Nghĩa đồng bào

12/09/2024 - 06:13

PNO - Những ngày này, nhiều lực lượng, cơ quan cùng người dân cả nước đang hướng về Bắc Bộ. Các đơn vị chức năng góp chuyên môn, nhân dân vừa huy động, vừa đóng góp những vật dụng có sẵn để giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả của bão, lũ.

Người dân xã Võ Liệt tập trung gói bánh chưng, bánh tét gửi bà con vùng lũ - Ảnh: Văn Lĩnh
Người dân xã Võ Liệt tập trung gói bánh chưng, bánh tét gửi bà con vùng lũ - Ảnh: Văn Lĩnh

Cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ra thiệt hại nặng nề. Khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân vẫn đang từng giờ đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở do mưa lớn sau bão. Song, chính trong lúc hiểm nguy, gian khó ấy, người Việt lại thêm một lần nữa tô đậm thêm 3 chữ “nghĩa đồng bào”.

Tại các khách sạn, siêu thị, người dân vùng bị thiên tai được hỗ trợ chỗ tránh trú bão, được ăn uống miễn phí. Trên đường phố, chủ các quán nước không lấy tiền nước của các anh chị công nhân đang dọn dẹp cây cối gãy đổ. Trên các cây cầu, những chiếc xe ô tô lớn, nhỏ đã nối nhau chụm lại, chạy rất chậm để cản gió bão “dìu” những người chạy xe máy vượt qua quãng đường nguy hiểm. Hình ảnh giản dị ấy đã khiến hàng triệu người xem rưng rưng, tự hào về nghĩa tình người Việt. Ở các tỉnh miền núi lúc này, nhiều gia đình bị ngập nặng đã đến ở nhờ những gia đình ít ngập lụt hơn.

Khi cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sập, anh thanh niên Ngô Văn Khanh liền chạy ngay ra phía bờ sông, lấy đò ra cứu người. Trước đó, cha con anh đã tham gia ứng cứu cả buổi chiều, đưa một tàu gặp sự cố vào bờ.

Dường như trong khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau cùng ý chí quật cường của người Việt càng sáng bừng, mạnh mẽ.

Trong Thư gửi đồng bào tản cư và Thư gửi đồng bào hậu phương (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Con cháu Lạc Hồng bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”. Người căn dặn: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Mỗi đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”.

Trước đó, vào tháng 9/1945, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo”: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”. Và tại lễ phát động phong trào cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem phần gạo nhịn ăn của mình đóng góp trước tiên.

2 năm trước, đại dịch COVID-19 hoành hành, gây cảnh tang thương, người Việt đã đùm bọc, sẻ chia cho nhau. Những mùa bão lụt ở miền Trung, những ngày xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét ở miền Bắc, người dân cả nước cùng nhau đóng góp sức của, sức người để giúp đồng bào mình sớm qua cơn hoạn nạn…
Có lẽ, hiếm quốc gia, dân tộc nào có truyền thuyết hình thành dân tộc đậm chất lãng mạn, trao truyền thông điệp yêu thương máu mủ, ruột rà như người Việt.

Truyền thuyết cha Rồng (Lạc Long Quân) đến từ miền biển, mẹ Tiên (Âu Cơ) đến từ miền núi sinh ra trăm trứng, nở trăm người con và 2 chữ “đồng bào” sinh ra từ đó. 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non, “kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau”.

Những ngày này, nhiều lực lượng, cơ quan cùng người dân cả nước đang hướng về Bắc Bộ. Các đơn vị chức năng góp chuyên môn, nhân dân vừa huy động, vừa đóng góp những vật dụng có sẵn để giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả của bão, lũ. Ai cũng có đời sống mưu sinh của riêng mình, nhưng mọi người đã gác lại để làm phần việc quan trọng hơn: hỗ trợ, sát cánh cùng đồng bào mình vượt qua nghịch cảnh. Tình quân dân, nghĩa đồng bào trong huyết quản cũng càng trở nên sâu sắc hơn, đẹp đẽ hơn. Các anh ngã xuống trong thiên tai không chỉ vì nhiệm vụ, mà còn vì nghĩa đồng bào.

Thiên tai được cảnh báo sẽ ngày một nhiều hơn, khốc liệt hơn. Con người luôn nhỏ bé trước thiên nhiên. Nhưng khi biết nương tựa, đùm bọc, biết phát huy nghĩa đồng bào, tình quân dân, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để kiên cường vượt qua mọi gian khó, tai ương.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI