Nghịch lý bệnh viện công khó khăn, bệnh viện tư không đấu thầu vẫn mua đủ thuốc, giá rẻ?

06/11/2024 - 16:14

PNO - ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng, đây là câu hỏi vẫn chưa được trả lời dứt điểm và là thách thức lớn cho công tác đấu thầu.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà góp ý vào dự án 1 luật sửa 4 luật
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà góp ý vào dự án "1 luật sửa 4 luật" - Ảnh: QH

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội hảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Góp ý vào dự án luật, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, những quy định liên quan đến đấu thầu thuốc hiện nay có nhiều bất cập, gây khó khăn cho các bên tham gia.

Cụ thể, về giá thuốc mua vào, Nghị định 155 của Chính phủ quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng. Còn về giá thuốc bán ra, Nghị định 54 của chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Tuy nhiên, do các đặc thù như: nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi… do đó rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đây là nguyên nhân khiến thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.

Quy định tại Luật đấu thầu hiện cũng gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp. Theo đó, tất cả hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng luật đấu thầu, trong khi quy định tại Luật đấu thầu cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm.

ĐB kiến nghị: “Đối với việc mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu".

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cũng chỉ ra có sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập: “Trong khi các cơ sở công lập gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, thì các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại”.

Bên cạnh đó, mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập.

“Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và vẫn như một lời thách thức lớn cho công tác đấu thầu”, bà trăn trở.

Nữ ĐBQH đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu, yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI