Nghỉ việc dài hạn để chăm con ốm liên miên trong bệnh viện: Tôi nhận ra rằng, làm mẹ là luôn hạnh phúc với hiện tại!

18/12/2018 - 11:37

PNO - "Các em bé lớn lên và mỗi ngày đều mang tới một điều kỳ diệu mới, nói một câu “thần kỳ” mới… nên chúng ta đều háo hức và sống với hiện tại để tận hưởng chuyện đó", chị Thu Hằng chia sẻ.

Chị Chu Thu Hằng hiện đang là Copywriter của The Purpose Group, cùng với nghề tay trái là biên kịch. Giống như tôi, nếu đứng từ ngoài nhìn vào, có thể bạn sẽ thấy chị là một người yêu công việc đến “kiệt sức”, thế nhưng, khi bước chân vào hành trình làm mẹ, người phụ nữ của công việc ấy đã tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống cùng với con gái của mình. Câu chuyện làm mẹ mà chị kể như là một lời khẳng định mạnh mẽ và chắc chắn rằng “những người mẹ bận rộn nhất, vẫn luôn có đủ thời gian để yêu con, bằng trọn vẹn tình yêu của trái tim mình”.

Nghi viec dai han de cham con om lien mien trong benh vien: Toi nhan ra rang, lam me la luon hanh phuc voi hien tai!

"Con mình giờ giống như một phiên bản nhỏ của mình nhưng… khó tính hơn nhiều", chị Chu Thu Hằng chia sẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lớn lên cùng một em bé, chúng ta sẽ không nghĩ nhiều về quá khứ nữa

Đối với bạn, con là “của để dành”, là “hy vọng” hay một “món quà”?

Với mình, con là “sự kiện thay đổi cuộc đời” - sự kiện này kéo dài từ lúc mình có bầu cho tới mãi mãi về sau. Em bé này cũng là nguồn năng lượng của mình. Khi có em bé mình đang ở giai đoạn sức khỏe không tốt và đang đứng giữa ngã ba đường là hoặc đi định cư ở một nước khác hoặc ở lại Việt Nam làm lại cuộc đời, sự nghiệp từ đầu. 

Từ “drama queen” chính hiệu, mình trở thành một người tích cực, vui vẻ, hài hước. Từ một cô gái suốt ngày chỉ ăn chơi nhảy múa, 11 giờ đêm mới ra khỏi nhà, cuối tuần nào cũng bay nhảy, một năm đi du lịch 9 lần, mình trở thành một bà mẹ về nhà trễ nhất là 7 giờ tối và hiếm khi ra ngoài mà không có con buổi tối muộn. Từ một người quản lý chỉ có kế hoạch cho công việc, giờ mình thành một người có kế hoạch chi tiết cho từng giờ trong một ngày để có thời gian chất lượng ở bên cạnh con. Từ người có thể ôm máy tính làm việc thâu đêm suốt sáng, mình trở thành một bà mẹ không mở máy tính khi ở nhà. Từ một người nhận lương xong vứt tiền trong ngăn kéo rút ra là tiêu không cần đếm, giờ mình ghi chi tiết từng khoản chi tiêu, thậm chí sắp in sách về chuyện quản lý chi tiêu cho các mẹ. Từ một người rất “vô lý” trong nhiều chuyện, mình trở thành một người rất có lý, hiểu chuyện.   

Dần dần, sự kiện thay đổi cuộc đời này mang tới nhiều bất ngờ nữa. Con mình giờ giống như một phiên bản nhỏ của mình nhưng… khó tính hơn nhiều. Nhiều lúc mình cảm thấy bé như chị gái của mình. Ở nhà mình hay nói đùa bạn bé này là “bà ngoại thứ 2” của mình. 

Khoảnh khắc khó khăn nhất mà bạn từng đối diện trong hành trình làm mẹ?

Con mình mới 5 tuổi rưỡi nên thực sự mình nghĩ khoảnh khắc khó khăn nhất có lẽ còn ở phía trước, lúc cô gái này vào tuổi dậy thì hoặc khi bạn lớn và có những quyết định, nói ví dụ, không thuận với ba mẹ. Còn khi nhìn lại, thì những khoảnh khắc con mình ốm có lẽ là khó khăn nhất. Hôm qua mình ngồi soạn lại giấy tờ cũ, thấy thật …kinh hoàng khi những năm 1 tuổi rưỡi 2 tuổi, con mình có thời gian 2 tuần vào viện một lần. Hóa đơn, đơn thuốc còn lại cả xấp. Có thời gian mình nghỉ việc dài hạn để chăm con trong bệnh viện. 

Nhưng nuôi một em bé là việc khiến cho chúng ta ít nghĩ đến quá khứ nhất có thể, mình nghĩ vậy. Vì các em bé lớn lên, phát triển, thay đổi và mỗi ngày đều xuất hiện một điều kỳ diệu mới, nói một câu “thần kỳ” mới… nên chúng ta đều háo hức và sống với hiện tại để tận hưởng chuyện đó, thật khó để quay đầu nhớ lại chuyện quá khứ. Cho nên thật ra, mình thậm chí đã không nhớ là vượt qua thời kỳ con ốm liên tục như thế nào nữa. Và giống như con mình nói, chuyện gì đã vượt qua được rồi thì không đáng bận tâm nữa. 

Nghi viec dai han de cham con om lien mien trong benh vien: Toi nhan ra rang, lam me la luon hanh phuc voi hien tai!

Để dạy con, chị Chu Thu Hằng đã tự dạy chính mình trước tiên, thay đổi bản thân mình thành một phiên bản tốt hơn theo chị là cách đơn giản nhất để chúng ta dạy con lớn lên và trưởng thành. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tự dạy mình để dạy con

Bạn nhìn thấy con lớn lên và ảnh hưởng như thế nào từ cách bạn yêu thương và giáo dục con?

Chà, đây đúng là một câu mà mình đang rất chờ đợi để được hỏi (cười). Thậm chí mình đã ước là có ai đó nói cho mình biết là con cái ảnh hưởng – đến mức sao chép y hệt những hình mẫu nó gặp hàng ngày như vậy. Mình hầu như không dạy con “theo nghĩa đen”, tức là ngồi vào bàn đàng hoàng hoặc lên kế hoạch mẹ sẽ dạy cái này, cái kia, kể cả dạy chữ, vẽ, tập thể dục. Nhưng bù lại, mình tự dạy mình. 

Từ lúc con mình khoảng 1 tuổi rưỡi 2 tuổi, mình thấy bạn bắt chước lại hết cách hành xử của những người xung quanh. Mình cũng nhìn thấy cái mà mình không muốn con mình có. Thế thì phải làm như thế nào, không thể nói với một đứa trẻ là con phải làm thế này thế kia, còn những người lớn xung quanh nó thì vẫn được làm thế vì đó là người lớn. Cách đơn giản nhất là thay đổi chính mình thôi. 

Các bạn mình thường hỏi làm thế nào để dạy con thích đọc sách, dậy sớm, tự gấp quần áo, tự pha sữa, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình… như người lớn. Muốn làm thế thì mình phải tự dạy mình trước. Sách mình để khắp nơi trong nhà, và mình thường dậy sớm để ngồi đọc sách ngoài ban công. Đến một ngày nào đó, mình tỉnh dậy và thấy con mình, không biết chữ, dậy trước mình và lấy một chồng sách ra, ngồi đúng cái ghế của mình đọc say sưa. Mình ốm, bạn đối xử với mình y hệt cái cách mình đối xử với bạn: sờ tay sờ chân sờ trán, tắt đèn, lấy nước, cặp nhiệt độ, hỏi mình cần cái gì không, giọng rất dịu dàng…

Trẻ con sẽ làm theo toàn bộ những điều chúng nhìn thấy ở người xung quanh. Nên từ một người bừa bãi, nhiều đồ đạc, mình tự sống tiết chế lại, gọn gàng lại. Mình học cách quản lý thời gian, phân chia kế hoạch rõ ràng và chia sẻ cách mình làm mọi việc với con. Dần dần bạn trở thành một phiên bản của cái con người mới của mình, nhưng tốt hơn. Trong nhà mình đóng vai “ác”, vai hay nhắc nhở, nghiêm khắc. Ba và bà ngoại đóng vai “hiền”, lúc nào cũng mềm dịu và cưng chiều. Nhưng thật ngạc nhiên là bạn bị ảnh hưởng bởi mình và cân bằng được cả những tính cách đó. 

Có những chuyện như mình cho bạn đi ăn Mc Donald và mua phần ăn được tặng kèm đồ chơi. Bạn thấy món đồ chơi bạn thích đã bị bán hết rồi thì dù ba mẹ khuyến khích bạn mua phần ăn có món đồ chơi bạn không thích lắm, bạn cũng không nhận, vì bạn bảo làm như thế, con mang món đồ chơi con không thích về con không vui mà lại thải một cục nhựa ra môi trường. Hoặc bạn tự thay cái túi nilon đựng đồ dơ mang từ trường về bằng một cái túi lưới dùng xong có thể giặt sạch dùng lại được vì bạn bảo bạn không muốn mỗi ngày thải ra một cái túi nilon. Bạn cũng rất chủ động hỏi mẹ là mẹ cần con giúp gì nữa không mỗi khi mẹ vào bếp hoặc dọn dẹp. 

Một điều mà mình rất tâm đắc khi đã làm được cùng con, đó là thể hiện lòng biết ơn với cuộc sống hàng ngày. Mỗi tối trước khi đi ngủ, mình với bạn luôn kể với nhau ít nhất 3 niềm vui trong ngày và 1 chuyện bực mình. Bạn luôn có nhiều niềm vui, kể cả những thứ nhỏ nhặt như được đi học giờ tiếng Anh rất vui, được nói chuyện với mẹ, ăn cơm hôm nay rất ngon, trên xe taxi được nghe thấy bài hát con thích… và bạn hóa giải những chuyện bực mình trong ngày rất nhanh vì “chuyện đó qua rồi con không nhớ nữa”. Đó là những khoảnh khắc mình phải học lại từ con.

Mình nhớ có buổi sáng vừa ra khỏi nhà mình đã bực mình chuyện này chuyện kia và bạn giở ngay chiêu “sáng nay mẹ có niềm vui nào chưa?” khiến mình hóa giải được ngay tâm trạng bực bội, nhắc mình nhớ ngay là cuộc sống còn nhiều niềm vui lắm. Bạn nghĩ xem như vậy thì là con mình dạy mình nhiều hơn mình dạy con đấy chứ.

Nghi viec dai han de cham con om lien mien trong benh vien: Toi nhan ra rang, lam me la luon hanh phuc voi hien tai!

Những bài học nhỏ học được từ con cũng giúp cha mẹ chúng ta trưởng thành và sống tốt đẹp hơn lên mỗi ngày. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cha mẹ nào cũng làm cha mẹ và nuôi dạy con với một mục tiêu và kì vọng riêng. Mục tiêu và kì vọng của bạn là gì?

Kỳ vọng của mình với con thật đơn giản. 

Mình đã từng mong con mình như này như kia, học giỏi chăm ngoan đi du học v.v… nhưng sau đó khi con mình ốm, mình thấy thật ra những thứ mình muốn ở con nhiều nhất chỉ là con mình khỏe mạnh và luôn vui vẻ, hạnh phúc. Sau đó thì con mình lớn lên và với tính cách của con mình bây giờ, mình nghĩ là thậm chí không cần kỳ vọng gì cả, bạn ấy sẽ làm ba mẹ, ngạc nhiên vì những bất ngờ phía trước.

Điều khiến bạn hạnh phúc và tự hào nhất khi quyết định làm mẹ, cho đến bây giờ là gì?

Điều mình tự hào và hạnh phúc nhất khi quyết định làm mẹ chính là đã làm mẹ. Chính là mình đã cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì được làm mẹ của em bé này.

Đúng là hành trình làm mẹ đầy bất ngờ và những khúc ngoặt theo hướng tích cực và liên tục làm mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lúc mình sinh con, có những bạn bè mình bảo là sợ mình chăm sóc bản thân còn không nổi nói chi chăm sóc con. Rồi thế đấy, với sự hỗ trợ đắc lực của gia đình, mình trở thành một bà mẹ hai tay ba súng, tất bật bận rộn nhưng vẫn có nhiều thời gian “chất lượng” dành cho con mình.

Khi làm mẹ, người phụ nữ có rất nhiều quyết định mà nếu chúng ta nhìn vào với con mắt của những kẻ đứng ngoài cuộc thì sẽ dễ dàng phán xét hay kết luận họ làm vậy là “vì con” hay “không vì con”. Làm mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, cho dù bạn có nhận được mọi sự ủng hộ hay có một hành trình nuôi con thuận buồm xuôi gió - đó là một chặng đường mà những người mẹ hiếm có giây phút nào thực sự thảnh thơi, ngơi những âu lo hay những trăn trở vì con.

Loạt bài viết “Mỗi người mẹ, một câu chuyện” mà Phụ Nữ Online gửi đến quý bạn đọc, là một góc nhỏ những nỗi niềm đó của những người mẹ, họ kể câu chuyện về cuộc hành trình làm mẹ, không phải để được thấu hiểu và thông cảm nhiều hơn mà đơn giản là để chia sẻ về một công việc đáng tự hào mà họ đang làm bằng tất cả trái tim và trí tuệ của mình – công việc “Làm mẹ”.

An Nhi (Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI