Nghỉ tết, trẻ nhập viện vì sự bất cẩn của... người lớn

23/01/2022 - 07:24

PNO - Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý một tình huống tai nạn năm nào cũng ghi nhận xảy ra ở trẻ (thậm chí ở người lớn) vào dịp cận tết: uống nhầm hóa chất tẩy rửa nhà cửa, chùi bóng lư đồng...

Vừa qua, trường hợp trẻ bị tai nạn sinh hoạt gia tăng do các bé ở nhà học online nhưng lại thiếu sự để mắt của người lớn. Tết Nguyên đán đang tới gần, để giữ an toàn cho trẻ, bác sĩ chuyên khoa I Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cảnh báo phụ huynh cần trang bị kỹ năng xử lý các tình huống liên quan tới sức khỏe của trẻ nhằm tránh lúng túng khi sự cố bất ngờ xảy ra.

Các tình huống tai nạn sinh hoạt dễ xảy ra với trẻ

Cha mẹ cần thường xuyên để mắt đến con và trang bị kiến thức sơ cứu để kịp thời xử lý khi có tình huống khẩn cấp
Cha mẹ cần thường xuyên để mắt đến con và trang bị kiến thức sơ cứu để kịp thời xử lý khi có tình huống khẩn cấp

Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, tuần qua, chỉ trong một đêm trực, ông đã ghi nhận tới năm trường hợp trẻ em bị gãy tay, chân phải đưa đến cấp cứu. Tất cả các bệnh nhi này đều gặp tai nạn sinh hoạt khi ở nhà. Trong khi đó, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi không thể để mắt trông coi con cái vì còn phải đi làm. 

Chị N.T.T.H. (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) có hai con trai đang học lớp Năm và lớp Ba. Hằng ngày, vợ chồng chị đi làm đến chiều mới về, bé P.Đ.T. và anh trai ở nhà tự trông nhau và học online. Trẻ con hiếu động, hai bé xuống sân chung cư đạp xe đạp thì bé T. bị ngã gãy tay, được bảo vệ và hàng xóm đưa đi cấp cứu.

Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhi gãy ngay vị trí đầu dưới xương quay cổ tay trái do khi ngã, bé chống tay xuống đất khiến cổ tay chịu lực va đập mạnh. Rất may vết thương gãy xương kín nên bệnh nhi chưa phải làm phẫu thuật, chỉ cần nắn chỉnh, đặt nẹp cố định lại xương. Dự kiến tết năm nay, bé T. ăn tết trong tình trạng một cánh tay bất động.

Chị N.T.L.A. (ngụ Q.7, TPHCM) cho biết cuối tuần qua, con gái tám tuổi của chị đã phải đi bệnh viện khâu năm mũi dưới cằm. Cháu biết mẹ cất kẹo bánh, đồ ăn vặt ở tủ bếp treo trên tường. Lúc chị đang mải làm việc online thì nghe tiếng đổ ầm trong bếp. Thì ra con gái chị bị ngã, cằm đập trúng gờ thềm cửa chảy máu. Thật may vì vết thương chưa xảy ra ở vị trí trọng yếu như đầu, mắt...

Anh N.Đ.T. (ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) đang làm việc online thì bỗng mất điện. Sau khi kiểm tra, anh phát hiện nguyên nhân: cậu con trai mười tuổi đang loay hoay cắm sạc laptop. Cháu bé đang học thì laptop báo hết pin. Ổ cắm điện trên tường xa quá nên cậu bé lấy ổ điện di động cắm tiếp nối để kéo dây dài tới bàn học. Ai ngờ chiếc ổ điện này bị chuột cắn hở điện nên vừa cắm vào thì chạm mạch phát tiếng nổ... Anh T. thót tim, cảm thấy quá may mắn vì con trai vẫn an toàn.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi V.P.T.Đ. (13 tuổi, ngụ Bình Dương) vì nuốt luôn cả viên thuốc hạ sốt chưa bóc vỏ. Trước đó, bé Đ. đi chích ngừa về thì bị sốt, mẹ bé cắt viên thuốc hạ sốt từ vỉ ra đưa bé uống, không ngờ bé lại nuốt luôn mà không bóc vỏ viên thuốc ra.

Sau khi khám đánh giá, bác sĩ chuyên khoa I Lý Phạm Hoàng Vinh - Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cùng ê-kíp mổ đã gây mê để thực hiện nội soi thực quản. Do vỏ viên thuốc sắc nhọn, nằm bên dưới miệng thực quản khoảng 2cm, quá trình tiến hành nội soi gặp nhiều khó khăn, niêm mạc thực quản không tránh khỏi bị dị vật gây trầy xước.

Cách sơ cứu và phòng tránh

Trẻ em hiếu động nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người lớn lơ là
Trẻ em hiếu động nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người lớn lơ là

Tóm lại, khi trẻ em nghỉ ở nhà đồng nghĩa nguy cơ mắc tai nạn sinh hoạt rất cao nếu không được để mắt chặt chẽ. 

Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh cho rằng khi tai nạn hoặc các sự cố xảy ra, đa phần phụ huynh quá lúng túng hoặc chưa được trang bị những kỹ năng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để sơ cứu cho con trước khi đưa trẻ tới bệnh viện. Có một số sai lầm mà phụ huynh hay mắc phải. Phổ biến nhất là khi con té gãy xương, vì quá hoảng sợ, cha mẹ cứ thế ôm đi bệnh viện ngay trong khi cần phải bình tĩnh xem xét vị trí gãy và nẹp cố định lại để tránh xương bị gãy xộc xệch, đâm chọc làm tổn thương thêm trầm trọng.

Tiếp đến, hễ cứ thấy con tiêu chảy hay nôn ói là cha mẹ cho trẻ uống thuốc cầm nôn, cầm đi tiêu, coi men tiêu hóa như thần dược, tự ý điều trị tại nhà mà không biết rằng tất cả những loại thuốc kể trên phải uống theo chỉ định của bác sĩ.

Cũng là triệu chứng tiêu chảy và nôn ói nhưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thuốc chống nôn dùng liều không thích hợp dễ gây rối loạn đường tiêu hóa. Nếu dùng thuốc này cho người bị tắc ruột cơ học, có chảy máu đường tiêu hóa thì dễ xảy ra tai biến, nhất là đối với trẻ em. Thuốc cầm tiêu chảy cũng vậy. Trong một số nguyên nhân như ngộ độc thực phẩm mà tự ý uống thuốc cầm tiêu chảy thì vi khuẩn không thoát ra ngoài được, dịch và phân tích tụ có thể gây chướng bụng, nặng hơn là nguy cơ nhiễm khuẩn huyết qua đường tiêu hóa.

Thêm một sai lầm khá phổ biến ở phụ huynh là trong tình huống trẻ nghi bị dị ứng đã tự ý mua thuốc cho con. Trong khi đó, cha mẹ chỉ được phép cho trẻ uống thuốc dị ứng với điều kiện trẻ có tiền sử với bệnh này và đang được theo dõi bởi bác sĩ từ trước. 

Khi con bị phỏng, cha mẹ vẫn còn nghe theo những lời mách nước, chữa trị cho trẻ theo lối dân gian: bôi lòng trắng trứng, nước mắm, kem đánh răng… lên vết phỏng. Tất cả những cách kể trên đều phản khoa học và có nguy cơ gây nhiễm trùng vết thương khiến tình trạng bệnh thêm phức tạp.

Trong tình huống này, cha mẹ nên rửa vết thương dưới vòi nước lạnh. Nếu thấy vết thương hơi đỏ như cháy nắng (phỏng độ 1) thì không cần làm gì, có thể theo dõi ở nhà. Với trường hợp nặng hơn (từ phỏng độ 2 trở lên), sau khi rửa vết thương bằng nước lạnh, cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời. 

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý một tình huống tai nạn năm nào cũng ghi nhận xảy ra ở trẻ (thậm chí ở người lớn) vào dịp cận tết: uống nhầm hóa chất tẩy rửa nhà cửa, chùi bóng lư đồng... Khi thấy con uống hay nuốt phải dị vật, cha mẹ thường có phản xạ móc họng trẻ tìm cách gây ói. Hành động này không phải lúc nào cũng đúng.

Nếu đó là các hóa chất có tính ăn mòn, bay hơi như dầu hỏa, xăng thì tuyệt đối không được móc họng trẻ mà phải lập tức đưa bé đi cấp cứu. Chỉ bác sĩ mới biết cách xử lý kịp thời trong tình huống này. Nếu phụ huynh móc họng để con nôn ra sẽ khiến bé hít sặc vào phổi, hóa chất bị nuốt vào sẽ làm tổn thương cả đường hô hấp.

Như vậy, để giữ an toàn cho trẻ vào dịp cận tết, yếu tố quan trọng đầu tiên là người lớn không được lơ là coi sóc trẻ, nhất là trẻ nhỏ. Không cất đồ ở vị trí cao gây tò mò cho trẻ, tránh để trẻ leo trèo. Trong nhà luôn chuẩn bị thuốc hạ sốt, thuốc sát trùng, bông gạc cá nhân. Với những trẻ có tiền sử hen suyễn, dị ứng, cha mẹ luôn phải chuẩn bị sẵn thuốc ở nhà.

Do hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên dịp tết không nên cho trẻ ăn quá nhiều món trong ngày. Lưu ý duy trì chế độ ăn uống chừng mực, khoa học, hạn chế đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh để tránh các bệnh về đường tiêu hóa.

Khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào như sốt cao khó hạ, đau bụng, tiêu chảy… cần được đưa đi khám ngay thay vì tự điều trị. Vào kỳ nghỉ tết, các bệnh viện không khám bệnh thường quy nhưng phòng cấp cứu vẫn hoạt động 24/24g để phục vụ người dân trong tình huống khẩn cấp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI