Tưởng chỉ ốm nghén, hóa ra ung thư dạ dày
Lập gia đình được 8 tháng, chị Vũ Thị Dung (30 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) nghĩ rằng cuộc sống của mình thật trọn vẹn khi bé trai đang ngày một khỏe mạnh, quẫy đạp trong bụng mẹ.
|
Từ một cô giáo xinh đẹp, yêu đời, chị Dung chỉ muốn chết khi biết mình bị ung thư |
Có thai không bao lâu, chị Dung liên tục bị nôn ói, mệt mỏi, ăn ít lại. Vì trước đó chị chưa từng đau dạ dày, lại đang mang thai nên chị Dung chỉ nghĩ mình bị ốm nghén.
Tuy nhiên, đến tuần thứ 27 thai kỳ, chị vẫn bị “nghén”. Thậm chí, những cơn “nghén” ngày càng dồn dập hơn, đến nỗi chị nôn ói liên tục và không ăn được gì. Hết nôn ói khan, chị Dung bị nôn ra máu, cơ thể suy kiệt, từ một thai phụ 48 ký, chị Dung chỉ còn 35 ký, không thể vận động.
Thấy vợ xanh xao, anh Lê Đình Thịnh đưa chị Dung đi khám ở bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ tại đây khuyên chị nên đến bệnh viện tuyến trên để được xét nghiệm kỹ hơn.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chị được các bác sĩ nội soi dạ dày, xét nghiệm máu,… và phát hiện chị bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, hẹp môn vị dẫn tới không thể ăn uống được. Đang mang thai lại không được bổ sung dinh dưỡng nên bệnh của chị Dung tiến triển nhanh, những ngày sau đó chị nôn ói ra máu, đi tiêu ra máu, thậm chí không đi vệ sinh chị vẫn bị ra máu rỉ rả.
“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ mình bị hành thai nên vẫn ở nhà chịu đựng, đến khi không chịu nổi nữa, chồng tôi đưa tôi đi bệnh viện thì mới biết mình bị ung thư dạ dày. Chứng kiến nhiều người ở quê chết vì ung thư, tôi nghĩ mình cũng sẽ như họ nên chỉ muốn tự tử để được chết cùng con”, chị Dung nói.
Nghĩ mình không thể điều trị, cơ thể lại quá đau đớn, nhà lại không có chi phí điều trị, chị Dung luôn tìm cách để kết thúc cuộc đời mình. Đến nỗi, các bác sĩ và anh Thịnh phải túc trực bên cạnh chị 24/24 để can ngăn hoặc cấp cứu kịp thời nếu chị Dung tự tử.
|
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối rất nguy hiểm |
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Y Dược TP.HCM cho biết: “Điều trị cho thai phụ mang bệnh đã khó, chị Dung còn không muốn sống thì khó hơn. Chúng tôi phải nhờ bác sĩ khoa tâm lý nói chuyện với chị ấy mỗi ngày. Song song đó phải hội chẩn liên khoa để tìm ra phương pháp tối ưu nhất nhằm cứu cả mẹ lẫn con”.
“Giờ tôi chỉ muốn về với con”
Theo bác sĩ Long, chị Dung bị ung thư toàn bộ dạ dày, xâm lấn trục hoành, gan, đại tràng, phải mổ gấp để cắt toàn bộ dạ dày. Tuy nhiên, bệnh của chị Dung được phát hiện đã quá trễ, nên việc phẫu thuật cũng chỉ để xác định ngăn biến chứng, tìm khối u, lấy mô ung thư hết mức có thể, sau đó hóa trị, xạ trị càng sớm càng tốt.
“Thực sự tôi cũng khá bối rối, không biết xử trí như thế nào, bệnh nhân chỉ có da và xương, cần được mổ xử lý ngay. Nhưng nếu như vậy thì sẽ phải chấm dứt thai kỳ, trong khi chỉ cần dưỡng thai thêm vài tuần thì em bé có thể được cứu sống”, bác sĩ Long nói thêm.
Sau nhiều cuộc hội chẩn, các bác sĩ đưa ra quyết định phải nuôi bé thêm 4 tuần. Song song đó là bổ sung dinh dưỡng để chị Dung có thể đáp ứng được phẫu thuật muộn trong thời gian tới.
Với sự kết hợp liên khoa Tâm lý, Phụ sản, khoa Ngoại tiêu hóa trong hơn một tháng, ngày 5/7 vừa qua, khi thai kỳ được 31 tuần, các bác sĩ khoa Phụ sản đã phẫu thuật bắt con để cứu đứa bé trước khi chị Dung bước vào kỳ đại phẫu thuật của mình.
Tiếng khóc của bé trai cân nặng 1,5 ký vang dậy phòng sinh, khiến chị Dung khao khát sống hơn bao giờ hết. Vừa thấy mặt con, chị Dung cũng phải buông tay để bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp tục nuôi dưỡng.
|
Nghe tiếng khóc của con, chị Dung đã cầu xin bác sĩ hãy cứu sống mình |
Tuy chỉ kịp nhìn mặt con một lần, chị Dung cũng đã thấy rất nhiều hy vọng sống, từ việc muốn kết thúc cuộc đời, người phụ nữ lần đầu tiên được làm mẹ đã cầm chặt tay bác sĩ phẫu thuật, cầu xin bác sĩ cứu lấy mình. Chị cố gắng nghỉ ngơi, cố gắng ăn uống để sớm được thực hiện phẫu thuật.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long ngạc nhiên trước sự mạnh mẽ của chị, chỉ trong thời gian ngắn sau khi phẫu thuật bắt con, chị Dung đã có thể lên bàn mổ lần hai không hề e sợ. Ca phẫu thuật cắt bỏ gần như toàn bộ dạ dày, nối thực quản với hỗng tràng cho chị thành công ngoài mong đợi.
Chỉ sau 5 ngày chị Dung đã khỏe lại, có thể nhận biết mùi vị, sinh hoạt bình thường. Sau 7 ngày, chị đã tự ăn uống được, chị lạc quan trở lại, chỉ trong tuần đầu, chị Dung tăng thêm 4 ký. Cả thể chất và tinh thần dần đáp ứng được cho giai đoạn xạ trị, hóa trị sắp tới.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản xúc động kể lại giây phút phẫu thuật bắt con cho chị Dung |
Để động viên chị Dung, bác sĩ ở hai bệnh viện cũng tạo điều kiện để chị sang bệnh viện Nhi đồng 2 thăm con của mình.
Chị Dung xúc động: “Ôm con trong tay thực sự rất hạnh phúc, tôi không còn biết gì về đau đớn, mệt mỏi. Tôi không muốn chết nữa, chỉ ráng ăn uống, nghỉ ngơi để sớm về với con”.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng: “Tình mẫu tử có tác dụng hơn hẳn những liều thuốc nào, từ khi chị Dung biết con mình đang dần khỏe mạnh, được chăm sóc tốt. Bé hiện cũng đã cai máy thở, tăng cân, tự bú sữa được nên đã động viên mẹ của mình rất nhiều.
Tuy chúng tôi chưa thể nói trước được gì về bệnh của chị Dung, nhưng tôi nghĩ rằng chị đang rất cố gắng để khỏi bệnh. Chúng tôi cũng sẽ có những cuộc hội chẩn, phương án điều trị tốt nhất để chị sớm trở về với con mình”.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo: "Không chỉ riêng về bệnh ung thư dạ dày, thai phụ cũng có thể mắc nhiều chứng bệnh ung thư khác. Không may những dấu hiệu lâm sàng xuất hiện cùng lúc với mang thai khiến nhiều người nghĩ mình bị hành thai, hay thay đổi nội tiết tố mà không đi khám.
Nếu như những biểu hiện này kéo dài, cơ thể thai phụ ngày càng bị ảnh hưởng thì phải đến ngay các bệnh viện có chuyên khoa để thăm khám, tầm soát bệnh. Vì thời gian kéo dài càng lâu thì việc điều trị càng khó khăn, kèm theo nhiều nguy cơ.
Khi phát hiện bệnh, thai phụ nên tuân theo những chỉ định của bác sĩ nhằm có phương án tốt nhất để cứu cả mẹ lẫn con. Thực tế có rất nhiều người khi nghe mình bệnh thì đã tự điều trị bằng phương pháp dân gian truyền miệng thì nguy cơ tử vong cả thai phụ và thai nhi rất lớn".
|
Phạm An