Nghịch cảnh ở thủ phủ khoáng sản Nghệ An

10/06/2022 - 16:17

PNO - Ở nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của đá trắng và thiếc với hàng trăm mỏ khai khoáng, song phần lớn người dân H. Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chẳng được hưởng lợi gì. Ngược lại, họ phải hứng chịu những hậu quả như ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt và tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng.

Đường bị “cày” nát

Nhìn những chiếc xe tải chở đầy khoáng sản ì ạch bò trên Tỉnh lộ 532, ông Nguyễn Văn Thành, trú xã Châu Hồng, H. Quỳ Hợp, than: “Nắng thì bụi ngút trời, không dám hé cửa nhà, mưa thì đường lầy lội. Chúng tôi đã kêu khắp nơi, nhưng đường sá vẫn ngày một tệ hơn”. Người đàn ông ngoài 50 tuổi này bảo, quê ông - xã Châu Hồng, vẫn được mọi người biết đến là trung tâm của thủ phủ khoáng sản xứ Nghệ, song người dân nơi đây chẳng thấy lợi lộc đâu mà chỉ nhận về sự đau khổ.

Nhiều gia đình ở xã Châu Hồng không dám ngủ, ăn uống trong nhà vì sợ nhà sập  bất cứ lúc nào - ẢNH: PHAN NGỌC
Nhiều gia đình ở xã Châu Hồng không dám ngủ, ăn uống trong nhà vì sợ nhà sập bất cứ lúc nào - Ảnh: Phan Ngọc

Tỉnh lộ 532 dài hơn 35km, là tuyến đường huyết mạch trong việc giao thương, phát triển kinh tế, thế nhưng hiện tại, mỗi ngày nó phải oằn mình gánh hàng ngàn lượt xe tải cỡ lớn chở nguyên liệu vào ra các khu mỏ, khiến mặt đường bị “cày” nát với dày đặc những “ổ voi”, “ổ trâu”, việc đi lại của người dân trở nên rất khó khăn.

Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng - cho biết, không chỉ người dân mà chính quyền xã cũng đã “kêu” từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, con đường vẫn không được nâng cấp. Ông Hóa cho hay, khi dân thắc mắc vì sao các doanh nghiệp không bỏ tiền tu sửa đường thì bị các doanh nghiệp “bật” lại rằng, họ đã đóng thuế bảo vệ môi trường hằng năm nên việc tu sửa đường là trách nhiệm của tỉnh!

Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói rằng, được xem là thủ phủ khoáng sản, nhưng chính quyền và người dân hầu như không được hưởng lợi gì mà ngược lại, đang phải gánh chịu hàng loạt những hệ lụy của việc khai khoáng. Để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông, xã Châu Hồng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đất, đá để vá lại những “ổ voi”, “ổ trâu”, nhưng cũng chẳng ăn thua, chỉ là tạm thời, cứ đổ ra lấp lại, sau vài trận mưa thì đâu lại vào đó.

Sông bị nhuộm đỏ

Ngược dòng Nậm Tôn, xuôi về phía hạ nguồn thủ phủ khoáng sản, hàng ngàn hộ dân sống dọc con sông này cũng đang chịu cảnh khát nước suốt nhiều năm qua. Chỉ tay về phía dòng Nậm Tôn đỏ ngầu đang cuồn cuộn chảy, ông Nguyễn Viết Xuân, trú xã Châu Quang, H. Quỳ Hợp, nói rằng, Nậm Tôn từng là dòng sông có nguồn lợi thủy sản phong phú, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hàng ngàn người dân trên địa bàn H. Quỳ Hợp. Nhưng nhiều năm qua, dòng nước trong xanh này bỗng chuyển sang màu đỏ gạch, đục ngầu và không còn bất kỳ loài tôm, cá nào sống được. 

“Ngày xưa, chúng tôi vẫn tắm rửa trên dòng sông này, lấy nước sông về nấu ăn, sinh hoạt và tưới tiêu cho ruộng vườn. Nhưng giờ thì chẳng ai dám bén mảng đến con sông nữa”, ông Xuân nói và cho hay, những gia đình sống bên dòng Nậm Tôn lâu nay phải đào giếng để lấy nước sử dụng. Nhiều diện tích trồng lúa cũng phải chuyển đổi sang trồng các loại cây khác vì thiếu nước tưới. Nước sông từ màu xanh chuyển sang màu… máu. Gia súc, gia cầm uống nước sông đã lăn ra chết.

Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường H. Quỳ Hợp - cho biết, chính quyền đã khuyến cáo dân không sử dụng nguồn nước từ sông Nậm Tôn. Huyện đã kiểm tra các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức lộ thiên nhưng không phát hiện tình trạng xả nước thải đục ra sông, riêng các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, huyện không có đủ phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để kiểm tra.

Hố tử thần đường kính hơn 10m, sâu 6m xuất hiện trong một nhà dân ở H.Quỳ Hợp,  làm lộ cả phần móng nhà - ẢNH: PHAN NGỌC
Hố tử thần đường kính hơn 10m, sâu 6m xuất hiện trong một nhà dân ở H.Quỳ Hợp, làm lộ cả phần móng nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Sống trên “mỏ vàng” vẫn phải tha hương

“Thời bình mà lo chẳng kém gì thời chiến, đồ đạc luôn phải sẵn sàng để di dời mọi lúc” - chị Thương, trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng nói. Theo chị Thương, cả bản dường như rơi vào tình trạng báo động đỏ, tình trạng sụt lún, nhà cửa nứt toác ngày một trầm trọng. Bà Hoàng Thị Hoài, trú bản Na Hiêng, cho biết, sáu người trong gia đình bà phải chuyển ra nhà tạm phía sau để ở khi căn nhà chính xuất hiện các vết nứt dài, nền nhà bị biến dạng. Bà Hoài âu lo: “Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dành dụm xây được ngôi nhà che nắng, che mưa mà giờ nhà cũng không vào ở được, vì sợ nó đổ sập bất cứ lúc nào”. 

Tại xã Châu Hồng hiện có 11 doanh nghiệp khai thác đá trắng và quặng thiếc, hai doanh nghiệp chế biến đá. Người dân dù sống trên “mỏ vàng” nhưng vẫn phải tha hương, cầu thực. Chủ tịch xã Trương Văn Hóa cho biết, xã có hơn 900 hộ dân, nhưng trên 500 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Phần lớn thanh niên đi vào miền Nam làm việc hoặc đi xuất khẩu lao động chứ không thể vào làm ở các khu mỏ, vì lao động quá cực nhọc.

Trước thực trạng khoáng sản bị lấy đi, để lại những quả núi “tàn phế”, rỗng ruột, môi trường bị ô nhiễm, ông Trần Đức Lợi - Phó chủ tịch UBND H. Quỳ Hợp - cho biết, địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò của doanh nghiệp ở xã Châu Hồng. “Cần phải kiểm tra để xác định họ đào hầm khai thác quặng có vượt quá phạm vi cho phép không” - ông Lợi nói.

Tại Quỳ Hợp hiện có gần 80 doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản. “Tiếng là huyện khoáng sản nhưng chỉ thấy môi trường bị ô nhiễm, hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng” - ông Lợi nói và cho biết thêm: "Tất cả các khoản thu liên quan đến các hoạt động khai thác khoáng sản đều nộp về ngân sách tỉnh và Trung ương. Và nếu được rót ngân sách để nâng cấp hạ tầng giao thông và chất lượng môi trường thì người dân địa phương bớt khổ”. 

Trong vài ngày, thêm 40 căn nhà bị nứt

Ngày 29/5, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đã về kiểm tra hiện tượng đất bị sụt lún, nhà cửa bị nứt toác, giếng nước bị khô cạn tại xã Châu Hồng và một số nhà máy khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tại buổi đối thoại với dân, ông Trung đề nghị các ngành liên quan sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý triệt để vấn đề. Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu công an vào cuộc điều tra làm rõ phản ánh của người dân về việc doanh nghiệp tự ý san lấp “hố tử thần” khi cơ quan chuyên môn đang khảo sát.

Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, số ngôi nhà dân bị nứt nẻ đã tăng từ 191 lên 232 chỉ trong vòng vài ngày qua. “Trong đó, có sáu ngôi nhà được xác định mức độ nguy hiểm rất cao và buộc phải sơ tán khẩn cấp. Những ngôi nhà còn lại phải tiếp tục theo dõi hằng ngày và sẵn sàng di dời khi có tình huống xảy ra. Hiện trường học, trụ sở xã cũng đã bị nứt rất nặng nên xã phải trưng dụng bốn nhà văn hóa bản làm nơi sơ tán khẩn cấp dân khi cần” - ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch xã Châu Hồng, nói.


Phan Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI