Kết quả càng ngày càng đi lùi
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, hệ thống kênh, rạch trong phạm vi nội thành TPHCM bao gồm 5 tuyến chính và các chi lưu, với tổng chiều dài hơn 105km, giải quyết tiêu thoát nước lưu vực 14.200 ha.
Tuy nhiên lòng kênh bị thu hẹp do hộ dân lấn chiếm, với tổng căn hộ sinh sống trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ 1993 đến nay). Giai đoạn 1993 – 2000 đã di dời được 9.266/7.000 căn; 2001 – 2005 di dời được 15.548/10.000 căn; 2006 – 2010 di dời được 7.542/15.000 căn; 2011 – 2015 di dời đuọc 3.350/14.101 căn; 2016 – 2020 di dời được 2.479/20.000 căn.
Ông Phạm Bình An – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận định, tiến độ triển khai thực hiện như vậy là rất chậm.
|
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, góp ý tại hội thảo. |
Tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch chậm là do nhiều khó khăn vướng mắc. Cụ thể, khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư vì số liệu chưa đầy đủ, trình tự thẩm định, công bố giá nhà tái định cư chậm, giá bồi thường chưa tiệm cận giá thị trường… Công tác cưỡng chế thu hồi sau khi giao nhà giải tỏa trên và ven kênh rạch đôi lúc rất khó thực hiện.
Kinh phí dự toán giải phóng mặt bằng nhỏ giọt ảnh hưởng đến tốc độ tăng giá, phá vỡ kế hoạch ban đầu. Kế hoạch phân bổ đất đai hàng năm trước đây của Sở Tài nguyên và Môi trường đôi lúc không đồng bộ với kế hoạch vốn phân bổ của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, đa số các hộ dân xây dựng/chuyển nhượng nhà, lấn chiếm bất hợp pháp trên và ven kênh rạch nên thường không có hồ sơ pháp lý, không được bồi thường theo chính sách của Nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của thành phố.
|
Hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven rạch Xuyên Tâm. |
Thạc sĩ Vương Quốc Trung - Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển – chia sẻ, nguồn vốn cũng là một trong những vướng mắc lớn nhất trong công tác di dời nhà ven kênh, rạch tại TPHCM. Di dời hàng ngàn hộ gia đình và xây dựng các khu dân cư mới đòi hỏi một nguồn vốn lớn, tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách đô thị hiện tại thường không đủ đáp ứng được nhu cầu này, dẫn đến sự thiếu hụt tài chính trong công tác di dời.
Thực tế cho thấy việc sử dụng vốn đầu tư các dự án di dời nhà ven kênh chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Từ đó cho thấy việc phân bổ nguồn vốn ngân sách cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Tiếp đến là khó khăn trong việc xác định khu vực tái định cư cho người dân, việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời các hộ gia đình là một trong những thách thức lớn. Đô thị đã quá phát triển, không còn nhiều không gian trống để xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là vùng gần khu trung tâm.
Vận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, giai đoạn 2016-2020, TPHCM chỉ di dời 12,4% kế hoạch, tỷ lệ rất thấp đó phản ánh tính chất khó khăn, phức tạp và còn rất nhiều vướng mắc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, qua thực tế cho thấy, vướng mắc đầu tiên là đến từ năng lực lập kế hoạch, kết quả chỉ thực hiện được 12,4% kế hoạch, cho thấy sự chênh lệch quá nhiều chứng tỏ cơ quan lập kế hoạch chưa tính toán cụ thể về quy mô dự án với năng lực thực hiện, nguồn vốn có thể huy động được... Phải chăng do quan niệm cho rằng cứ nêu ra những chỉ tiêu rất cao là thể hiện ý chí quyết tâm cao? hoặc đó là biểu hiện của “bệnh thành tích”.
Tiếp đến là vướng mắc đến từ thiếu khả năng thu hút nhà đầu do nguyên nhân chính là các dự án không đem lại lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp; vướng mắc đến từ thủ tục quản lý nhà vì hầu hết các căn nhà trên kênh đều không có giấy phép xây dựng nên không có chứng từ về diện tích để tính giá đền bù, giải tỏa và làm cơ sở cho bố trí tái định cư…
|
Hai căn nhà ven kênh rạch trên địa bàn quận 8 từng bị nghiêng, sập mất an toàn. |
Nhìn chung những hướng vướng mắc của các chương trình, dự án đều có liên quan trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư nên đó chính là khó khăn vướng mắc mang tính bao trùm, chi phối toàn bộ các hoạt động của các chương trình, dự án. Giải pháp tháo gỡ khó khăn này có thể trở thành “bất khả thi” vì nguồn lực tài chính của nhà nước và của TPHCM đều “hữu hạn” không thể vượt qua.
Do đó, chúng ta cần tư duy thực tế mà người xưa đã dạy phải biết “liệu cơm gắp mắm”... Nếu làm theo cách này thì 10 năm qua đã có thể hoàn thành được một phần công việc chứ không phải là “tất cả còn nằm trên giấy”.
Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, hiện TPHCM đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó có một số điều khoản trong Nghị quyết 98 có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể, thứ nhất, trong quy định về quản lý đầu tư, Hội đồng nhân dân TPHCM có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.
Hai là, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, Ngân sách TPHCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch.
Bích Trần