Có nhiều bất hợp lý về giá thuốc tây trúng thầu. Cụ thể, nhiều liều thuốc có hàm lượng thấp giá lại cao hơn thuốc có hàm lượng cao; thuốc có dạng phối hợp không phổ biến, không cần thiết và ít cạnh tranh lại trúng thầu cao cấp nhiều lần... và, người gánh chịu giá "cắt cổ" này không ai khác chính là bệnh nhân.
Chênh lệch hàng tỷ đồng
Theo hướng dẫn của liên bộ Y tế và Tài chính về đấu thầu mua thuốc tại Thông tư 36/2013/ TTLT-BYT-BTC có hiệu lực từ 1/1/2014, thuốc đấu thầu chia thành gói biệt dược gốc (còn gọi là thuốc gốc, thuốc được cấp phép lưu hành đầu tiên) và gói generic (sản xuất dựa theo thuốc gốc sau khi không còn thời hạn bảo hộ bản quyền). Ở gói thuốc generic lại chia thành năm nhóm đấu thầu dựa trên tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ được cấp phép với mức độ khắt khe khác nhau.
Sau khi Sở Y tế TP.HCM công bố kết quả thuốc trúng thầu với gói thuốc gốc vào ngày 22/6/2015 và gói generic ngày 28/7/2015, ngày 11/9/2015 Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã gửi đến Sở Y tế TP.HCM công văn số 2937/ BHXH-NVGĐ1, cho rằng: “Có 9 thuốc gốc và 115 thuốc generic có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có tính cạnh tranh trong đấu thầu, có chi phí cao và có mã hàng chào thầu giống nhau nhưng giá trúng thầu khác nhau. Đề nghị Sở Y tế xem xét, cần thương thảo điều chỉnh giảm giá”.
|
Các loại thuốc ít cạnh tranh đã trúng giá cao |
Tìm hiểu sự việc này, chúng tôi nhận thấy nhiều loại thuốc ở nhóm dự thầu ít khắt khe lại trúng giá cao. Đơn cử như cùng hàm lượng và hoạt chất erythropoietin alpha điều trị các bệnh lý thiếu máu, nhưng thuốc Nanokine 4.000IU do Việt Nam sản xuất thuộc nhóm III đã trúng thầu đến 358.000đ/ống, trong khi thuốc Hemax 4.000IU của Argentina thuộc nhóm II chỉ trúng 319.500đ/ống. Với 113.620 ống Nanokine trúng thầu, trị giá của lô hàng nhóm III này đắt hơn 4,37 tỷ đồng so với nhóm II.
Tương tự, cùng có hoạt chất nifedipin điều trị cao huyết áp, đau thắt ngực, nhưng thuốc của Việt Nam sản xuất dự thầu ở nhóm III lại trúng 6.495đ/ viên, còn thuốc do Slovenia sản xuất “đấu” ở nhóm I chỉ trúng có 4.350đ/viên.
Cùng là thuốc giảm đau, hạ sốt với hoạt chất fl octafenin 200mg và có cùng tên thương mại Idarac do Roussel Việt Nam nhượng quyền từ Tập đoàn Sanofi - Aventis của Pháp, nhưng thuốc dự ở nhóm thuốc gốc chỉ trúng giá 2.205đ/viên, còn thuốc ở nhóm III trúng thầu đến 2.520đ/viên…
Thuốc "lạ" giá cao
Ở gói thuốc biệt dược gốc, hãng Sanofi Winthrop Industrie (Pháp) trúng thầu đến ba mặt hàng thuốc Coaprovel điều trị bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, loại thuốc phối hợp tỷ lệ các hoạt chất ít có tính cạnh tranh, giá lại cao hơn.
Cụ thể mặt hàng Coaprovel (150mg irbesartan + 12,5mg hydrochlorothiazide) trúng 9.561đ/viên, Coaprovel 300/25mg trúng 13.280đ/ viên, thì loại thuốc Coaprovel 300/12,5 phối hợp “so le” (300mg irbesartan và 12,5mg hydrochlorothiazide) lại trúng thầu 190.196 viên với giá 14.342đ/viên. Với lô hàng “so le” này, nhà cung ứng vừa tiết kiệm hơn 2,3kg hydrochlorothiazide đồng thời lại tăng thêm gần 202 triệu đồng so với thuốc Coaprovel 300/25mg.
Tương tự, loại thuốc chứa hoạt chất fenofi brat dùng điều trị cholesterol trong máu cùng do Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương dự thầu, nhưng thuốc hàm lượng thấp lại trúng giá cao. Cụ thể, thuốc Lipanthyl Supra NT chỉ có 145mg hoạt chất fenofi brat trúng giá 10.561đ/viên, còn Lipanthyl Supra với hàm lượng đến 160mg fenofi brat lại trúng 10.058đ/viên. Với 1.405.151 viên trúng thầu, lô thuốc Lipanthyl Supra NT 145mg giảm được 21kg fenofi brat và giá cả lại cao hơn gần 707 triệu đồng so với thuốc Lipanthyl Supra 160mg.
Ở nhóm II, thuốc với sự phối hợp theo tỷ lệ ít cạnh tranh giữa hai chất bisoprolol + hydrochlorothiazid của Công ty cổ phần dược phẩm Savi (Savipharm) Việt Nam cũng có giá trúng thầu cao. Nếu loại 5mg + 6,25mg trúng giá 1.500đ/viên, thì loại 2,5mg + 6,25mg phải rẻ hơn vì hàm lượng bisoprolol thấp hơn, nhưng ngược lại, giá lại cao hơn gần gấp đôi với 2.800đ/ viên. Đặc biệt, “trúng” đậm hơn là thuốc có cùng hoạt chất hyaluronidase hàm lượng 150UI giá 68.250đ/lọ, trong khi loại 1500UI chỉ trúng 62.540đ/lọ. Như vậy, hàm lượng hoạt chất giảm xuống 10 lần nhưng giá mỗi lọ thuốc được tăng lên 6.000đ.
Thật khó hiểu, nhiều loại thuốc giảm một nửa hàm lượng, giá lại cao gấp đôi, dù các loại thuốc đó cùng nhóm dự thầu. Ví dụ, thuốc Ceftizoxim điều trị nhiễm trùng, viêm màng não, đường tiết niệu… dự thầu ở nhóm III có giá chênh lệch nhau quá lớn. Nếu thuốc Ceftizoxim 1G của Công ty cổ phần dược phẩm VCP trúng giá 24.300đ/lọ thì thuốc cùng loại có tên thương mại là Phillebicel 500mg của Công ty TNHH Phil Inter Pharma với hàm lượng hoạt chất giảm đi một nửa đã thắng thầu với giá gấp đôi là 48.880đ/lọ. Tính ra, thuốc của Phil Inter Pharma đắt gấp bốn lần thuốc của VCP.