"Nghỉ phép" ở nhà chồng để về nhà ngoại... hồi sức

09/02/2023 - 06:41

PNO - Chị đã thành công khi thương lượng được 1 tháng buông hết trách nhiệm tại nhà chồng. Chị bắt xe về nhà mẹ ruột ở Cần Thơ để nằm dài sung sướng.

Sau rằm tháng Giêng, cũng vừa hết 1 tháng khổ sở vật vã với trách nhiệm bếp núc, cúng kiếng, chị vui mừng trở về với cuộc sống thường ngày.

Vậy là đã tròn 10 năm chị biến thành con người khác. Bạn bè mỗi lần gặp lại cũng kêu trời vì không thể hình dung người bạn sôi nổi, chỉ thích những hoạt động ngoài trời mà từ ngày lấy chồng bỗng gắn liền với gian bếp.

Chính chị còn lạ lẫm với mình, huống chi bạn bè. Hôn nhân đã làm chị biến đổi 180 độ.

Ảnh minh họa
Chị từng có một tuổi trẻ phóng khoáng, tự do (ảnh minh họa)

10 năm trước, có nằm mơ chị cũng không nghĩ mình sẽ sống như  người nội trợ đích thực. Vậy mà sau khi lấy anh, đều đặn ngày 3 bữa chị lục đục trong bếp lo ăn sáng - trưa - tối cho gia đình.

Nhìn món ăn được thay đổi hằng ngày, đủ dinh dưỡng và trình bày đẹp mắt mà không 1 lời phàn nàn, ai cũng nghĩ đó là việc chị yêu thích, say mê.

Những người quen biết chị sau này đều tưởng chị là mẫu phụ nữ thích chăm sóc gia đình, hạnh phúc khi nấu những bữa ăn ngon cho gia đình. Nhưng họ nhầm rồi, trong nhà, nơi chị chán nhất chính là gian bếp. Những việc lặt vặt bếp núc khiến thời gian bị chia vụn nên chị chẳng làm được gì cho riêng mình. 

Đang đi đâu hay đang làm việc gì dang dở, tới giờ nấu ăn, chị phải tất tả chạy về. Nhà 3 thế hệ, với các chế độ ăn khác nhau, chị chẳng thể có 1 buổi sáng rảnh rang, bị luôn phải chợ búa, sơ chế thực phẩm, chuẩn bị sẵn sàng, để tới giờ ăn mẹ chồng chỉ việc nấu sơ hay hâm nóng lại. Dần dần, gian bếp như sợi dây thòng lọng khiến chị vừa ngao ngán vừa ngộp thở.

Vì vậy, đừng nhìn bếp núc lúc nào cũng sạch sẽ, bữa ăn nào cũng có cơm nóng, canh ngọt mà nghĩ rằng ở đó có người phụ nữ hạnh phúc, mê nội trợ.

Gia đình chồng mỗi năm hơn chục đám giỗ và các thể loại cúng kiếng mà mình chị gách vác việc bếp núc. “Đỉnh điểm” của việc cúng kiếng nhà chồng chị là từ giữa tháng Chạp đến giữa tháng Giêng, nên đây là thời điểm chị phải “căng mình chịu trận”.

Hàng năm, qua rằm tháng Giêng, chị xin "nghỉ phép", để về nhà cha mẹ ruột 1 tháng để "hồi phục". Đó là 1 tháng chị tưới tắm lại tâm hồn, làm những điều mình thích, thậm chí là khoan khoái nằm dài lười biếng, nghỉ ngơi, chẳng làm gì.

Vì anh chồng mỗi ngày đi làm từ sáng đến tối, nên trong tháng "nghỉ phép" của chị, mẹ chồng - người vốn rất ghét nấu ăn - phải vào bếp. Thực đơn cả nhà thường ăn là... 1 nồi cháo hay mì gói cho gọn. Ban đầu chị biết chuyện cũng thấy xót, nhưng chị tập làm lơ, ăn sơ sài tạm cũng chẳng sao.

Chĩ đã thương lượng thành công để có một tháng hồi phục ở nhà ngoại (ảnh minh họa)
Chị đã thương lượng thành công để có 1 tháng "hồi phục" ở nhà ngoại (ảnh minh họa)

Từ khi lấy chồng, dĩ nhiên không còn sôi nổi, ồn ào như lúc trẻ nhưng vẫn chưa đánh mất tâm hồn phóng khoáng và niềm yêu thích tự do. Vậy nên, về nhà mẹ ruột là khoảng thời gian chị sống đúng như mình muốn, tạm quên cửa hàng thời trang phải chăm sóc như con mọn, quên những bữa cơm phải chu toàn cùng việc dọn dẹp nhà cửa, quên luôn... ông chồng.

Đó là lúc chị được thoải mái nói cười rổn rảng cùng bạn bè, cà kê ở quán hay nằm dài đọc sách, xem phim, tới giờ cơm mẹ gọi ra ăn.

Chị “buông thả”, để cảm xúc dẫn dắt mình đi, chẳng theo 1 kế hoạch nào. Đang ở nhà ngoại tại Cần Thơ, chị bèn nghĩ "hay ngược ra Bắc 1 chuyến", thế là quảy ba lô đến tận Yên Bái, Lào Cai. Có những ngày chị không đi đâu, chỉ đóng cửa phòng, đem ghế ra ban-công, 1 mình nhẩn nha bên ly cà phê nóng và ngắm khu vườn nhỏ.

Nhiều khi chị tự hỏi "thế quái nào mà 11 tháng còn lại mình có sống mất tự do như thế" và cũng có lúc chị muốn hất tung những gò bó ở nhà chồng để “sống cho ra sống”.

Nhưng rồi chị nghĩ, tuổi chị đã gần 40, cuộc sống ai cũng có những ràng buộc nhất định: người thì theo đuổi sự nghiệp mà không ít lần phải căng thẳng giải quyết khủng hoảng, người thì chăm sóc con cái nheo nhóc, người thì vợ chồng lục đục…

Vậy nên, chị chấp nhận thời gian gắn chặt với gian bếp ở nhà chồng, vì xét cho cùng chồng chị là người tốt tính, cha mẹ chồng chẳng đến nỗi khắc nghiệt và hằng năm chị luôn tận hưởng tháng "nghỉ phép" để buông bỏ mọi trách nhiệm, sống như cô gái độc thân.

Chị coi việc có 1 tháng tự do như mong muốn là cuộc thương lượng thành công giữa chị và nhà chồng. Thật may, kết quả của cuộc thương lượng ấy vẫn duy trì...

Nguyên Xuân

                                                                                                        

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trần Thị Vân Anh 14-02-2023 13:57:13

    Mang tiếng là thời buổi bình đẳng nhưng nhiều người vẫn coi chuyện bếp núc, giỗ chạp, phục vụ đại gia đình mấy thế hệ là việc của phụ nữ. Mà phụ nữ ngày nay cũng đi làm, chăm con lại còn lo việc nhà chồng đủ thứ. Cứ bảo việc vặt nhưng ông xã nào chia sẻ việc với vợ mới hiểu mấy cái vặt đó mệt mỏi thế nào

  • Võ Văn Tài 10-02-2023 00:27:07

    Vậy ở vậy không lấy chồng, xàm xàm vậy cũng biện minh cho được, ai mà từ trẻ lớn lên có gia đình mà không già. Hội chị em tàu lao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI