Nghị trường Quốc hội 'nóng' chuyện tư duy nhiệm kỳ, bổ nhiệm người thân

16/06/2017 - 10:43

PNO - Chiều 15/6, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV khép lại với phần đăng đàn của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Trước đó, trong buổi sáng, nhiều đại biểu (ĐB) QH không hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng.

Nghi truong Quoc hoi 'nong' chuyen tu duy nhiem ky, bo nhiem nguoi than
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (nguồn: Quochoi.vn)

Tư duy nhiệm kỳ “cắt khúc” quản lý

Trả lời chất vấn của ĐBQH về chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đây mới là đề xuất của Bộ Giáo dục - Đào tạo và cần tiếp tục nghiên cứu: “Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức”.

Nêu lại câu chuyện 12 dự án nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí lớn, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi: “Ngoài 12 dự án đã được xác định, còn bao nhiêu dự án tương tự?”. 

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát và không dùng ngân sách để trả nợ; giải quyết các vấn đề theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Ngoài 12 dự án đã nêu, cũng còn những dự án khác thua lỗ, kém hiệu quả, nhưng phải qua rà soát để xác định cụ thể. 

Thừa nhận việc bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định đã gây phản ứng trong dư luận, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ giao Bộ Nội vụ kiểm tra 11 địa phương, phát hiện một số sai phạm và yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm.

Đề cập đến “tư duy nhiệm kỳ”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, thực tế này đang tồn tại ở nhiều cấp, dẫn tới “cắt khúc” trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư. Trả lời câu hỏi “làm sao để bỏ tư duy nhiệm kỳ”, Phó thủ tướng cho biết, nguyên tắc của Chính phủ là phải phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các cấp, ngành và địa phương; một việc chỉ giao cho một cơ quan để tránh chồng chéo. 

 “Tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, vì phiếu bầu; có thể cán bộ thấy hết nhiệm kỳ rồi thì không quyết tâm, nỗ lực trong công việc. Yêu cầu chung là cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm. Chính phủ sẽ tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm minh” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Bộ trưởng vòng vèo, Chủ tịch Quốc hội phải trả lời thay

Trong khi phần trả lời của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình được đánh giá là rất thẳng thắn thì phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lại bị xem là dông dài, không đi vào trọng tâm. Khi trả lời ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trước tình trạng bố trí vốn dàn trải, giải ngân vốn đầu tư công chậm, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời rất dài nhưng lệch trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải mấy lần ngắt lời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải đáp, thậm chí phải nhắc lại nội dung câu hỏi của ĐB.
 Nghe Bộ trưởng Dũng tiếp tục lòng vòng, Chủ tịch Quốc hội lắc đầu, một lần nữa ngắt lời, và nói “để tôi trả lời luôn câu hỏi này”. Theo Chủ tịch Quốc hội, căn cứ luật hiện hành, tất cả những công trình trọng điểm quốc gia đều phải trình ra Quốc hội cho chủ trương đầu tư. Hiện nay, vốn chưa phân bổ được là do Bộ KH-ĐT và các bộ ngành liên quan chưa làm được thủ tục này. “Bộ trưởng phải thấy trách nhiệm của các bộ ngành và Bộ KH-ĐT là chậm làm các hồ sơ giải trình ra Quốc hội nên chưa phân bổ được” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiếp tục chất vấn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng còn quá nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý, kiểm soát đầu tư công dẫn đến tiêu cực, lãng phí, thất thoát tràn lan. Rút kinh nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhanh chóng nhận trách nhiệm: “Việc đầu tư còn dàn trải, chưa sát thực tế, dẫn đến lãng phí là có. Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là tham mưu chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Việc thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ để có các giải pháp căn cơ hơn”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI