PNO - PN - Tám năm chăm vợ bệnh, anh chưa bao giờ nản lòng. Khi bước vào nhà, khách bắt gặp ngay trong chiếc tủ kính hai tấm ảnh cưới được anh đặt trang trọng.
edf40wrjww2tblPage:Content
Không thể rời xa
Cách đây tám năm, vào buổi chiều chị Nguyễn Thị Xuân hay lên cơn sốt nhẹ, tay chân tê nhức, khắp người xuất hiện những vành đỏ ngứa ngáy, gãi đến đâu da bong tróc đến đó. Chồng chị, anh Lê Hoàng Thảo đưa đi khám, nhói đau khi biết vợ cùng lúc mắc hai căn bệnh khó chữa: vảy nến và lupus ban đỏ. Chị đang có công việc ổn định tại một tiệm uốn tóc, đành phải nghỉ để bắt đầu hành trình chạy chữa. Ròng rã trải qua khắp các bệnh viện, bệnh vẫn không giảm. Ngược lại, chân tay chị ngày càng teo tóp, làn da trở nên mỏng manh, nhạy cảm đến mức gãi mạnh hay va chạm nhẹ cũng lở từng mảng. Hai năm nay, lupus ban đỏ gây biến chứng khiến đôi mắt mù lòa, chị chỉ biết quẩn quanh trong nhà, “làm bạn” với những cơn đau nhức, ngứa ngáy khắp thân.
Căn nhà nhỏ của anh chị nằm lẻ loi, hút sâu giữa cánh đồng rộng thuộc xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM. Con đường dẫn vào nhà là một bờ ruộng dài có chiều ngang chưa đến nửa mét, khó đi lại. Nghe chồng bảo có khách đến thăm, đang nằm, chị bật dậy lo lắng: “Khách có bị té không?”. Biết mọi người vẫn ổn, chị mỉm cười kể rằng, hồi đó, mới kết hôn, mỗi sáng vợ chồng đi làm, đèo nhau trên xe đạp băng qua cánh đồng không đếm hết bao phen… vồ ếch. Lúc trước, “xóm đồng” nhiều nhà lắm nhưng ngại con đường, người ta lần lượt rủ nhau đi nơi khác… Chị nhớ về quãng đời tươi tắn, hạnh phúc, được thỏa sức đón ngọn gió mát lành hay phóng tầm mắt nhìn cánh đồng vào mùa lúa chín vàng ươm… Bây giờ, chị chùng giọng, tất cả đều tăm tối, đất trời một màu đen kịt khi đôi mắt mù lòa, ngọn gió nào giờ cũng trở nên dữ dằn, tàn độc với căn bệnh của chị.
Lắm khi chị buồn tủi, hỏi anh: “Có thấy chán em không?”, rồi sụt sùi rằng trong hoàn cảnh này nếu anh yêu thương ai khác, chị sẽ không trách hờn. Chẳng bao giờ trả lời chị những câu hỏi ấy, khẽ vòng tay ngang lưng chị ôm chặt, anh tìm một câu chuyện vui kể chọc cười là chị hiểu… Chị cho hay, hồi mới phát bệnh, mẹ chị ở Quảng Nam sợ anh cực khổ nên đề nghị đưa chị về chăm sóc. Anh chỉ thuận lòng khi nghe chị thuyết phục: “Về đó an dưỡng, khi nào khỏe em lại vô”. Chị đi rồi, anh thương nhớ nên không lâu sau cùng con trai bắt xe về Quảng Nam. Ngồi trên chuyến xe trở lại thành phố, chị và anh hứa với nhau không rời xa nửa bước, dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lúc đi trên bờ ruộng băng qua cánh đồng dẫn vào nhà, anh còn ghé tai chị nói nhỏ: “Vợ chồng là nghĩa phu thê. Tay ấp má kề sinh tử có nhau”.
Anh Thảo luôn chăm sóc vợ chu đáo
“Làm mắt, làm chân rồi còn muốn… làm tui”
Nhìn bên ngoài căn nhà xập xệ, tưởng chừng một cơn gió mạnh cũng có thể gây tốc mái, nhưng bên trong, mọi vật dụng đều được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Chị khoe: “Một tay ảnh làm hết”. Anh gãi đầu: “Vợ không thấy đường, đi lại khó khăn nên mọi thứ phải đâu vào đấy để không va vấp, té đau”. Anh làm việc tại một công ty điện nước, mỗi tháng nhận mức lương tầm bốn triệu đồng, hơn phân nửa dành thuốc thang cho chị, số còn lại trang trải gạo mắm và học phí cho con. Dẫu vậy, anh chưa bao giờ từ bỏ hy vọng, nghe ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, anh lại chạy vạy vay mượn đưa chị tìm đến, dù lắm phen… bị lừa. Chị cười: “Vậy mà ảnh không chừa, nghe ai khen có người trị bệnh mát tay là rủ tui đi liền”.
Căn nhà nằm sâu giữa cánh đồng, đường đi khó nên hiếm khi có khách, vậy mà… kẻ trộm thì lại rất năng thăm. Anh kể: “Tui đi làm, dù sao ăn uống cũng đảm bảo, nghĩ thương vợ con ở nhà hiếm khi được món ngon nên mấy bận nuôi gà, vịt cải thiện bữa ăn, ngờ đâu, gà vịt lớn một chút, tui tính ráng vài ngày hẵng “thu hoạch” thì sau một đêm ngủ dậy, thấy chuồng trống trơn”. Biết anh buồn bực sau mỗi đận mất trộm, chị an ủi rằng, không đợi đến cao lương mỹ vị, ăn cơm với chén mắm dằm ớt do chính tay anh làm cũng đã thấy rất ngon. Chị hãnh diện: “Không ngon sao được, hễ đi làm về là ảnh lao xuống bếp, vừa nấu ăn vừa giặt giũ, vừa… tranh thủ kể chuyện cho tui nghe. Hôm nào bữa ăn có món cá, ảnh đều tách hết xương để tui không bị hóc”. Công việc thi thoảng phải ở lại làm đêm, song bao giờ anh cũng chu đáo soạn sẵn mâm cơm lên bàn, thuốc thang để đầu giường, kỹ lưỡng dặn chị nhớ ăn uống. Thương anh vất vả, chị thường đòi làm việc, khi nhặt rau, lúc phụ nấu cơm; anh vui vẻ để chị làm dù lắm khi chị vừa quét xong nhà, anh len lén mang chổi ra quét lại.
Nguồn nước sinh hoạt của gia đình được hứng từ nước mưa và nước giếng lắng phèn. Bệnh của chị không tắm được nguồn nước ấy, mỗi ngày anh tranh thủ vào nhà mẹ tít trong xóm chở nước máy về cho chị. Mấy năm nay, được gia đình cắt cho miếng đất nhỏ, là cơ hội chuyển vào xóm sống, nhưng anh chị lại không có khả năng dựng nhà. “Tui chẳng ham nhà cao cửa rộng, chỉ cần xây được mái tranh để tốt cho sức khỏe của vợ. Ở đây, trời gió mát vợ cũng ngứa, nắng nóng vợ càng gãi nhiều. Nhiều khi nhà cửa im ắng, tiếng gãi của vợ như mũi dao đâm vào lòng tui đau nhói” - anh ngậm ngùi. Chị lại cười giòn tan: “Làm mắt, làm chân cho tui ảnh vẫn chưa thấy đủ, còn muốn phải… làm tui để thay tui gánh đau mới hả lòng”. Chị cười mà mắt ngấn nước.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.