Nghịch lý công viên

04/07/2022 - 06:36

PNO - Các đô thị ở Việt Nam thiếu mảng xanh trầm trọng nhưng nhiều công viên ở phố lại bị “cắt xén” để làm nhà hàng, bãi đậu xe hoặc có nơi bỏ hoang.

Ở TP.Hà Nội, Công viên Thiên văn học rộng 12ha ở P.Dương Nội, Q.Hà Đông được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nay thành phế tích. Đây là công viên ngoài trời đầu tiên ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn học, có không gian xanh và kiến trúc đẹp mắt bao quanh hồ Bách Hợp Thủ. Được hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay, công viên vẫn chưa được đưa vào hoạt động nên dần trở nên hoang phế, cỏ dại um tùm.

Từ năm 2014, UBND TP.Hà Nội có bản quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều khu đất lớn được quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa, như Công viên Kim Quy (huyện Đông Anh), Công viên Hello Kitty (quận Tây Hồ), khu công viên thể thao, cây xanh (quận Hà Đông)… Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội), có nhiều công viên trong quy hoạch nhưng được xây dở dang rồi “để đó” trong nhiều năm khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí nghiêm trọng. 

Tại TPHCM, việc công viên bị các đơn vị được giao quản lý cho thuê lại mặt bằng - sử dụng trái công năng cũng là đề tài được báo chí nhắc đến nhiều. 

Hà Nội và TPHCM là hai thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng tỷ lệ diện tích cây xanh trung bình chỉ khoảng 2m2/người. Mật độ này cách rất xa so với quy chuẩn của đô thị là 7 - 9m2/người và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố ở các nước tiên tiến trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cần từ 10 đến 15m2 không gian xanh cho mỗi người dân để đảm bảo một hệ sinh thái đô thị lành mạnh.

Thực tế tại các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã hình thành các khu dân cư phát triển tự phát với mật độ cư trú dày đặc nhưng thiếu các khoảng không gian xanh, không gian công cộng. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân. Trong khi đó, ở các dự án khu dân cư mới, trước đây chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh theo quy hoạch. 

Theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TPHCM, quy hoạch công viên cây xanh toàn TPHCM là gần 11.500ha nhưng hiện nay, chỉ đạt hơn 510ha. Mỗi năm, nhiều khu dân cư được xây dựng mới nhưng diện tích công viên cây xanh chỉ tăng hơn 1,5ha.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở các đô thị đã và đang gây hậu quả ngày càng xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao, hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê tông và biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp.

Tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Doãn Đức - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, công viên là lá phổi xanh của thành phố, là nơi công cộng để người dân đến nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cần được đặt trong tổng thể quy hoạch của mỗi thành phố. 

Trong quy hoạch, các không gian xanh là một chức năng rất quan trọng. Các đồ án quy hoạch đô thị căn cứ trên quy mô dân số dự kiến của khu vực để xác định vị trí, quy mô và định hướng đầu tư xây dựng hệ thống công viên cây xanh đô thị, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để hình thành được hệ thống công viên cây xanh đạt chuẩn trong đô thị theo quy hoạch, cần phải có quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Ngoài việc bảo tồn không gian xanh, cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy định, chính sách về quản lý quy hoạch - kiến trúc, phát triển hệ thống công viên cây xanh.

Tháng 5/2022, UBND TPHCM đặt ra chỉ tiêu đầu tư xây dựng mới tối thiểu 10ha công viên công cộng và 2ha mảng xanh công cộng, thực hiện trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh trên địa bàn trong năm 2022. Trong thời gian chờ đợi những công viên mới hình thành, nhất thiết phải có biện pháp bảo vệ và sử dụng đúng công năng của những công viên hiện có, đừng để lãng phí. 

Đình Nam

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI