Ấm lòng người xa quê
Nằm gần khu công nghiệp Tân Bình, địa bàn P.15, Q.Tân Bình tập trung đông dân nhập cư, có người ở trọ 20 năm, có người mới vào vài tháng. Đặc biệt, các khu trọ ở đây đều sạch đẹp, nằm yên tĩnh trong lòng các khu phố (KP). Được như vậy là nhờ các nữ chủ nhà trọ (NCNT) ở đây chăm chút.
Cô Nguyễn Thị Sơn, SN 1961, Chi hội trưởng PN KP.8, P.15, NCNT tổ 120 cho hay: “Ban ngày, chị em đi làm nên ở đây yên ắng lắm, tối họ về mới thấy đông vui. Các gia đình trọ lâu riết thành thân thiết như người một nhà, vui sướng, nhọc nhằn gì cũng đều chia sớt cho nhau”.
Lần giở cuốn sổ theo dõi khách trọ, cô Sơn kể nhiều câu chuyện xúc động. Sau đám cưới, vợ chồng chị Nguyễn Thị Chi (SN 1974) và anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1975) từ Đà Nẵng vào Sài Gòn lập nghiệp. 15 năm nơi đất khách, vượt bao khó khăn, anh Hùng chăm chỉ với công việc bảo vệ, chị Chi mưu sinh cùng tiệm tóc nhỏ, cuộc sống tạm đủ cho bốn thành viên. “Hồi mới vào, con Chi khóc miết vì nhớ nhà, chỉ lẩn quẩn với tiệm tóc, ít nói chuyện với người lạ. Thấy vậy, hôm nào vắng khách, tôi ghé tiệm hỏi thăm, chuyện trò, khi thì đưa báo Phụ Nữ cho đọc, khi thì bàn về chuyện làm đẹp, từ đó nó mạnh dạn hơn, hay tâm sự với tôi”, cô Sơn kể.
Ngồi gần bên, chị Chi góp chuyện: “Người xa quê thấy lạc lõng lắm. Nhờ cô Sơn kéo tôi ra khỏi “ốc đảo” mà tôi nguôi ngoai phần nào. Các hoạt động do Hội PN phường, quận tổ chức như thi nấu ăn, cắm hoa, thi áo dài, cô Sơn đều rủ tôi tham gia”.
|
Cán bộ Hội PN KP.7, P.13, Q.Tân Bình luôn sát cánh cùng PN nhập cư như chị Phượng (ngoài cùng bìa trái) trên bước đường mưu sinh |
Không chỉ được vui chơi, giải trí, chị em ở trọ còn được cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích từ các buổi tuyên truyền pháp luật, bảo vệ môi trường, sinh hoạt chuyên đề về bạo lực gia đình, sức khỏe sinh sản…
Câu chuyện xa nhà của chị Ngô Thị Điệp (SN 1964) khiến ai nghe cũng ngậm ngùi. Chị Điệp là dân Sài Gòn, nhà ở Q.3, quyết lấy người chồng hơn mình 20 tuổi, chị phải ra đi vì bị gia đình từ mặt. 20 năm, vợ chồng nương tựa nhau trong căn nhà trọ, chị giấu nỗi buồn khi đếm số lần lén về thăm nhà. “Chỉ có giỗ ba má, tôi tạt về nhà rồi vội đi vì thấy không ai chào đón. Ở đây, chị em tối lửa tắt đèn có nhau, tôi thấy bớt chạnh lòng”, chị Điệp bùi ngùi.
Cứ vào dịp tết, khu trọ chộn rộn hẳn lên, người rục rịch chuẩn bị về quê, người ủ rũ vì phải ăn tết ở đây. Cùng với chị Điệp, nhiều chị em ở lại khu trọ đón tết. Để mọi người có được mấy ngày xuân trọn vẹn, cô Sơn lên kế hoạch nấu ăn, tổ chức bàn tiệc cho chị em vui xuân, địa điểm đón tết là ngay tại sân sinh hoạt chung của khu nhà trọ.
Thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng các mô hình Câu lạc bộ NCNT, nữ công nhân lao động, Hội LHPN Q.Tân Bình không ngừng tạo môi trường tập hợp, chăm sóc đối tượng PN nhập cư trên địa bàn quận như tổ chức chương trình văn nghệ, hội thao, sinh hoạt chuyên đề nuôi dạy con tốt, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình hay đến thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết cho các gia đình công nhân. Để hỗ trợ, đỡ đần một phần gánh nặng kinh tế cho PN nhập cư, Hội vận động các NCNT cam kết không tăng giá thuê phòng, tiền điện, nước sinh hoạt; quan tâm sâu sát đến các vấn đề vệ sinh, an toàn các điểm giữ trẻ trên địa bàn để chị em an tâm gửi con, mưu sinh.
"Liều" với người dưng
Tại KP.7, P.13, Q.Tân Bình, nguồn quỹ tiết kiệm tại chi, tổ hội được dùng phát vay hỗ trợ chị em nhập cư làm kinh tế. Đây là cách làm hay, được các tổ hội duy trì thực hiện trong thời gian qua.
Khi mới “chân ướt chân ráo” từ miền Trung vào Sài Gòn, vợ chồng chị Võ Thị Bích Phượng đều làm công nhân. Khi sinh con gái đầu lòng, chị Phượng nghỉ việc để có thời gian chăm sóc con nhỏ. Ở nhà cũng buồn, chị ước có số vốn ra buôn bán, kiếm thêm thu nhập. Tâm sự với chị Huỳnh Thị Kim Hồng, Tổ trưởng tổ PN 84, chị bất ngờ nhận được cái gật đầu.
Chị Phượng nhớ lại: “Tôi không nghĩ mình lại được vay vốn, vì là người ở trọ. Vậy mà mấy chị họp xong, liền nhất trí cho tôi vay 10 triệu đồng để mua xe bán bánh mì, số còn dư tôi để dành trang trải cuộc sống”. Sáng chị bán bánh mì, trưa giúp việc nhà theo giờ, chiều lại tất bật chuẩn bị dọn hàng gỏi cuốn. Từ số vốn vay ban đầu, nhờ chịu khó buôn bán, tích góp để trả hết nợ, chị Phượng còn mua được miếng đất, cất nhà ở Q.12.
Cô Nguyễn Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội PN KP.7 chia sẻ: “Nhiều người nói chúng tôi liều khi cho người lạ vay vốn. Tôi chỉ cười, vì mình biết rõ chị em đến ở trọ đều đăng ký tạm trú, họ hiền lành, chịu khó làm ăn. Trong lúc họ khó khăn, ngặt nghèo, Hội PN phải là nơi tiên phong trợ giúp, mới xứng đáng là chỗ dựa cho chị em”.
KP.7 có 10 tổ hội PN, nhờ khéo vận động, mỗi năm, nguồn tiết kiệm từ PN trong KP lên đến 200 triệu đồng. Trước khi cho vay, cán bộ Hội đều nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình, khả năng hoàn vốn, kết hợp với tổ dân phố để đảm bảo vốn dùng đúng mục đích, có hiệu quả.
Đồng tình với cô Hoa, cô Nguyễn Thị Nguyên, Tổ trưởng PN tổ 82, KP.7, P.13 tâm đắc: “Ngày trước, có nhiều trường hợp các chị vì túng quẫn nên nhắm mắt vay lãi cao để kịp đóng tiền nhà, tiền học cho con. Nắm được thực trạng này, các tổ tiết kiệm PN đã “mở cửa” phát vay thêm đối tượng là PN nhập cư, ở trọ trên địa bàn”. Hiện tổ PN 82 của cô Nguyên đang phát vay cho hai PN ngoại tỉnh làm kinh tế. Từ số tiền vận động tiết kiệm trung bình 40 triệu đồng/năm, tổ hội đã giúp nhiều lượt PN trong và ngoài Hội vay vốn làm ăn, tặng học bổng, hỗ trợ người già, neo đơn tại KP.
Chính cô Hoa là người tiên phong trong việc mời gọi PN nhập cư tham gia vào Hội. Dịp lễ, tết, không phân biệt HV hay PN ngoài Hội, KP đều tặng quà, tổ chức văn nghệ, liên hoan cho cá c gia đình.
Gói trọn những ân tình của Hội PN, những người tha hương như chị Chi, chị Phượng, chị Điệp vẫn luôn nhắc nhở nhau “Mai này khi cuộc sống khấm khá, việc đầu tiên là phải cùng tổ chức Hội giúp đỡ các chị em nghèo khó. Đó cũng là cách để trả ơn Hội, giúp PN xa quê đến gần với Hội hơn.
Việt Phương