Cuối tháng Mười, Hội đồng Giáo sư ngành y đã công bố kết quả thẩm định lại 33 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố cáo khai gian. Trong đó, bốn ứng viên có bài báo đã được “accepted” trên tạp chí Genetics and Molecular Research (GMR) trước ngày 30/6 (nhưng vẫn chưa được xuất bản). Hội đồng cho rằng nếu trước phiên họp của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các bài báo được xuất bản thì vẫn được chấp nhận.
Thế nhưng, một số nhà khoa học tiếp tục đặt nghi vấn về thông tin hội nghị quốc tế và số đặc biệt được đăng tải trên website của tạp chí này.
Nghi ngờ chất lượng tạp chí khoa học quốc tế
Trong các đơn, thư phản ánh gửi Hội đồng Giáo sư (GS) ngành y, một số nhà khoa học yêu cầu làm rõ có hay không việc Hội Di truyền Y học Việt Nam đã tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về gen y học lần thứ nhất (phiên đặc biệt) ở Việt Nam vào ngày 18/10/2020 tại Trường đại học Y Hà Nội và xuất bản số đặc biệt trên tạp chí Genetics and Molecular Research (GMR).
Đồng thời, thư phản ánh cũng yêu cầu làm rõ vai trò của ban biên tập đặc biệt gồm bác sĩ Lê Thị Q., bác sĩ Lê Thị Minh Ph. và GS Nguyễn Thị Tr.
|
Văn bản phủ nhận thông tin đã tổ chức hội nghị quốc tế và xuất bản số đặc biệt của Hội Di truyền Y học Việt Nam |
Trước vấn đề này, ngày 16/11, GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành y năm 2020 đã có công văn gửi Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội và Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam đề nghị cung cấp thêm các thông tin xác thực để Hội đồng GS ngành y 2020 báo cáo Hội đồng GS nhà nước.
Ngoài ra, Hội đồng GS ngành y cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, Hội Di truyền Y học Việt Nam cung cấp thông tin xác thực về vai trò của bà Nguyễn Thị Tr. và hai bác sĩ trên có đủ tư cách pháp nhân và được Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam phân công tổ chức hội thảo và xuất bản các bài báo trên ở tạp chí GMR không?
Điều tra của chúng tôi cho thấy, cho đến nay hội nghị trên vẫn chưa diễn ra. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Tr. cũng chưa phải GS mà chỉ là phó giáo sư (PGS). Hai bác sĩ còn lại tuy là thành viên trong Hội Di truyền Y học Việt Nam nhưng không được phân công tổ chức hội nghị, cũng như xuất bản các bài báo trên tạp chí GMR.
Lần tìm nhiều nơi, chúng tôi biết được PGS - tiến sĩ Trần Đức Phấn, Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam, đã có văn bản số 05/HĐTYHVN phúc đáp công văn của Hội đồng GS ngành y ngày 16/11 về việc PGS Nguyễn Thị Tr., Phó tổng thư ký Hội Di truyền Y học Việt Nam, có tham gia phản biện các bài báo trên tạp chí GMR được đăng tải trên website có những nội dung cần xem xét.
Văn bản khẳng định: thông tin hội nghị quốc tế lần đầu về gen y học (phiên đặc biệt) tổ chức ngày 18/10/2020 tại Việt Nam do Hội Di truyền Y học Việt Nam tổ chức được đăng tải trên website của tạp chí GMR là không chính xác. Hội Di truyền Y học Việt Nam dự kiến tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc năm 2020 vào tuần thứ ba tháng 11/2020 nhưng do tình hình dịch bệnh nên dự kiến lùi sang tháng 12/2020.
Còn hai bà Lê Thị Q., Lê Thị Minh Ph. hiện là bác sĩ nội trú y sinh học di truyền khóa 44 và 43 của Trường đại học Y Hà Nội; đồng thời cũng là hội viên Hội Di truyền Y học Việt Nam. PGS Nguyễn Thị Tr. và hai bác sĩ trên không được Hội Di truyền Y học Việt Nam phân công việc tổ chức hội thảo và xuất bản các bài báo được đăng tải trên website GMR. Thông tin về việc Hội Di truyền Y học Việt Nam đã tổ chức hội nghị ngày 18/10/2020 tại Trường đại học Y Hà Nội và xuất bản số đặc biệt trên tạp chí GMR là không đúng sự thật.
Cũng với nội dung trên, Hội Di truyền Y học Việt Nam đã tổ chức họp vào ngày 12/11 và thông báo về sự việc trên website. PGS Nguyễn Thị Tr. cũng đã có đơn tường trình về vụ việc. Cuộc họp kết luận PGS Nguyễn Thị Tr. phải chịu trách nhiệm việc phản biện các bài báo đăng tải trên tạp chí GMR cũng như các thông tin được đăng tải chưa chính xác liên quan đến Hội Di truyền Y học Việt Nam trên website tạp chí này, yêu cầu sớm có biện pháp khắc phục.
Phản biện kèm “gợi ý”?
Không chỉ bất thường trong việc đăng thông tin không chính xác về hội nghị khoa học, đăng sai chức danh người phản biện… mà tạp chí GMR còn “lặng lẽ” gỡ bỏ những nội dung sai lệch, thay vì phải đính chính theo luật định. Đó là chưa kể, việc bảo mật thông tin giữa nhà phản biện và tác giả bài báo khoa học tại tạp chí GMR còn có dấu hiệu bất thường.
Trong đơn giải trình, PGS Nguyễn Thị Tr. thừa nhận, sau mỗi bài phản biện, bà thường viết thêm một đoạn: “Nghiên cứu này có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Khoảng giữa tháng 10/2020, Hội Di truyền Y học Việt Nam (ditruyenyhoc.org.vn) sẽ tổ chức hội nghị Di truyền y học quốc tế lần I. (Tôi trong ban tổ chức được nhận nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hội nghị, xây dựng chương trình và tài trợ, nhận các bài báo, phản biện các bài báo trên số chuyên đề tạp chí Y học Việt Nam, liên lạc với tạp chí Y học Việt Nam phụ trách xuất bản số chuyên đề). Tôi đề nghị các tác giả có thể lựa chọn bài báo này để trình bày tại hội nghị di truyền y học, tổ chức tại Hà Nội. Các báo cáo như vậy sẽ là cơ sở đánh giá ngoài cho bất kỳ bài báo uy tín nào”.
Những dòng “tái bút” trên của PGS Nguyễn Thị Tr. không chỉ vi phạm quy tắc bảo mật độc lập trong khoa học, trong việc đánh giá bài báo mà còn dễ tạo ra sự hiểu lầm rằng đó là gợi ý? Việc bảo mật thông tin giữa tác giả và người phản biện là nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan trong khoa học. Lời “tự giới thiệu” của người phản biện chẳng khác nào để lại “tín hiệu” cho tác giả bài báo, khiến dư luận nghi ngờ, dị nghị. Điều làm dư luận khó hiểu hơn chính là ban biên tập tạp chí khoa học GMR cũng không cấm việc này?
Được biết, từ tháng 1/2020, tạp chí GMR đã gửi tám bài báo cho PGS Nguyễn Thị Tr. phản biện. Đa phần là của tác giả người Việt Nam.
Theo một nguồn tin, hiện đã có nhiều ứng viên GS năm 2020 xin rút và đã được chấp thuận. Nguyên nhân xin rút là chưa đủ những yêu cầu theo quy định trong đợt phong tặng này. Dư luận râm ran rằng, không ít ứng viên có liên quan những bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nước ngoài không uy tín. Theo nguồn tin này, có hai ứng viên “thoái lui” liên quan bài báo đăng trên tạp chí GMR và bài của họ cũng do PGS Tr. phản biện.
Bên cạnh những nghiên cứu và bài báo chất lượng đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thì cũng có không ít bài báo trên các tạp chí được cho là không có giá trị, tất nhiên kèm theo đó là điều kiện dễ dãi hơn. Bởi, việc có càng nhiều chứng chỉ tham gia hội nghị, bài báo đăng tạp chí… sẽ giúp cho danh tiếng của nhà khoa học có vẻ tăng lên. Đó là chưa kể, đối với những ứng viên tham gia xét duyệt chức danh GS, PGS thì đây còn là một trong những tiêu chí “lấy điểm”. Vì thế không tránh khỏi những cuộc “chạy đua” và thậm chí là chạy bằng… đường tắt.
Thanh Thanh - Nguyễn Phụng