Nghĩa tình nên gắn với pháp luật

24/05/2013 - 16:34

PNO - PN - Vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em có gắn bó tốt trong gia đình thì có thêm nhiều động lực, điều kiện để thành đạt ngoài xã hội; có thương yêu, chia sẻ nhau thì mới có thể thông cảm, quý trọng người khác bên ngoài. Có...

Rõ ràng là gia đình ở xã hội ta hiện nay có những thách thức không nhỏ. Thách thức đó có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ, riêng tôi nghĩ nên đặt vấn đề ứng xử gia đình trong các mối quan hệ với pháp luật, nói cách khác là tình phải gắn với lý.

Nghia tinh nen gan voi phap luat

Ở quê tôi từng xảy ra một chuyện, chỉ vì chút tranh chấp nhỏ, cùng với sự thiếu hiểu biết luật pháp đã gây ra hậu quả đáng tiếc. Cách đây gần chục năm, ông B. có quen biết và gá nghĩa vợ chồng với bà X., kém ông hơn chục tuổi. Bà X. khi về sống với ông B. có mang theo chiếc xe máy và một số tiền. Bấy giờ ông B. đang sống bằng nghề làm rẫy với người con trai, hai người con gái đã ở riêng. Qua một thời gian, việc làm rẫy khá vất vả mà thu nhập chẳng bao nhiêu nên lần hồi hai người tiêu hết số tiền của bà X., đồng thời phải bán luôn chiếc xe máy. Ít lâu sau, hai người thường xảy ra lục đục. Vì vậy, ông B. muốn nhượng hơn 1ha đất rẫy (do ông đứng tên) để giải quyết khó khăn. Khi biết ý định này, mấy người con của ông không đồng ý. Cha con tranh cãi và ông B. nói rằng, nếu con ông không đồng ý để ông bán đất thì ông sẽ tự tử. Mọi người tưởng ông chỉ dọa, nào ngờ sau đó ông đã uống thuốc diệt cỏ.

Câu chuyện này nhìn ở góc độ pháp lý có nhiều điều đáng bàn. Theo pháp luật hiện hành, miếng đất là tài sản riêng của người cha nên ông có toàn quyền định đoạt và không cần quan tâm ý kiến hay nguyện vọng của các con. Một yếu tố khác là mối quan hệ giữa ông B. và bà X. Hai người lớn tuổi, người góa vợ kẻ góa chồng thì gá nghĩa cũng là bình thường, nhưng không đăng ký kết hôn nên không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, nếu xảy ra tranh chấp tài sản sẽ khó giải quyết và thường có một người phải chịu thiệt thòi. Khi ông B. qua đời, bà X. coi như không có quyền gì về việc thừa kế tài sản.

Nhiều người khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình vẫn chỉ dùng tình cảm hoặc sự ràng buộc thân tộc, huyết thống mà ít quan tâm đến yếu tố pháp luật. Thực tế trong quan hệ gia đình có rất nhiều vấn đề đã được pháp luật điều chỉnh. Chẳng hạn, việc xác lập tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, con cái, việc bạo hành trong gia đình, con cái ngược đãi cha mẹ... Ngay cả việc quan hệ tình dục của vợ chồng, không ít người vẫn cho rằng đó là “việc riêng” của hai người, nếu một người bị cưỡng ép cũng là điều bình thường, nhưng kỳ thực điều này cũng đã được pháp luật điều chỉnh. Cũng có không ít trường hợp vợ bị chồng bạo hành, cha mẹ bị con cái ngược đãi nhưng nạn nhân mặc nhiên chịu đựng vì không biết rằng pháp luật có quy định bảo vệ mình và hoặc biết nhưng không dùng pháp luật để giải quyết vì ngại “mang tiếng”. Do đó, tình trạng này trong gia đình ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng đến phong hóa, đạo đức xã hội... Nếu có sự can thiệp kịp thời và hiệu quả của pháp luật thì hành vi xấu sẽ sớm được ngăn chặn, nạn nhân được giải cứu và mức độ lan tỏa trong xã hội cũng không quá nghiêm trọng.

Không nên cho rằng việc xử sự theo pháp luật thì sẽ làm sứt mẻ tình cảm. Pháp luật nên xem là “công cụ hỗ trợ”, là “biện pháp sau cùng” khi tình cảm gia đình không thể xử lý thỏa đáng các quan hệ, các tranh chấp... Khi đó, pháp luật là cái khuôn để mọi người tuân thủ. Chẳng hạn, pháp luật đâu có bắt vợ chồng phải rạch ròi về tài sản, nhưng khi có sự cố (ly hôn, vợ hoặc chồng mắc nợ riêng…) mà hai vợ chồng không tự thỏa thuận được thì phải cần đến pháp luật làm trọng tài. Ngược lại, trong quan hệ, ứng xử gia đình, đâu phải việc gì cũng đem pháp luật ra làm chuẩn, bởi cái nghĩa, cái tình còn quan trọng hơn nhiều. Trong trường hợp này, cần có sự chia sẻ, nhường nhịn, thậm chí hy sinh của các bên liên quan. Chẳng hạn, khi cha mẹ qua đời mà không để lại di chúc, mặc nhiên tài sản còn lại sẽ được chia đều cho các con (nếu không có người cùng hàng thừa kế khác), nhưng anh chị em có thể không sử dụng pháp luật để chia cho rạch ròi mà căn cứ vào sự đóng góp của từng thành viên trong quá trình chăm sóc cha mẹ bị bệnh, điều kiện kinh tế cụ thể của từng cá nhân, nghĩa vụ hương hỏa (chăm sóc mộ phần, nhà thờ họ, giỗ chạp…) mà có sự san sẻ hợp lý. Như vậy, cái lý và cái tình có thể bổ sung cho nhau.

 Trúc Giang 

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI