Nghỉ ốm vẫn bị sa thải?

25/09/2017 - 07:47

PNO - Sau hai đợt điều trị bệnh, nghỉ việc, chị Nguyễn Thị Ánh Hằng (sinh năm 1974, ngụ Đồng Nai) bất ngờ bị công ty sa thải.

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ, chị Hằng cho biết, từ giữa năm 1997, chị vào làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (đường số 5A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai). 

Nghi om van bi sa thai?
Chị Hằng bị công ty sa thải do không chứng minh được lý do nghỉ việc 5 ngày cộng dồn trong 30 ngày

Ngày 20/3/2013, đang trong ca làm việc, chị Hằng được phòng nhân sự gọi lên văn phòng tổng giám đốc đề nghị làm đơn nghỉ việc. Chị Hằng không đồng ý. Sau đó, công ty luân chuyển chị sang công việc mới có phần khó khăn hơn. 

Cụ thể, chị Hằng phải làm việc một tuần vào ban ngày, một tuần vào ban đêm. Do thức đêm nhiều nên bệnh rối loạn tiền đình của chị càng nặng thêm, thường xuyên nhập viện điều trị.

Ngày 16 và 17/10/2015, chị Hằng bị bệnh, gọi điện cho đội trưởng xin nghỉ việc hai ngày. Ngày 19/10/2015, chị Hằng đến bệnh viện khám và được bác sĩ chỉ định cho nghỉ ba ngày: 19-21/10/2015. Tháng 11/2015, bệnh tái phát, chị Hằng tiếp tục xin nghỉ ba ngày không hưởng lương: 9, 10 và 14/11/2015. Trong đó, ngày 11/11/2015, chị Hằng đến bệnh viện khám và được bác sĩ chỉ định nghỉ dưỡng bệnh ba ngày: 11, 12, 13/11/2015.

Sau thời gian nghỉ bệnh, đến ngày 2/1/2016, chị Hằng bất ngờ nhận được quyết định sa thải với lý do “tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong phạm vi 30 ngày”. Cho rằng quyết định sa thải của công ty “không có lý do chính đáng” và “thiếu tình người”, chị Hằng đã làm đơn xin cứu xét gửi lên Công đoàn, Ban giám đốc Công ty Mabuchi Motor Việt Nam và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong các phản hồi, công ty vẫn kiên quyết không nhận chị Hằng làm việc trở lại với lý do “vi phạm nội quy”.

Ngày 22/11/2016, chị Hằng nộp đơn khởi kiện quyết định sa thải của Công ty Mabuchi Motor Việt Nam lên Tòa án Nhân dân thành phố Biên Hòa. Trong phiên tòa ngày 5/9/2017, tòa án đã bác yêu cầu khởi kiện của chị vì cho rằng, quyết định sa thải của công ty là phù hợp với quy định của pháp luật. Hiện tại, chị Hằng đã làm thủ tục kháng cáo, tiếp tục khởi kiện công ty lên Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Theo chị Hằng, việc công ty áp đặt 5 ngày chị nghỉ không có lý do trong vòng 30 ngày (các ngày 16, 17/10/2015 và 9, 10, 14/11/2015) là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, khi nghỉ hai ngày 16, 17/10/2015, chị Hằng đã gọi điện xin phép tổ trưởng. Còn các ngày 9, 10, 14/11/2015 chị Hằng không có giấy của bệnh viện, nhưng chị có giấy tờ chứng minh ngày cận kề đó chị bị bệnh.

Thông tin với phóng viên về quyết định sa thải chị Hằng, ông Phạm Hoàng Đức Nam, Giám đốc Ban quản lý - Công ty Mabuchi Motor Việt Nam cho biết, trước khi ra quyết định kỷ luật sa thải, đại diện công ty có mời chị Hằng tham dự cuộc họp kỷ luật chị vì vi phạm nội quy. Trong cuộc họp, công ty có yêu cầu chị Hằng cung cấp giấy tờ để xác nhận 5 ngày nghỉ bệnh.

Tuy nhiên, chị Hằng không cung cấp được. Ông Nam cũng cho biết, công ty có niêm yết bảng nội quy rõ ràng trước cửa ra vào để công nhân nắm rõ, không vi phạm. Trước khi sa thải, công ty có cho phép chị Hằng làm đơn kết thúc hợp đồng. Để sau đó chị có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm bảo đảm quyền lợi nhưng chị không đồng ý. 

Bà Trần Huỳnh Thanh Lan, Trưởng phòng Nhân sự - Công ty Mabuchi Motor Việt Nam cho biết, sau khi ra quyết định sa thải chị Hằng, công ty có mời chị lên làm thủ tục, giải quyết các chế độ liên quan với số tiền hơn 27 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay chị vẫn chưa đến nhận số tiền này dù công ty rất nhiều lần gửi giấy mời.

Không tìm hiểu kỹ, người lao động thiệt thòi

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo điều 31 Nghị định 05/2015 của Chính phủ, người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Theo luật sư Chánh, nếu nội quy lao động của công ty không có quy định trường hợp khác thì việc chị Hằng có điện thoại xin đội trưởng, sau đó không cung cấp giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là thuộc trường hợp nghỉ việc không có lý do chính đáng. 

Thực tế, nhiều người lao động không tìm hiểu kỹ nội quy lao động cũng như thiếu kiến thức pháp luật về lao động. Nhiều người lao động nghỉ việc do bị bệnh, nhưng lại không có giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh nên rơi vào trường hợp nghỉ việc không có lý do chính đáng. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI