Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam

15/11/2024 - 07:52

PNO - Nghĩa địa cá Ông (còn gọi Ngọc lăng Nam Hải) rộng 2.000m2, ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghĩa địa nằm ngay sát con đường nhựa ven biển rất dễ tìm.

Tuy là nghĩa địa, nhưng đến đây bạn không hề có cảm giác âm u và rợn người, ngược lại cảm thấy rất nhẹ nhàng. Nghĩa địa có 2 khu quan trọng mà hầu hết khách tham quan đều ghé chân.

Mặt trước cổng nghĩa địa cá
Mặt trước cổng nghĩa địa cá Ông
Mặt sau cổng nghĩa địa cá Ông
Mặt sau cổng nghĩa địa cá Ông

Đó là khu vực chôn cất cá Ông nằm dưới hàng phi lao cao vút, ở đây các mộ phần được chia theo khu, mỗi mộ phần đều có bát hương và bia đúc bằng xi măng. Trên mỗi tấm bia, mặt trước khắc dòng chữ “Nam Hải chi mộ” cùng ngày tháng năm “Ông” lụy (chết) còn mặt sau khắc tên người hoặc ghe đã phát hiện ra xác “Ông”.

Khu vực thứ hai là điện thờ hình lục giác. Trong điện, thờ chính là Lệnh Ông Nam Hải Đại Tướng Quân (qua di ảnh và tượng) cùng nhiều cốt cá Ông để trong tủ kính. Ngoài ra, ở nghĩa địa còn có một am nhỏ thờ Phật Bà Quan Âm Nam Hải.

Năm 2011, nghĩa địa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nghĩa địa cá Ông lớn nhất”. Nghĩa địa có hàng trăm ngôi mộ. Đến thời điểm hiện tại, kỷ lục này vẫn chưa có sự thay thế. Bởi hàng năm, số lượng cá Ông về lụy (chết) ở khu vực này tương đối nhiều, có năm lên đến hàng chục “Ông”.

Theo tục lệ của ngư dân, khi phát hiện cá Ông lụy họ sẽ nhanh chóng đưa vào bờ và làm thủ tục an táng, chôn cất như con người. Theo đó, người đầu tiên phát hiện ra “Ông” lụy sẽ được xem là trưởng nam của “Ông” và chịu tang như cha mẹ. Người này sẽ đứng ra thực hiện các nghi thức tang ma cần thiết như: để khăn tang, chôn cất, lập mộ, làm lễ 49 ngày, lễ 100 ngày, lễ giáp năm, lễ xả tang (sau 3 năm) và làm giỗ chung (vào ngày 16/2 âm lịch)…

Và vào các ngày rằm, mùng một hoặc khi rảnh họ sẽ đến mộ phần “Ông” để quét dọn, thắp nhang, cúng trái cây điều này nhằm thể hiện sự tôn kính với “Ông” cũng như cầu xin “Ông” phù hộ cho mình và những ngư dân khác chuyến đi biển bình an, thu hoạch được nhiều cá tôm, có cuộc sống ấm no và sung túc.

Cá Ông sau 3 năm chôn cất, để nhường đất cho những cá Ông mới lụy người ta sẽ tiến hành bốc cốt “Ông”. Phần cốt “Ông” sau khi bốc lên sẽ được đưa về Dinh Ông Nam Hải, nằm cách nghĩa địa khoảng 500m thờ cúng.

Trong tâm thức của người dân miền biển, cá voi được xem là hiện thân của sự linh thiêng, sự bảo hộ bình an và ban phát sự may mắn… khi họ ra khơi. Do đó, ngư dân gọi tôn kính là “Ông” và rất coi trọng việc thờ cúng, tổ chức tế lễ “Ông” định kỳ vào mỗi năm. Theo đó, hàng năm, từ ngày 15/2 - 17/2 âm lịch, người dân ở làng chài Phước Hải đều long trọng tổ chức lễ hội nghinh Ông với rất nhiều hoạt động thú vị, thu hút nhiều du khách đến tham dự.

Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI