Nghi vấn đạo nhạc: Người nghe nhạy cảm hay do kỹ thuật, công nghệ sản xuất?

08/06/2023 - 06:16

PNO - Liên tục vài tháng gần đây, nhiều ca khúc mới ra mắt bị khán giả nghi ngờ “đạo nhạc”. Một số trường hợp, tác giả cho rằng do sử dụng vòng hòa thanh phổ thông nên tạo ra những giai điệu nghe có cảm giác giống nhau. Một số tác giả khác thì chọn cách im lặng.

Người im lặng, kẻ phản bác 

Mưa tháng Sáu (sáng tác: Hứa Kim Tuyền, trình bày: Văn Mai Hương) và Cô ấy của anh ấy (sáng tác: Kai Đinh, trình bày: Bảo Anh) hiện đang giữ vị trí hàng đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc. 2 ca khúc đều bị dư luận đặt nghi vấn “đạo nhạc” vì giống một số ca khúc khác.

Hình ảnh trong MV Cô ấy của anh ấy của ca sĩ Bảo Anh - ẢNH: FANPAGE BẢO ANH
Hình ảnh trong MV Cô ấy của anh ấy của ca sĩ Bảo Anh - ẢNH: FANPAGE BẢO ANH

Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền nói, sáng tác của anh và một số ca khúc mà khán giả mang ra so sánh (Dạ khúc, Sick enough to die, Who I am) đều có chung một mẫu số là vòng hòa thanh (chuỗi những hợp âm hình thành nên bản nhạc). Anh nói mình sử dụng vòng hòa thanh phổ thông, nên người nghe có cảm giác “giống nhau”, nhưng giai điệu, tempo (nhịp), tông đều khác biệt.

Nhạc sĩ Kai Đinh cho biết sử dụng nhịp 6/8 với hòa thanh đặc trưng của âm hưởng cổ điển để sáng tác Cô ấy của anh ấy. Ca khúc cũng được sản xuất trong không gian âm nhạc lofi (còn một số khiếm khuyết), hiện khá phổ biến trong làng nhạc. Giai điệu của bài hát này được bắt đầu với một trong các mô típ giai điệu kinh điển và được phát triển tuyến tính nhằm đáp ứng 2 tiêu chí: dễ nhớ và phù hợp với quãng giọng đẹp nhất của Bảo Anh. Kai Đinh cũng phủ nhận việc “mượn” ý tưởng từ nhạc Hoa mà cụ thể là ca khúc Tháng năm vội vã, do Vương Phi từng thể hiện.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Vũ cũng cho rằng do sử dụng vòng hòa thanh phổ thông, đặc trưng của âm nhạc Hàn Quốc vào khoảng năm 2010 nên khán giả có cảm giác Kỳ vọng sai lầm do anh sáng tác, Tăng Phúc thể hiện bị so sánh giống On rainy days của nhóm nhạc Beast. 

Về với em, ca khúc được yêu thích của Võ Hạ Trâm gần đây cũng bị khán giả cho rằng giống với đoạn mở đầu của ca khúc nhạc Ấn Độ Nainowhale Ne. Võ Hạ Trâm phản bác, nói nhạc sĩ phối bài trên chưa bao giờ nghe ca khúc Nainowhale Ne. 2 ca khúc sử dụng nhạc cụ giống nhưng màu sắc âm nhạc khác. 3 nốt trùng nhau ở intro (dạo mở đầu) bài hát là phổ thông, còn về tốc độ, cách xử lý hoàn toàn khác.

Việc sáng tác theo beat có sẵn cũng thường thấy, kể cả ở nước ngoài. Cái lợi là người viết có thể tha hồ “nhảy múa” giai điệu trên nền nhạc sẵn có. Nhưng cái bất lợi là tác giả không thoát được khuôn khổ của bản phối và phải theo những gì mà người hòa âm đã sắp đặt.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường

Cùng trong khoảng thời gian này, ca khúc Người ôm pháo hoa (Đông Nhi) cũng bị nhận xét có đoạn giống Xem như gió chưa từng thổi qua (nhạc Trung Quốc), Sick enough to die (nhạc Hàn Quốc). Tuy nhiên, ê kíp của Đông Nhi từ chối trả lời vấn đề này. Trong khi đó, một bộ phận khán giả bênh vực, cho biết ca khúc mới của Đông Nhi giống với bài Ngọt ngào ra mắt cách đây nhiều năm, cũng của nữ ca sĩ. Ê kíp của Phương Mỹ Chi cũng từ chối bình luận về việc ca khúc Vũ trụ có anh có nét tương đồng với Cure for me của Aurora.

Chuyện không hồi kết? 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng vòng hòa thanh, giai điệu… đều là những nhân tố có thể làm dấy lên nghi vấn về việc đạo nhái. Khán giả có quyền so sánh, đặt vấn đề. Tuy nhiên, theo anh, câu chuyện này phải xem xét ở nhiều yếu tố.

Theo anh, trong quá trình học hỏi, một số nhạc sĩ có xu hướng ghi nhớ nhanh những giai điệu thú vị, độc đáo, khiến họ thích thú. Việc ghi nhớ tạm này đôi khi lại được mang ra sử dụng trong quá trình sáng tác mà nhạc sĩ hoàn toàn không chủ động, không xác định được chính xác nguồn từ đâu. Từ đó dẫn đến những lùm xùm không đáng có.

Hình ảnh trong MV Mưa tháng sáu của ca sĩ Văn Mai Hương (ảnh: Fanpage Văn Mai Hương)
Hình ảnh trong MV Mưa tháng sáu của ca sĩ Văn Mai Hương (ảnh: Fanpage Văn Mai Hương)

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ: “Có những vòng hòa thanh rất hay và thường được sử dụng trong âm nhạc Việt Nam. Nghe nhiều thành ra quen tai và khi bắt gặp vòng hòa thanh đó thì dễ khiến khán giả ngờ ngợ về ca khúc từng nghe trước đó. Để làm khác đi thì các tác giả phải có sự phá cách trong cách phát triển giai điệu”. Tuy nhiên, anh cho rằng bản thân anh cũng chưa làm được điều này tốt.

Còn việc chủ động bắt chước để theo xu hướng, để được chú ý… lại là mặt khác của vấn đề. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc xem xét thực trạng này cũng không thể dựa vào cảm quan của khán giả hay của một bộ phận chuyên môn nào đó. Ý thức, đạo đức của chính nhạc sĩ vẫn phải là yếu tố hàng đầu.

Câu chuyện đạo nhạc đã dấy lên không ít lần trong làng nhạc Việt, nhưng đến nay vẫn chưa có một quy chuẩn nào để kết luận hoặc có vụ việc nào được mang ra pháp luật. Nhà sản xuất ViruSs từng nói vấn đề này khó phân định ở nhiều thị trường chứ không chỉ ở Việt Nam. Có nơi, việc giống một khoảng nào đó về hòa thanh, giống 6 nốt, 12 nốt liên tiếp hoặc 2 vòng hòa thanh sẽ bị xem là đạo nhạc nhưng nhiều nơi khác thì chưa có quy chuẩn chung.

Thị trường thế giới hiện có xu hướng sáng tác theo beat (nhịp, phách) nhạc, sample (nhạc mẫu) có sẵn. Chúng được bán công khai, hợp pháp, cho nhiều người. Từ đó, nhạc sĩ có thể mua, dựa theo đó và sáng tác. Cách này giúp cho quá trình sáng tác nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nhạc sĩ sẽ dùng những yếu tố trong beat, bản phối này để tạo ra ca khúc mới hoặc xử lý, chỉnh sửa trực tiếp trên đó. Đây cũng là một trong những lý do khiến khán giả có cảm giác các ca khúc nghe có điểm tương đồng. Với một số ca khúc nhạc Việt từng dính nghi vấn đạo nhạc, người trong nghề đã chỉ ra điều này.

Trung Sơn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI