Nghị sĩ Mỹ yêu cầu cơ quan chức năng điều tra tính bảo mật của ứng dụng TikTok

25/10/2019 - 15:31

PNO - Lãnh đạo nhóm thiểu số Thượng viện - Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Tom Cotton yêu cầu các quan chức tình báo điều tra xem ứng dụng nổi tiếng TikTok do Trung Quốc sở hữu có đem đến rủi ro an ninh quốc gia hay không.

Trong bức thư gửi đến Joseph Macguire - Quyền giám đốc Cục tình báo quốc gia Mỹ, các thượng nghị sĩ nêu lên mối lo ngại về việc thu thập dữ liệu người dùng của nền tảng chia sẻ video và đặt cuâ hỏi liệu Trung Quốc có kiểm duyệt nội dung mà người dùng ở Mỹ nhìn thấy hay không.

Bức thư cũng bày tỏ quan ngại rằng TikTok có thể là công cụ cho các chiến dịch gây ảnh hưởng đến nước ngoài của Bắc Kinh.

Mối quan tâm về các vấn đề an ninh và kiểm duyệt liên quan đến TikTok đang gia tăng ở Mỹ, khi ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh và các nền tảng nội dung khác thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã yêu cầu chính quyền Mỹ xem xét các cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng TikTok để kiểm duyệt chính trị.

Các thượng nghị sĩ viết: “Với hơn 110 triệu lượt tải xuống ở Mỹ, TikTok là một mối đe dọa phản gián tiềm tàng mà chúng ta không thể bỏ qua”. Họ kêu gọi các nhà điều tra xem xét vấn đề về thu thập thông tin người dùng, bao gồm dữ liệu liên quan đến vị trí và các thông tin cá nhân nhạy cảm khác.

TikTok nói rằng dữ liệu người dùng của Mỹ được lưu trữ tại Mỹ, nhưng các thượng nghị sĩ lưu ý rằng ByteDance bị chi phối bởi luật pháp Trung Quốc.

Trong tháng này, ông Rubio đã yêu cầu hội đồng an ninh quốc gia Mỹ xem xét việc mua lại công ty Music.ly Inc của ByteDance. Ông trích dẫn các câu hỏi về lý do tại sao TikTok chỉ lưu hành một vài video về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, dù vụ việc thống trị tiêu đề các kênh truyền thông quốc tế trong nhiều tháng.

Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg, công ty sở hữu sản phẩm cạnh tranh với TikTok ở thị phần dành cho người dùng trẻ tuổi, cũng công kích ứng dụng về vấn đề kiểm duyệt.

Nghi si My yeu cau co quan chuc nang dieu tra tinh bao mat cua ung dung TikTok
Báo cáo mới đây cho thấy TikTok đã chạm mốc 500 triệu người dùng thường xuyên khắp thế giới.

TikTok đã nói rằng Trung Quốc không có quyền tài phán đối với nội dung của ứng dụng vì ứng dụng này không hoạt động ở Trung Quốc.

Người phát ngôn của TikTok nói trong một tuyên bố với Reuters: “Chính phủ Trung Quốc không yêu cầu nội dung kiểm duyệt TikTok. Nói rõ hơn, chúng tôi không xóa video vì thể hiện nội dung cuộc biểu tình ở Hồng Kông”.

Trang web TikTok.com bị chặn ở Trung Quốc và ứng dụng không có sẵn trên cửa hàng ứng dụng Trung Quốc. Người dùng với số điện thoại di động đăng ký ở Trung Quốc đại lục cũng không thể đăng nhập ứng dụng.

Tuy nhiên, những lo ngại về ảnh hưởng từ nước ngoài đối với các cuộc bầu cử ở Mỹ thông qua các nền tảng truyền thông xã hội đã tăng lên kể từ khi cơ quan tình báo Mỹ phát hiện Nga tiến hành một chiến dịch ảnh hưởng trên mạng để giúp dồn phiếu bầu cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Moscow đã bác bỏ tuyên bố này.

Facebook cũng vừa tiết lộ họ đã đình chỉ một mạng lưới các tài khoản Instagram được vận hành từ Nga, nhắm vào các cử tri Mỹ với các thông điệp chính trị gây chia rẽ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI