Nghĩ về báo chí nhân văn

21/06/2024 - 06:14

PNO - Báo chí nhân văn được hiểu là tính nhân văn trong báo chí, nhằm khẳng định tính vì con người, cho con người, đặt con người lên trên hoạt động thông tin, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù người đó là ai.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc báo chí không chỉ đưa tin khách quan và trung thực, mà còn cân nhắc đến hiệu quả và tác động của thông tin tới công chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiểu và thực hành về báo chí nhân văn vẫn còn khác nhau trong xã hội, và cả chính người làm báo.

Một số người làm báo khi thực hiện quyền thông tin của mình tin rằng điều mình đang làm không vi phạm pháp luật hay đạo đức nghề nghiệp thì không việc gì phải băn khoăn. Hoặc họ hiểu và thực hành về đạo đức nghề nghiệp theo những cách khác nhau, tùy điều kiện cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng người làm báo không phải là người thực thi công vụ nên có quyền làm những điều pháp luật không cấm chứ không nhất thiết phải làm những điều pháp luật cho phép.

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - trao học bổng cho các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cần Giờ năm học 2023-2024 - ẢNH: THU LÊ
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - trao học bổng cho các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cần Giờ năm học 2023-2024 - Ảnh: Thu Lê

Chẳng hạn, khi một nhân vật nhiều người biết đến bị khởi tố, bị bắt, nhiều phóng viên “canh” để chụp cảnh bị can bị dẫn giải, cảnh khám xét…, trong đó có thể có mặt của nhiều người khác tại hiện trường (như người thân của bị can, các cán bộ thi hành nhiệm vụ…) hoặc hình ảnh mang tính chất riêng tư của gia đình bị cáo. Hay với một vụ việc, một vụ tai nạn, phóng viên đến gặp gỡ, tìm hiểu và chụp nhiều ảnh người thân của nạn nhân, cảnh hiện trường, cảnh đám tang…, có thể có cả trẻ em. Trong những trường hợp này, những người có mặt trong khuôn hình gần như không có nhu cầu được thông tin, được đưa hình ảnh, thậm chí sự xuất hiện của phóng viên gây phiền lụy cho họ.

Thậm chí, có khi, báo điện tử còn đăng loạt ảnh về nhân vật, về vụ việc, tô đậm những điều mà người trong cuộc hoàn toàn không muốn. Và rồi những tấm ảnh đó lan truyền trên không gian mạng, được nhiều người khai thác, lưu trữ và vượt tầm kiểm soát của nhân vật, phóng viên hay của cơ quan báo chí, trong đó có nhiều trường hợp bị méo mó, sai lệch so với ban đầu.

Hoặc có những vụ việc được nhắc lại nhiều lần với dụng ý không thực sự tốt đẹp, đại loại “diễn viên A. sau 10 năm lỡ lầm”, “ca sĩ B. sau đổ vỡ hôn nhân”…

Hình thức là đề cao sự vươn lên, phục thiện của các nhân vật nhưng ẩn bên trong là ý đồ câu view, khi cố tình nhắc lại những chuyện không hay trước đó của nhân vật để thỏa mãn trí tò mò của một bộ phận công chúng. Đã từng có trường hợp người con phải tự hủy hoại mình vì báo chí đưa nhiều, đậm về hành vi sai trái của người cha, dù trong thời kỳ chưa có internet, mạng xã hội.

Những câu chuyện tương tự như vậy rõ ràng là không nhân văn!

Báo chí nhân văn phải tôn trọng đầy đủ các quyền của cá nhân, như quyền bảo mật thông tin, quyền hình ảnh, các phát ngôn có tính chất nhạy cảm được phát biểu ở một phạm vi hẹp, các vấn đề có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh, sự an toàn… của nhân vật. Báo chí nhân văn không gây ra sự mất mát, thiệt thòi, bất tiện, phiền toái nào cho nhân vật và các cá nhân có liên quan.

Ví dụ, trong bài ca ngợi một doanh nhân nhưng cách thể hiện có thể làm một số người đọc “không ưa” nhân vật vì lý do cạnh tranh làm ăn, vì vô tình quảng bá làm ảnh hưởng người kinh doanh khác… Hoặc từ một phát biểu ở một tọa đàm, báo chí trích dẫn không đầy đủ dẫn đến người nói bị công kích vì cho rằng đã thể hiện quan điểm sai lệch, đi ngược với số đông…

Đồng thời, báo chí phải thực sự quan tâm những câu chuyện, những nhân vật có tính chất truyền cảm hứng, để thúc đẩy hành động tích cực của nhiều người, chứ không phải gây ra sự hiếu kỳ hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu của một số người nào đó. Các tác phẩm báo chí còn phải góp phần “nâng” người đọc lên, cả ở các khía cạnh thông tin, kiến thức, nhận thức, cảm xúc, hành động, chứ không phải làm người đọc hồ nghi, hoang mang, chán nản, giảm động lực, mất niềm tin vào những điều tốt đẹp…

Điều đáng mừng là trong thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí đã quan tâm đến yếu tố nhân văn này trong từng tác phẩm, từng sản phẩm truyền thông, từng chương trình hoạt động…

Chẳng hạn, một số báo (Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM…) đã tổ chức những cuộc thi đề cao lòng nhân ái, khơi gợi trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, ca ngợi những gương người tốt việc tốt…; hay một số báo khác (Báo Phụ nữ TPHCM, Tuổi Trẻ…) quan tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn truyền động lực để các bạn không ngừng vươn lên…

Đặc biệt, Báo Phụ nữ TPHCM là tờ báo hiếm hoi ở nước ta từ 4 năm qua không đưa ảnh của các nhân vật bị bắt, bị khởi tố, mà xử lý thành các tranh vẽ. Dù việc này, báo chí ở một số nước đã thực hiện từ lâu, nhưng ở nước ta, cách ứng xử này cũng rất đáng trân trọng.

Trong một xã hội đang ngày càng đề cao tính nhân văn, báo chí nên là lực lượng đi đầu và có nhiều cách thức lan tỏa, vận động, thúc đẩy các lực lượng khác tham gia để cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí
- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI