Nghị quyết mới cho TPHCM và giấc mơ “an cư, lạc nghiệp”

22/05/2023 - 06:07

PNO - Có nhà ở và công việc ổn định có lẽ là nhu cầu và mơ ước lớn nhất của mọi người dân. Người dân ở TPHCM càng khao khát có được 2 điều này khi đây vừa là nơi “đất lành chim đậu” nhưng cũng là vùng “đất chật người đông”.

Giấc mơ mái nhà

Chiều tan việc, quay về căn phòng trọ chừng 12m2, cơm nước xong, chị Đỗ Huỳnh Như - 25 tuổi, ở quận Bình Tân - ra phía trước chăm sóc mấy chậu cây kiểng. Phòng trọ khá nhỏ, chị vẫn cố gắng trồng thêm một ít cây kiểng cho mát, chống lại cái oi bức của những ngày 
nắng nóng.

Chị Như là công nhân trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. Căn phòng trọ của chị không có gác, cấu trúc chỉ gồm 1 nhà vệ sinh nhỏ, 1 kệ bếp nhỏ, 1 giường ngủ nhỏ. Sau gần 4 năm rời quê từ miền Tây tới TPHCM làm việc, mức lương hiện tại của chị là 7,5 triệu đồng/tháng. 

Nghị quyết thay thế sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội (trong ảnh: Khu nhà ở xã hội ở quận Bình Tân là nơi ở của hàng trăm gia đình công nhân, người lao động) - ẢNH: NGUYỄN NGÂN
Nghị quyết thay thế sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội (trong ảnh: Khu nhà ở xã hội ở quận Bình Tân là nơi ở của hàng trăm gia đình công nhân, người lao động) - Ảnh: Nguyễn Ngân

Chị nói: “Mỗi ngày, tôi ăn uống khoảng 100.000 đồng. Hằng tháng, tôi đều gửi về quê cho mẹ 2 triệu đồng để phụ lo cho các em ăn học. Tôi ở một mình nên thuê phòng trọ nhỏ, giá 1,5 triệu đồng/tháng tính luôn tiền điện, nước. Nếu không có chi phí phát sinh như tiệc tùng, thuốc men, tôi cũng dành dụm được một ít”. 

Chị Huỳnh Như dự tính sẽ tích góp tiền để 10 năm nữa mua được một căn hộ ở TPHCM rồi đón mẹ và em gái lên ở cùng. Chị cho hay, nghe tin UBND TPHCM có kế hoạch xây hàng ngàn căn hộ dành cho người có thu nhập thấp đi kèm nhiều chính sách hỗ trợ mua trả góp, chị cố gắng chi tiêu ít lại để dành dụm tiền mua nhà: “Điều mà những người ở tỉnh tới TPHCM làm công nhân như chúng tôi mơ ước nhất là công ăn việc làm ổn định, có nhà để ở”.  

TPHCM có hơn 13 triệu dân. Việc giúp ngày càng nhiều người có cuộc sống ổn định vừa là trách nhiệm, vừa là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Nghị quyết Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, xây mới 35.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, cho người có thu nhập thấp. Trong chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030, UBND TPHCM cũng nêu mục tiêu xây 93.000 căn hộ.

Tuy nhiên, số căn hộ xây được còn rất ít. Trong 18 dự án xây nhà ở xã hội đã đăng ký, có 9 dự án không thể tiếp tục triển khai do gặp phải những vướng mắc liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Đảng bộ, chính quyền TPHCM rất mong Quốc hội ra nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017-QH14 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM). 
 

Chị Đỗ Huỳnh Như mong ước sẽ mua được nhà sau 10 năm dành dụm để đón mẹ và em gái ở quê lên TPHCM ở cùng ẢNH: NGUYỄN NGÂN
Chị Đỗ Huỳnh Như mong ước sẽ mua được nhà sau 10 năm dành dụm để đón mẹ và em gái ở quê lên TPHCM ở cùng - Ảnh: Nguyễn Ngân

Theo ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - nếu được Quốc hội thông qua, nghị quyết thay thế sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội với các cơ chế mà UBND TPHCM xin được thí điểm. Chẳng hạn, khi đó, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các dự án nhà ở xã hội sẽ diễn ra đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và cùng thời điểm với việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, từ đó rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. 

Một ví dụ khác là, theo quy định, dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội khiến 33 dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ, kéo các dự án nhà ở xã hội đi kèm chưa thể triển khai. Với nghị quyết thay thế, quỹ đất xây nhà ở xã hội có thể được bố trí trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc được bố trí ở vị trí khác, giúp tiến độ 2 loại dự án được triển khai nhanh hơn và có thể tiến hành cùng lúc.

Thị trường việc làm sẽ nhộn nhịp hơn

Vợ chồng chị Đặng Thị Dung (quận 6) cho biết, nếu có nhiều nhà ở xã hội và được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, vợ chồng chị sẽ mua. 
 

Công nhân trong khu nhà trọ Ao Sen đối diện Công ty PouYuen, quận Bình Tân luôn mong chính quyền TPHCM hỗ trợ chính sách về nhà ở - ẢNH: SƠN VINH
Công nhân trong khu nhà trọ Ao Sen đối diện Công ty PouYuen, quận Bình Tân luôn mong chính quyền TPHCM hỗ trợ chính sách về nhà ở - Ảnh: Sơn Vinh

Vợ chồng chị Dung rời quê, đến TPHCM sinh sống được 12 năm nay. Họ đang thuê phòng trọ với giá 2 triệu đồng/tháng tính luôn tiền điện, nước, phí gửi xe. Chị Dung làm công nhân may trong Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) hơn 6 năm nay, lương hiện tại 8 triệu đồng/tháng; nếu tăng ca thì được thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng. 

Vừa qua, do kinh tế thế giới có nhiều biến động, Công ty TNHH PouYuen đã cắt giảm hàng ngàn lao động. Làm việc trong công ty này, chị cũng thấp thỏm, lo có ngày mình sẽ bị đưa vào danh sách nhân sự cần cắt giảm nếu tình hình kinh tế chung không được cải thiện. Như bao công nhân khác, chị rất mong công ty sẽ ổn định đơn hàng để được tiếp tục làm việc, cùng chồng nuôi 2 con ăn học.
 

Căn hộ trong chung cư An Phú, quận 6 - nơi tái định cư cho người từng ở trong chung cư xuống cấp. Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ giúp người có thu nhập thấp thực hiện giấc mơ “an cư lạc nghiệp” - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Căn hộ trong chung cư An Phú, quận 6 - nơi tái định cư cho người từng ở trong chung cư xuống cấp. Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ giúp người có thu nhập thấp thực hiện giấc mơ “an cư lạc nghiệp” - Ảnh: Nguyễn Văn

Anh Điền - chồng chị Dung - làm nghề chạy xe ôm công nghệ, thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/tháng. Tháng nào thời tiết xấu, thu nhập của anh cũng bị giảm đáng kể. Theo anh, khi hoạt động kinh tế chung của thành phố ổn định, phát triển, công việc của anh cũng thuận lợi hơn bởi nhu cầu đi lại, giao nhận hàng cũng nhiều hơn. Anh cho rằng, mọi người lao động đều luôn mong có việc làm tốt, thu nhập cao.

 Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - kỳ vọng, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017-QH14 sẽ thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển nhanh, mạnh, qua đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Bộ máy hành chính sẽ được sắp xếp, điều chỉnh, hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng các yêu cầu trong cuộc sống của người dân.

Theo UBND TPHCM, thời gian qua, TPHCM đã bị lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư do không có thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi mà nhà đầu tư đề xuất, nhất là ở các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư. Ngoài ra, các chính sách mới từ nghị quyết thay thế sẽ tạo sự thay đổi theo hướng thuận lợi rõ rệt cho các doanh nghiệp hoạt động, từ đó tạo nhiều việc làm hơn cho người dân.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho rằng, ngoài được hưởng lợi từ các nội dung được nêu trong dự thảo nghị quyết thay thế, TP Thủ Đức cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - nhận định: nghị quyết thay thế sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất dễ dàng, thuận lợi hơn bởi dự thảo nghị quyết này cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất; phương thức bồi thường để tạo quỹ đất cũng đa dạng hơn. 

Theo các thành viên tổ soạn thảo dự thảo nghị quyết thay thế, việc xây dựng các chính sách mới trong dự thảo nghị quyết này dựa trên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức nghề nghiệp, nhất là doanh nghiệp. Việc dự thảo nghị quyết được thông qua sẽ tạo thuận lợi lớn cho TPHCM phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và chính người dân là đối tượng thụ hưởng thành quả chung. 

Nguyễn Ngân - Phong Vân

Những nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị quyết thay thế

Dự thảo nghị quyết thay thế có khoảng 43 nội dung về cơ chế, chính sách cần được áp dụng thí điểm, trong đó tập trung vào các cơ chế vượt trội, đột phá vốn chưa có trong quy định của luật hoặc có nhưng chồng chéo, từ đó huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của TPHCM. 

Khác với Nghị quyết 54/2017/QH14 chỉ xoay quanh cơ chế, chính sách tạo nguồn thu cho TPHCM, nghị quyết thay thế tập trung nhiều hơn vào các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục. Về cơ bản, nghị quyết thay thế cụ thể hóa các quy định theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị trong các nghị quyết về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển TPHCM như Nghị quyết 31, Nghị quyết 24…

Ở lĩnh vực đầu tư kinh doanh, nghị quyết thay thế đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, khơi thông nguồn lực xã hội như thí điểm đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa (Luật Đầu tư hiện không cho phép áp dụng trong khi nhiều nhà đầu tư lại muốn đầu tư vào lĩnh vực này). Luật hiện hành cũng không cho phép áp dụng hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên các tuyến đường hiện hữu. Trong khi đó, TPHCM có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn. 

Trong dự thảo nghị quyết, TPHCM cũng được trao thêm thẩm quyền xây dựng các chính sách thu hút, phát triển, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, người có tài năng đặc biệt. Nghị quyết thay thế cũng tạo đột phá về cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền cho chính quyền TP Thủ Đức để giải quyết công việc một cách đồng bộ, kịp thời. Các quận, huyện còn lại cũng được tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ khi thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị ở TPHCM.

Dự thảo nghị quyết thay thế cũng cho phép quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) và HĐND TPHCM được quyền thí điểm quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án, tạo quỹ đất để hình thành, phát triển các khu đô thị mới. 

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, công tác giải ngân tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành Đai 3 thuộc địa phận TPHCM được đẩy mạnh theo cơ chế đặc biệt mà Chính phủ, Quốc hội cho phép thực hiện. Nhờ đó, trong cả quý I/2023, vốn đầu tư công của TPHCM chỉ giải ngân được 1.600 tỉ đồng nhưng đến ngày 12/5, tổng tiền giải ngân đã lên 8.200 tỉ đồng. UBND TPHCM đã đưa cơ chế đặc biệt này vào dự thảo nghị quyết thay thế và rất mong được Quốc hội xem xét, thông qua. 

Phong Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI