Nghĩ về sự minh bạch từ những email “một đi không trở lại”

23/07/2020 - 16:34

PNO - Những câu chuyện thực tế vẫn cho thấy, dù đã có luật định nhưng yêu cầu được tiếp cận thông tin của người dân vẫn bị bỏ qua. Tại sao cơ quan nhà nước lại không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, và nếu cơ quan nhà nước không phản hồi thì liệu có quy định nào xử lý hành vi này?

Trong gần hai tháng qua, tôi đã bốn lần gửi email lên bốn cơ quan nhà nước khác nhau, với tư cách là phóng viên lẫn một công dân, để đề nghị được cung cấp thông tin. Không có email nào thông báo địa chỉ bên nhận chưa chính xác, nghĩa là thư của tôi đã đến được với cơ quan hữu trách. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.

Khi đọc báo cáo mới đây về chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (POBI) 2019, có một chi tiết khiến tôi đồng cảm vô cùng. Ở mục “sự tham gia của người dân”, báo cáo ghi rõ: chỉ 8 trong số 63 tỉnh thành có phản hồi lại email liên hệ của nhóm nghiên cứu (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR). Điều này cũng có nghĩa, gần 90% tỉnh thành đã không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người dân về ngân sách địa phương mình. 

Với mức độ phản hồi thấp như vậy, không khó hiểu khi báo cáo POBI 2019 kết luận rằng “nhìn chung, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách”.

Sau ba năm thực hiện báo cáo này, mặc dù mức độ công khai ngân sách của các địa phương có cải thiện, nhưng ở chỉ số thể hiện sự tham gia của người dân thì kết quả thu được vẫn thấp ở mức đáng báo động (trung bình chỉ là 38,01 trên 100 điểm cho năm 2019). 

Với việc thông qua các bộ luật như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ngân sách, Quốc hội đã có những bước tiến dài về mặt lập pháp để tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào quá trình quản lý nhà nước.

Trên lý thuyết, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải công khai một số tài liệu quan trọng, chẳng hạn dự thảo ngân sách tỉnh đã được hội đồng nhân dân thông qua, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh hằng năm. Đồng thời, người dân có quyền yêu cầu cung cấp các tài liệu của cơ quan nhà nước (chỉ trừ các trường hợp liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia).

Từ đó, người dân có thể tiếp cận được các tài liệu để có cơ sở đóng góp vào công tác giám sát, thúc đẩy tính trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.

nếu cơ quan nhà nước không phản hồi thì liệu có quy định nào xử lý hành vi này?  (Ảnh minh họa)
Nếu cơ quan nhà nước không phản hồi thì liệu có quy định nào xử lý hành vi này? (Ảnh minh họa)

Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 là một ví dụ về tính hiệu quả khi Chính phủ chủ động cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho người dân.

Những thông tin về số ca dương tính, về tình hình điều trị, về đời sống người dân ở khu cách ly được truyền tải hết sức nhanh chóng đến cộng đồng đã tạo dựng niềm tin rất lớn và huy động được sự tham gia của người dân trong công cuộc phòng, chống dịch.

Thành công này nên được nhân rộng trong những lĩnh vực khác với cùng một triết lý quản trị quốc gia: minh bạch, sẵn sàng và kịp thời trước mỗi nhu cầu thông tin từ phía người dân.

Những câu chuyện thực tế vẫn cho thấy, dù đã có luật định nhưng yêu cầu được tiếp cận thông tin của người dân vẫn bị bỏ qua. Có hai câu hỏi quan trọng cần đặt ra: tại sao cơ quan nhà nước lại không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, và nếu cơ quan nhà nước không phản hồi thì liệu có quy định nào xử lý hành vi này? 

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã trả lời những câu hỏi này trong một hội thảo năm 2019 về thực thi Luật Tiếp cận thông tin do Oxfam tổ chức. Theo đó, khung pháp lý hiện tại còn chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí xác nhận đâu là “thông tin gây nguy hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quốc phòng, an ninh quốc gia”, đồng thời cũng chưa có chế tài đối với cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin. 

Đúng như cơ quan này chia sẻ, Nghị định 13/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp cận thông tin không hề đề cập đến các biện pháp chế tài nếu các cơ quan nhà nước không hoàn thành trách nhiệm. 

Những nỗ lực của các cơ quan lập pháp, hành pháp trong việc công khai, chủ động cung cấp thông tin đến người dân là không thể phủ nhận. Sự cải thiện không ngừng trong những năm gần đây ở cả ba bộ chỉ số về công khai ngân sách, từ cấp độ quốc gia (OBI), cấp bộ và cơ quan trung ương (MOBI) cho đến cấp tỉnh (POBI) là một minh chứng. Thế nhưng, cũng giống như POBI, điểm ít được cải thiện nhất ở hai bộ chỉ số còn lại nằm ở sự tham gia của người dân. 

Có nhiều lý do khiến người dân đứng ngoài việc giám sát thu chi ngân sách, trong đó có lý do không có đủ thông tin. Có thể thấy, chìa khóa để mở cánh cửa cho người dân tham gia chính là sự chủ động chia sẻ từ phía Chính phủ. Trong đó, sự chia sẻ thông tin phải đảm bảo được tính hai chiều, tính cởi mở trên nền tảng không ngừng tạo dựng sự tin tưởng từ hai phía, bằng cách mở rộng cửa cho sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau.

Nói cách khác, sự im lặng của cơ quan nhà nước trước một email đề nghị cung cấp thông tin của công dân cần phải gắn với trách nhiệm giải trình. Đó cũng sẽ là một thách thức cho Chính phủ trong việc tạo dựng lòng tin cũng như huy động nguồn lực của đông đảo người dân vào quá trình phát triển đất nước.

Những email không có hồi âm trong báo cáo POBI 2019 là chỉ dấu cho thấy những hạn chế sau hai năm triển khai Luật Tiếp cận thông tin. Thiếu vắng một chế tài rõ ràng, cụ thể sẽ rất khó tạo ra được những áp lực và động cơ cần thiết để thúc đẩy cơ quan nhà nước tích cực thực thi trách nhiệm được quy định trong luật này.

Chừng nào người dân còn chưa được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin thì sự công khai, minh bạch vẫn còn xa vời.

Chừng nào những người hiểu luật và có trách nhiệm thi hành pháp luật vẫn còn chưa xem trọng điều này thì niềm tin vào sự liêm chính của cán bộ, công chức vẫn còn mong manh. 

Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI