá trình phát triển toàn diện của chúng. Điều đáng lo là năng lực tự học và tư duy của trẻ sẽ bị mài mòn, triệt tiêu. Thậm chí, việc học thêm với lịch học dày đặc còn khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi, khiến các em sợ học.

Để việc học thêm hiệu quả, mang ý nghĩa tích cực, các nhà sư phạm cho rằng, phụ huynh chỉ nên cho con học môn học nào bị hổng kiến thức, không nên cho con đi học thêm theo phong trào hay chỉ để bằng “con người ta”. Ngành giáo dục cần cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi cử nhằm giảm áp lực học thêm. 

Chính phủ cũng cần nâng cao mức lương cho giáo viên để họ sống được bằng thu nhập của mình. Khi đó, họ sẽ dành thời gian, công sức để đầu tư nhiều hơn cho học sinh trên lớp mà không phải lo dạy thêm để kiếm thêm thu nhập.

Khi đánh giá vấn đề nóng nhất, khó nhất của giáo dục Việt Nam trong 10 năm tới, giáo sư Aaron Benavot - giảng viên Khoa Lãnh đạo và Chính sách giáo dục, Đại học Albany (Mỹ) - cho rằng, đó là việc làm thế nào để cân bằng những yếu tố trong chương trình giáo dục. 

Ông nói: “Học sinh cần lĩnh hội những kiến thức về khoa học, kỹ thuật, toán học cũng như những kỹ năng thế hệ mới, nhưng các em cũng cần biết về cảm xúc, khả năng chống chịu, thích nghi, khả năng tự giải quyết vấn đề, tự coi mình là công dân thế giới”. 

Vì thế, người lớn cần phải suy nghĩ và hành động vì tuổi học trò tươi đẹp, hạnh phúc cũng như tương lai của các em chứ không nên chạy theo những điểm số vô nghĩa.

Diệu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI