Nghịch lý đáng báo động: mê cây nhưng lại… phá rừng

27/01/2021 - 06:57

PNO - Thú chơi cây cảnh từ tự nhiên ngày càng phổ biến. Gần đây, giới chơi cây chuộng những loài cây to như bằng lăng, sao, dầu, si rừng, sanh rừng… nên nhiều đối tượng đã vào rừng khai thác trộm, biến rừng giàu thành rừng nghèo.

Phá rừng để phục vụ thú chơi cây

Những ngày cuối năm âm lịch, dọc các tuyến quốc lộ hoặc trong các nhà vườn bonsai ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), người ta bày bán hàng ngàn cây rừng. Có những cây rừng nhiều tuổi, gốc to hơn vòng tay ôm, có nhiều vết cưa xẻ. Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi mới biết, những cội cây cổ thụ ấy được bứng từ rừng về.

Rừng thông Đak Đoa (H.Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) bị tàn phá nặng nề, các hố đất nơi cây thông bị bứng trộm nằm la liệt
Rừng thông Đak Đoa (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) bị tàn phá nặng nề, các hố đất nơi cây thông bị bứng trộm nằm la liệt

Ông V.T. - ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn - cho biết người dân vô núi đào mai rừng, sam, bông trang, sim, trắc, duối, bằng lăng… để bán cho nhà vườn hoặc chính nhà vườn cử nhân viên vô rừng bứng cây.

“Rẫy của tui có một cây bằng lăng khoảng 60 tuổi, có nhiều người hỏi mua nhưng tui không bán. Mới đây, cây đã bị đào trộm. Với những cây to như vậy, phải dùng xe cơ giới để chở nhưng không hiểu sao, họ vẫn vận chuyển trót lọt qua nhiều địa phương” - ông V.T. bức xúc.

Vào một nhà vườn ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, chúng tôi bắt gặp những gốc bằng lăng rừng bị cắt cụt cành, cưa ngọn, “nhốt” trong chậu gạch. Chủ vườn tiết lộ, giới chơi bonsai đang rất chuộng cây bằng lăng, nhất là bằng lăng rừng, giá bán từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi gốc. Người ta có thể mua gốc có sẵn hoặc đặt hàng trước, sẽ có người đi lùng, cung ứng.

Tại Vĩnh Thạnh - huyện miền núi của tỉnh Bình Định - mỗi cuối chiều, rất dễ bắt gặp những người đi từ trên núi về, trên vai lủng lẳng những gốc cây rừng to nhỏ.

Anh D.T. - ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh - cho biết: “Mấy năm nay, nhiều người ở dưới xuôi lên đây tìm mua gốc cây rừng về làm cảnh, nhất là gốc bằng lăng. Họ sẵn sàng trả giá cao để người dân địa phương vào rừng săn tìm. Bây giờ, nhiều người vô rừng đào cổ thụ như một nghề sống được”.

Những lúc nông nhàn, anh T. cũng cùng bạn bè vào núi Sơn Triều hoặc tìm đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một để săn tìm cây cảnh. Khi phát hiện cây đẹp, họ đào bới rồi mang về nhà bán cho các nhà vườn trong tỉnh. Anh T. cho hay, những người đi săn cây cảnh như anh ngày càng nhiều. Để tìm được gốc cây lớn, họ phải vào sâu trong rừng vì cây ở mé rừng đã bị đào sạch rồi.

Hiện nay, những gia đình khá giả thường mua cổ thụ về trồng trong biệt phủ của mình. Các chủ quán cà phê, khu vui chơi giải trí cũng đua nhau mua cổ thụ rừng để thu hút khách tham quan. Cách đây vài năm, tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, có vụ huy động gần 40 người lên rừng đốn một cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi. Do bị phát hiện, những người này đã đốt cây để phi tang. 

“Việc đào phá diễn ra ngày càng phổ biến đang khiến tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Rất mong các cấp, các ngành có biện pháp ngăn chặn tình trạng rút máu của rừng này” - một nghệ nhân bonsai mini ở tỉnh Bình Định bày tỏ.

Từ năm 2019-2020, tại khu vực rừng thông Đak Đoa thuộc hai xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa của huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, hàng chục cây thông 30-40 năm tuổi bị bứng trộm.

Gần đây nhất, ngày 15/11, tổ tuần tra của xã Tân Bình phát hiện nhóm 8-10 đối tượng đang đào trộm cây thông. Nhóm đối tượng bỏ chạy nhưng tổ đã truy bắt được hai người, thu giữ tang vật gồm một cây thông, một xe cẩu 3,5 tấn cùng cuốc, thuổng, xà beng, xẻng. Hai đối tượng khai, được một người tìm đến nhà thuê đi đào thông với giá công 500.000 đồng/người.

Mối nguy từ việc trồng cây di thực

“Di thực” là thuật ngữ để chỉ việc dẫn giống, mang một loài cây bản địa nào đó đến khu vực trồng trọt mới, chẳng hạn cây cao su. Hiện nay, việc trồng cây di thực diễn ra rất phổ biến ở tỉnh Gia Lai.

Trên tuyến đường Hai Bà Trưng vừa được mở rộng, thuộc TP. Pleiku, cây được trồng có chiều cao trên 4m. Những cây này đã bị xén rễ cái để tiện vận chuyển nên khả năng trụ vững trước gió to, mưa lớn rất kém. Ngoài ra, các vườn tư nhân, công viên cũng đều trồng các cây lớn với đường kính 40-100cm.

Đặc biệt, phong trào mở homestay ở tỉnh Gia Lai đang nở rộ cũng lấy đi một lượng lớn cây rừng để đem về trồng, nhằm nhanh chóng tạo cảnh quan. 

Hàng cây được trồng trên tuyến đường Hai Bà Trưng, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai là dạng cây di thực (bứng từ nơi khác đến)
Hàng cây được trồng trên tuyến đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai là dạng cây di thực (bứng từ nơi khác đến)

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư thủy lâm Nguyễn Sơn - người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về tình trạng trồng cây di thực - cho biết tại tỉnh Gia Lai, trong mười năm trở lại đây, người ta chuộng chơi cây cảnh, đặc biệt là các cây có nguồn gốc tự nhiên.

Theo ông Sơn, để khai thác được những cây có kích thước lớn, người ta lập những nhóm khoảng năm người, họ cưa lốc, chặt cành, cắt rễ. Đối với cây có hệ rễ chằng chịt, tỏa rộng, người ta phải triệt hạ các cây xung quanh để dọn đường khi đưa cây ra. Đào bới, di thực cây chính là hành động phá hoại môi trường sinh thái rừng.

Cũng theo ông Sơn, trong số những cây đã bị đào bới, không phải cây nào cũng sống được. Khi bứng gốc về, thường người ta phun thuốc kích rễ, nhưng hệ rễ đã bị cắt xén trầm trọng khiến cây khó sống hoặc rất chậm phục hồi tán lá và có thể chết.

Ngoài ra, việc xén rễ, chứ không đào sâu lấy nguyên gốc sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Đối với cây, độ sâu rễ cọc tỷ lệ thuận với chiều cao của cây, hệ rễ bàng xung quanh tỷ lệ thuận với tán cây và ăn sâu vào đất. Khi bứng gốc về, người ta chỉ cắt ngang chứ không đào sâu, khiến cây không thể tái tạo rễ cọc nên khả năng cây đổ là rất lớn. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu những cây này được trồng ở các tuyến đường, công viên, trường học, nhà hàng, quán cà phê.

“Việc bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua cây to về nhằm phục vụ thú chơi của riêng mình chính là tiếp tay cho việc phá hủy hệ sinh thái, tài nguyên của rừng. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì hệ sinh thái rừng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh. 

Lam Phong - Thùy Dung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI