Nghịch lý buồn của những người kể chuyện sử: Sân khấu loay hoay tìm lối đi

06/04/2018 - 08:22

PNO - Khẳng định lịch sử là đam mê, nhiều tác giả, đạo diễn trẻ đã bắt tay vào thực hiện tác phẩm, giới thiệu đến công chúng.

Nghịch lý buồn của những người 'kể chuyện' sử

 Trước những cơn sóng tuyên truyền, tô vẽ lịch sử ẩn trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật từ các nước ập vào Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp tục loay hoay, thậm chí bất lực. Những bộ phim đề tài lịch sử được Nhà nước đặt hàng, đầu tư thưa thớt khán giả. Tác phẩm từ các trại sáng tác văn học chỉ loanh quanh trong một nhóm nhỏ. Tác phẩm sân khấu phần nhiều chỉ để tham dự liên hoan, hội diễn kiếm huy chương.

Trong bối cảnh u buồn ấy, rất may, vẫn còn có những người trẻ tình nguyện đưa sử Việt đến với công chúng bằng nhiều cách khác nhau, dẫu trăm bề khó khăn và gần như chẳng được người lớn trợ lực.

Bài 1: Cuộc 'dạo chơi' nhọc nhằn

Bài 2: Đam mê tái hiện tiền nhân

Rất tiếc, hầu như tác phẩm nào cũng gặp vấn đề về chất lượng hoặc vướng víu ở những khâu khác nhau. Nhiều dự án bị bỏ dở và những kế hoạch tan ngay khi chưa kịp định hình khiến bất kỳ ai có lòng với sử đều không khỏi ngậm ngùi...

Vở cải lương Chân mệnh (tác giả: Huyền Trân, đạo diễn: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể: Hoàng Song Việt), ra mắt năm 2017, tạo tiếng vang tốt, được xem như cú hích, kích thích những tác giả trẻ đam mê đề tài lịch sử quyết tâm thực hiện các dự án của mình. 

Nghich ly buon cua nhung nguoi ke chuyen su: San khau loay hoay  tim loi di

Chân mệnh do một ê-kíp 8X thực hiện, tạo được tiếng vang và gặp rắc rối

Chân mệnh mở một góc nhìn khác vào lịch sử, thông qua câu chuyện tình yêu của vua Gia Long - Nguyễn Ánh và công chúa Lê Thị Ngọc Bình - người phụ nữ có số phận lạ lùng trong lịch sử Việt Nam: là con vua Lê, nhưng lại làm vợ của hai vị vua ở hai vương triều đối nghịch nhau là Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và Gia Long nhà Nguyễn.

Điều khác biệt trong cách xây dựng nhân vật của Huyền Trân là cách vẽ thêm một góc nhìn về vua Gia Long bằng những câu chuyện ông được các vị trung thần phò tá, được người dân cưu mang, giúp đỡ. Qua đó lý giải nguyên nhân một người phụ nữ nặng nghĩa phu thê với vua Cảnh Thịnh lại chấp nhận về làm vợ vua Gia Long - kẻ thù của cả dòng tộc nhà Tây Sơn.

Cách đây 5 năm, chuyện tình của công chúa Ngọc Bình và vua Gia Long cũng đã từng được kể trong vở cải lương Gió hoàng cung. Vì là lần đầu chuyện tình này được khai thác trên sân khấu, Gió hoàng cung được đặt rất nhiều kỳ vọng để rồi… gây thất vọng từ cách xây dựng hình tượng nhân vật đến những lời đối thoại. Nguyễn Ánh và Ngọc Bình liên tục đốp chát nhau bằng ngôn ngữ của “quần chúng”. Sốc hơn cả là câu thoại: “Ta là người đàn bà dạng chân giữa hai triều đại” của Ngọc Bình.

Đến nay, có lẽ Huyền Trân - Thanh Bình là những người trẻ nhất đã ít nhiều tạo được dấu ấn ở mảng đề tài lịch sử. Sau thành công của Chân mệnh, bộ đôi này tiếp tục được đặt hàng một kịch bản lịch sử khác với câu chuyện về Quang Trung - Nguyễn Huệ và Gia Long - Nguyễn Ánh. Dự kiến tác phẩm sẽ có mặt trong Liên hoan sân khấu cải lương vào tháng 9/2018.

Nghich ly buon cua nhung nguoi ke chuyen su: San khau loay hoay  tim loi di
Một cảnh trong Gió hoàng cung

Trước Huyền Trân, đạo diễn 9X Nguyễn Khắc Duy cũng lên kế hoạch dựng vở Nhiếp chính Ỷ Lan do chính anh viết kịch bản nhưng rồi đành bỏ lửng vì nhóm Buffalo đang gặp quá nhiều trục trặc từ nhân sự đến công tác tổ chức biểu diễn. Duy chia sẻ: “Dù rất tự tin với tư liệu mình có, tôi vẫn lo không biết những góc nhìn, quan điểm và những điều hư cấu trong Nhiếp chính Ỷ Lan có được chấp nhận không”.

Đây chính là thách thức khiến không ít người viết trẻ chùn tay. Đã qua rồi thời điểm sử chỉ nằm trong sách giáo khoa. Người trẻ hiện nay có internet để tra cứu, có thể tìm đến từng địa danh để nghe những câu chuyện lưu truyền trong dân gian hoặc qua lời của những người chăm sóc đền thờ, lăng mộ… Từ những tư liệu thu thập được, người trẻ tìm cách lý giải những sự kiện, nhân vật lịch sử  theo cách của mình và… gặp nạn.

Sau đêm diễn đầu tiên, dù đã được Hội đồng nghệ thuật thống nhất ý kiến cấp phép, chỉ yêu cầu điều chỉnh cách diễn xuất của một nhân vật, giấy phép đã không được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM trao cho ê-kíp thực hiện. Câu trả lời duy nhất họ nhận được là vở diễn tạm thời chưa phù hợp trong thời điểm này. 

Lạ là, khi kịch bản gốc và bản dựng của Chân mệnh được đưa về Cần Thơ (nơi đạo diễn Nguyễn Thanh Bình đang công tác) thì cả hội đồng duyệt vở lẫn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ đều đồng ý cấp phép.

Nếu cứ phải vừa làm vừa nơm nớp lo âu chuyện bị ách một cách chủ quan ở cửa kiểm duyệt như thế, liệu tác giả hay đạo diễn trẻ nào còn dám dấn thân vào đề tài lịch sử, sân khấu nào còn dám đầu tư?

“Đâm đầu chi vào chỗ khó. Thôi thì cứ viết kịch bản xã hội, chọn lối đi an toàn, viết nhanh, kiếm tiền dễ, hơn là phải mày mò trong một núi các sự kiện lịch sử để rồi mông lung với nỗi lo liệu có được chấp nhận. Cứ thế, tương lai sân khấu không còn tác phẩm đề tài lịch sử sẽ chẳng còn bao xa” - Ông Huỳnh Anh Tuấn, “ông bầu” sân khấu Idecaf, bày tỏ quan điểm. 

NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam

Một câu chuyện lịch sử có thể được làm mới bằng góc nhìn, cách lý giải khác. Có thể hư cấu trong những khoảng khuyết, góc khuất, vết đứt gãy… của lịch sử. Nhưng hư cấu cũng phải hợp lý, thuyết phục.

Chính sử và dã sử đôi khi rất ngược nhau, do được nhìn từ nhãn quan đối lập giữa thế lực cai trị và tầng lớp bị trị. Dẫu vậy, người sáng tác vẫn có thể lồng ghép, đi giữa chính sử và dã sử trong quá trình xây dựng hình tượng nghệ thuật. Riêng ngoại truyện, theo tôi là những sự tưởng tượng, khát vọng mang tính chất cá nhân. Nó cũng có điểm chung với nghệ thuật hư cấu, nhưng phóng khoáng và tự do hơn, nên cũng dễ tạo nên sự sa đà và quá trớn trong sáng tạo

ĐD Nguyễn Thanh Bình

Chúng tôi thực hiện Chân mệnh bằng tình yêu, sự trân trọng với những sự kiện, nhân vật lịch sử Việt Nam. Chúng tôi quan niệm, một tác phẩm giá trị cần được đại đa số người xem khẳng định về tính chân thực, nên chúng tôi vẫn học và cố gắng hoàn thiện qua mỗi tác phẩm. Chân mệnh gặp trở ngại vì những cảm nhận chủ quan khiến chúng tôi không khỏi hụt hẫng và càng thất vọng vì không được giải thích thỏa đáng.

Một tác phẩm nghệ thuật nhận những ý kiến đa chiều là chuyện bình thường và chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, phân tích để điều chỉnh.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI