PNO - Là vùng dịch lớn nhất nước, TPHCM đón nhận sự hỗ trợ của hàng chục ngàn tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành, trong đó có gần 6.700 y, bác sĩ do Bộ Y tế huy động, cùng các lực lượng của Bộ Quốc phòng.
Vào điểm nóng dịch bệnh, họ chấp nhận nhiều gian khổ, hy sinh... Nhưng khi nhận được những tấm chân tình của bệnh nhân cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, họ có chung cảm nhận, nơi mình đang công tác giống như một gia đình.
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế theo dõi, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 14, TPHCM - Ảnh: Phạm An
Niềm vui lớn, nỗi buồn lớn
Chuyến tàu đưa đoàn y, bác sĩ tình nguyện số 4 của Trường đại học Y Dược Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến ga Sài Gòn lúc 20 giờ. TPHCM đón đoàn bằng không gian tĩnh mịch, im vắng. Bác sĩ Trần Doãn Tú bất giác liên tưởng đến cảnh nhộn nhịp, sôi động của thành phố những lần ghé thăm trước đây. Đến hôm đó - ngày 18/8 - TPHCM có xấp xỉ 160.000 ca mắc COVD-19 và đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bác sĩ Tú cùng đoàn được phân công về hỗ trợ Q.Bình Tân - một “điểm nóng” của TPHCM, nơi liên tục phát hiện những chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Đoàn tình nguyện số 4 nhanh chóng phối hợp với Phòng Y tế Q.Bình Tân thiết lập một bệnh viện dã chiến với quy mô 60 giường, thuộc tầng hai theo mô hình tháp ba tầng điều trị COVID-19. Sau năm ngày thi công, bệnh viện đi vào hoạt động với đầy đủ hệ thống ô-xy trung tâm, các máy thở, thuốc men và vật tư y tế khác. Cùng với tám bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đoàn tình nguyện bắt đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ từ vừa đến nặng. Từ đây, các thành viên trong đoàn gắn mình với lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt.
Bác sĩ Tú cho biết, ngoài thăm khám, điều trị, thực hiện các y lệnh, các y, bác sĩ còn tích cực trò chuyện, động viên tinh thần cho bệnh nhân. Dù chia ca, kíp để trực nhưng họ vẫn phải dùng giờ nghỉ để đưa cơm cho bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và sẵn sàng ứng trực cho tình huống cấp bách, vốn xảy ra liên tục.
Bác sĩ Tú trải lòng: “Khi nhận nhiệm vụ ở một nơi mà dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi đã chuẩn bị tinh thần để xử trí trong tình huống xấu nhất. Thế nhưng, việc phải chuyển bệnh nhân lên tầng điều trị cao hơn hoặc chứng kiến sự mong manh tính mạng, tôi vẫn rất đau lòng. Điều đó thúc giục tôi phải cố gắng hết sức để giữ an toàn cho từng bệnh nhân”.
Một chiều đầu tháng Chín, bệnh viện tiếp nhận một nữ bệnh nhân lớn tuổi, suy hô hấp nặng, phải thở ô-xy dung tích cao. Cùng đi với bà là một cháu trai chừng 15 tuổi. Sau mấy ngày điều trị, bác sĩ Tú tiên lượng, bệnh của bà có thể diễn tiến nặng trong thời gian ngắn nên quyết định chuyển bà lên tuyến trên. Biết bệnh tình của bà, người cháu trai sợ hãi khóc không ngừng vì bà là một trong số ít người thân của cậu. “Tôi động viên em ấy bình tĩnh, giữ sức khỏe và giúp em thu xếp đồ để đi cùng bà ra xe chuyển bệnh. Nhìn hình ảnh hai bà cháu rời đi trên chiếc xe cấp cứu, tôi chỉ biết thầm mong những điều tốt đẹp nhất đến với bà và em” - giọng bác sĩ Tú run run.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh thăm khám tại nhà cho một bệnh nhân COVID-19
Nghe tôi hỏi về gia đình, bác sĩ Nguyễn Khánh Linh của Học viện Quân y (TP.Hà Nội) kể, con gái nhỏ năm nay bước vào lớp Một, con trai đầu vào lớp Năm: “Ngày 23/8 xuất quân. Nhận lệnh trước đó một ngày nên tôi chỉ kịp mang hai con sang gửi ông bà. Là người lính, luôn sẵn sàng nhận lệnh điều động nên chuyện xếp đặt cũng nhanh. Nhưng từ đó đến giờ, tôi cũng chưa nói chuyện được với con lần nào”. Ngày tiêp ngày, căng mình với công việc ở Trạm y tế lưu động P.2, Q.11 gồm thăm khám, tư vấn, điều trị và xử lý các tình huống cấp cứu cho F0 tại nhà, chị quên mất khái niệm thời gian. “Lúc mình xong việc thì đã quá nửa đêm, con ngủ rồi nên không thể gọi điện thoại được” - bác sĩ Khánh Linh chia sẻ.
Có đêm, vừa về đến trạm (lập ở Trường mầm non 2, P.2, Q.11) sau khi cấp cứu một bệnh nhân COVID-19 (F0) chuyển nặng, phải đưa đi bệnh viện dã chiến, bác sĩ Linh nhận tiếp cuộc gọi của một gia đình nhiều F0 đang có người khó thở. Có đêm, chị ngồi khóc thương một ca nhiễm vừa phát hiện dương tính, đã lập tức trở nặng, tử vong khi chị chưa kịp đến. Nhiều lần, chị xót xa trước gia cảnh khó khăn của bệnh nhân khi họ không khám bệnh định kỳ nên khi mắc COVID-19, nhiều bệnh nền phát lộ. Bác sĩ Linh ngậm ngùi kể, có hôm, từ khuya đến trưa hôm sau, ba thành viên của trạm ép tim cho ba ca chuyển nặng bất ngờ nhưng đều không thành: “Tâm trạng của chúng tôi nặng nề, u ám và chưa bao giờ buồn như thế trong đời”.
Dẫu có áp lực, căng thẳng và làm việc trong môi trường nguy hiểm, chuyến công tác đặc biệt của các y, bác sĩ chi viện cũng đầy ắp những kỷ niệm và niềm vui lớn lao. Đó là khi họ giúp các ca F0 bình tâm để đối phó với bệnh, hay khi nhận tin một ca bệnh nặng đang từng bước hồi phục. Họ cũng rưng rưng khi được bệnh nhân tự điều trị tại nhà tặng một củ khoai thay lời cảm ơn.
Sinh viên Học viện Quân y Hà Nội vào TPHCM chống dịch COVID-19 - Ảnh: Phạm An
“Chúng tôi được chăm lo chu đáo”
Nghe hỏi về niềm vui, cảm xúc của chuyến công tác xa gia đình kéo dài gần hai tháng qua, điều dưỡng Đinh Thị Cẩm Giang - đang làm việc tại khu cách ly Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10 - nói: “Nơi này cho tôi cảm giác như một gia đình”.
Là kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chị Giang nhận nhiệm vụ chi viện cho TPHCM từ ngày 28/7. Công việc chính của chị là tiếp nhận, chăm sóc và phân loại, điều chuyển F0 đi các bệnh viện theo đúng tầng điều trị. Con số 300 F0 tại khu cách ly trong ngày đầu nhận việc khiến chị bị ngợp trước mức độ lây lan của dịch bệnh. Trong bộ quần áo bảo hộ nóng hầm, những ngày đầu, chị làm việc đến không có giờ ăn, vì hầu như bệnh nhân nào cũng hốt hoảng, lo sợ cho bệnh tình của mình.
Gần gũi động viên, tâm tình để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các bệnh nhân, chị Giang càng thêm yêu quý con người của vùng đất lần đầu chị đặt chân đến này. Chị kể về tình yêu của một cặp vợ chồng bệnh nhân lớn tuổi: “Do người chồng yếu và chỉ số SpO2 thấp nên chúng tôi đưa vào phòng đặc biệt để thở ô-xy. Mỗi lần thở ổn, ông liên tục đòi về khu vực dành cho các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để ở với vợ mình. Khi không được ở chung, ông dặn y, bác sĩ chuyển đúng lời của ông cho vợ. Rồi bệnh ông chuyển nặng, phải vào bệnh viện dã chiến nhưng ông nói sẽ cố gắng để sớm về với vợ. Ông đi được vài hôm thì bà chuyển lên phòng thở ô-xy, cũng hứa cố gắng mau lành để vợ chồng đoàn tụ”. Những lời hứa hẹn đoàn tụ nhắn qua bác sĩ khiến chị Giang và các đồng nghiệp vô cùng xúc động.
Bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) vẫy tay chào tạm biệt các bệnh nhân xuất viện trở về với gia đình chiều 15/9/2021- Ảnh: Hoàng Hùng
Theo một lãnh đạo UBND Q.10, lúc cao điểm bùng phát dịch bệnh, Q.10 nhận được sự hỗ trợ, chi viện của nhiều đoàn đến từ các tỉnh, từ Bộ Y tế. Họ cùng các lực lượng tình nguyện tại chỗ làm việc ở khu tiếp nhận, điều trị, cấp cứu lưu động, xét nghiệm, tiêm chủng… Ngay từ khi tiếp nhận lực lượng y tế chi viện cho địa phương, Quận ủy, UBND Q.10 đã chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan làm việc với lực lượng hỗ trợ một cách chi tiết, chu đáo, đảm bảo các điều kiện làm việc và sinh hoạt an toàn.
Ông Nguyễn Trần Bình - Phó chủ tịch UBND Q.11 - cho hay quận được chi viện 20 người từ Trường đại học Y Dược Thái Bình, 98 người từ Trường đại học Y Dược Cần Thơ, 102 người từ Học viện Quân y. Ngoài nhanh chóng bố trí chỗ ăn, chỗ ở, trang thiết bị, UBND quận còn cử một đội ngũ bám sát để kịp thời giúp đỡ cũng như đưa đón, hướng dẫn đi lại cho đội ngũ hỗ trợ. Lực lượng hỗ trợ đã giúp Q.11 kéo giảm tỷ lệ tử vong, chuyển nặng và hoàn thành việc tiêm vắc xin sớm nhất toàn thành phố. Ông Trần Nam Hà - Chủ tịch UBND P.2, Q.11 - thông tin, phường có hai đội hỗ trợ. Để đảm bảo sức khỏe cho các y, bác sĩ, UBND phường đặt một đầu bếp lo các bữa ăn đúng vị vùng miền và chế biến theo yêu cầu, đồng thời cử cán bộ thường xuyên đến các điểm lưu trú của lực lượng này thăm hỏi, động viên.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, chia sẻ: “Quận có 42 trạm y tế lưu động, một bệnh viện dã chiến, một khu điều trị. Các bác sĩ từ Huế vào đang hỗ trợ tại khu điều trị, lực lượng quân y thì hỗ trợ tại trạm y tế lưu động. Quận thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của y, bác sĩ để động viên anh chị em yên tâm công tác. Đa số các bác sĩ quân y từ miền Bắc vào, có một số món miền Nam không hợp khẩu vị, nên chúng tôi cung cấp vật dụng và thực phẩm để các y, bác sĩ nấu ăn thêm…”.
Bác sĩ Khánh Linh nhận định: “Chúng tôi được chăm lo rất chu đáo”. Còn bác sĩ Trần Doãn Tú bày tỏ: “Ngay khi vừa đặt chân đến thành phố, lãnh đạo Q.Bình Tân đã đến thăm hỏi ân cần, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi công tác từ đó đến nay. Chính những tình cảm ấm áp đó đã tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Chăm lo, động viên cho lực lượng hỗ trợ, chi viện được xem là một phần quan trọng của công tác phòng, chống dịch. Từ đầu tháng Tám, UBND TPHCM đã ban hành văn bản khẩn về triển khai hỗ trợ, động viên lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch. Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - việc chăm lo cho tuyến đầu chống dịch là chính sách xuyên suốt của chính quyền thành phố. Ngoài bố trí chỗ lưu trú cho lực lượng này, UBND TPHCM cũng nhanh chóng triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về một số chế độ đặc thù cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngày 24/8, HĐND TPHCM cũng đã ban hành nghị quyết chi gần 500 tỷ đồng cho lực lượng tuyến đầu.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.