Nghĩ khác về giáo dục thường xuyên

22/11/2019 - 07:32

PNO - Bốn năm cùng hai đứa con lựa chọn hệ giáo dục thường xuyên để học tập, tôi vô cùng thấm thía nỗi kỳ thị không đáng có của xã hội về hệ học đầy tính nhân văn này.

Cha mẹ cùng là thạc sĩ chuyên ngành xã hội, hiểu biết không ít về tâm lý, giáo dục, thế nhưng khi đứa con trai đầu quyết định chọn hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), chúng tôi thắc thỏm không yên.

Lựa chọn của con, nỗi lo của cha mẹ

Lý do của Long - con trai tôi đơn giản là: “Hệ học ấy chỉ học bảy môn (toán, lý, hóa, sinh, văn, sử và địa lý), học trong một buổi, buổi còn lại học nghề. Tại sao ba mẹ hô hào xã hội cần cả thầy lẫn thợ, mà lại không yên lòng khi con lựa chọn làm thợ?”. Cuối cùng, với sự thuyết phục của con, chúng tôi quyết định chiều theo ý cháu, dù điểm tuyển sinh lớp Mười công lập của con vượt xa điểm chuẩn cả ba trường công lập gần nhà. 

Nghi khac ve giao duc thuong xuyen
Giáo dục thường xuyên không phải là hệ giáo dục khiếm khuyết như mọi người vẫn nghĩ

Trong những ngày tháng đưa đón con đi học ở Trường trung cấp nghề Tôn Đức Thắng, tôi bắt gặp nhiều phụ huynh giống hệt mình. Lân la hỏi chuyện, mới biết sự lựa chọn hệ học này của con không chỉ là nỗi lo, mà còn là… nỗi đau của nhiều người làm cha mẹ.

Mẹ của Tài (nhà ở Q.4, TP.HCM) bạn cùng lớp với con trai tôi nghẹn ngào: “Chị nó học giỏi, ra trường làm việc ngon lành, còn nó thi không nổi lớp Mười, đành phải vô đây học”. Còn mẹ của Thiện thì đau đáu: “Sau khi anh nó mất vì tai nạn giao thông, nó buồn, học hành sa sút, nên đây là lựa chọn cuối cùng…”. Hình như cả khối 10 niên khóa 2015-2016, không có đứa trẻ nào chọn GDTX vì muốn được học văn hóa nhẹ nhàng cùng với học nghề như con trai tôi.

Ngày họp phụ huynh, nhìn quanh, tôi thấy toàn những gương mặt đầy vẻ ngậm ngùi. Trong khi phụ huynh các lớp chuyên, lớp tuyển sôi nổi góp ý, đòi hỏi nhiều điều kiện học tập tối ưu cho con, thì ở đây, các ông bố bà mẹ chỉ lặng lẽ: “Đến nước này rồi… Thôi thầy cô ráng phụ tụi tôi coi nó, cho nó học…”.

Trầy trật khẳng định mình

Vô học được một tháng, con trai tôi hớn hở: “Học vầy sướng lắm mẹ. Sáng học văn hóa, chiều học các kỹ năng mềm giao tiếp, làm việc nhóm, học thể thao…”. Ngay khi các con vui học trong trường, thì ở sân chờ đón con, phụ huynh chúng tôi lại động viên nhau: “Thôi, nó chọn học vậy cũng ổn, cũng khôn, được Nhà nước trả phân nửa tiền học nghề, học phí GDTX lại chỉ hơn 100.000 đồng/tháng. Trường lại cấm tiệt việc biếu quà cho thầy cô dịp lễ tết, kể cả 20/11, nên tụi nhỏ được đối xử công bằng…”.

Đầu năm 2016, Long về than: “Chương trình nặng lên, con thấy hình như nhiều đứa theo không nổi hệ văn hóa rồi nha mẹ”. Thật vậy, cuối năm lớp Mười, lớp học xấp xỉ 50 học sinh đó, cuối cùng chỉ còn hơn 2/3. Các em lưu ban vì theo không nổi chương trình văn hóa hệ phổ thông. Tuy nhiên trong số đó, cũng có khoảng mười em trụ lại được với lớp nghề.

Ngày họp phụ huynh tháng 5/2016, anh Danh, một phụ huynh ở Q.Bình Thạnh buồn bã chia sẻ: “Thôi chị, tôi cho nó nghỉ văn hóa rồi, nó nói một chữ nó nuốt cũng không vô”. Được sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, anh chuyển con từ chuyên ngành thiết kế đồ họa sang lớp nghề quản lý, bán hàng.

Và anh Danh không phải là… “phụ huynh cá biệt”. Rất nhiều người phải quyết định cho con mình bỏ một trong hai thứ, hoặc là chỉ học nghề, hoặc là chỉ học văn hóa. Tôi hỏi Long, con nói: “Con theo được mẹ”. Lúc này cậu đang hào hứng với các thiết kế pa-nô, brochure…

Nghi khac ve giao duc thuong xuyen
Cần nghĩ khác về hệ giáo dục thường xuyên

Cuối năm học thứ hai (2016-2017), mẹ của Tài và Thiện kéo tay tôi khoe: “Trời, thấy nó ham học mà mê. Ngày nào cũng về vẽ, tốn biết bao giấy mực, tiền chi ra quá trời luôn”. Cha của Vy thì nói: “Tụi nó say nghề rồi, cũng gần ra trường rồi, mình ráng chút”.

Tháng 8/2018, con nhận giấy báo trúng tuyển đại học chuyên ngành ngoại ngữ, điểm đậu cũng nhờ môn tiếng Anh, môn học mà suốt ba năm phổ thông, con không một ngày được học ở trường. Tôi hỏi con vì sao có kết quả này, con nói: “Vì ba mẹ nhắc tiếng Anh quan trọng, con tự học suốt, có bỏ bữa nào đâu”.

Tôi vẫn cho con học hệ giáo dục này

Ngay khi Long học năm lớp Mười hệ GDTX, nhiều anh chị, bạn bè trong đó có nhiều vị là lãnh đạo đầu ngành, là nhà sư phạm, nhà giáo dục biết chuyện thốt lên: “Trời ơi, nó bị sao vậy?”. Có anh trách tôi: “Sao em để nó vào hệ học này, làm sao phát triển kỹ năng cho con toàn diện?”. Quả thật, tiêu chí giáo dục nước nhà là giáo dục nhằm phát triển toàn diện năng lực, lẫn tiềm năng của học sinh. 

Dù vô cùng hồi hộp, nhưng tôi cũng ráng bình tĩnh dõi theo hành trình của con: con tôi vẫn phát triển toàn diện đó thôi. Thể chất cao trên 170cm, biết chơi đàn, biết đánh trống, tiếng Anh giao tiếp tốt. Ở nhà, có thể làm mọi việc từ nấu cơm, rửa chén, lau nhà. Sống tình cảm, biết giúp đỡ mọi người... Tôi thấy ổn.

Chính vì thấy ổn nên năm 2018, ngay khi đối diện sự “bất ổn” lần thứ hai (cậu con trai kế không chịu học lớp Mười công lập mà chỉ muốn nối gót anh hai), tôi trở nên rất bình tĩnh, đồng ý ngay với chọn lựa của con: “Theo hệ GDXT để có thời gian chơi thể thao, âm nhạc và đầu tư cho tiếng Anh”.

Nghi khac ve giao duc thuong xuyen
Các em ở hệ giáo dục thường xuyên tham gia vệ sinh sân trường

Lần này để chọn trường cho con, tôi chạy khắp thành phố, tìm các trung tâm GDTX từ quận 12 đến quận 7. Chọn từng ngôi trường xem nơi nào phù hợp nhất với con. Tôi xót xa khi nhìn thấy nhiều trường lớp hệ học này cơ sở xập xệ, thiếu sự đầu tư.

Có nơi các em phải học ba ca. Cạnh các trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp này lại thường có nhiều quán net, cà phê, tụi nhỏ tụ tập, phì phèo thuốc lá… Cuối cùng sau hàng tháng trời tìm kiếm, tôi chọn một trung tâm GDTX trên địa bàn Q.1, gần câu lạc bộ thể thao, nhạc viện và trung tâm Anh ngữ để con tôi tiện di chuyển đến các lớp năng khiếu sau giờ học.

Một lần nữa tôi đối diện câu hỏi của mọi người: “Vì sao con đang học trường công lập quá tốt lại chuyển sang hệ “bổ túc”? Tôi kể mọi người nghe câu chuyện gần 20 năm đi học của tôi. Dù được học đủ kỹ năng, cuối cùng môn âm nhạc thì chỉ nhớ vài nốt đồ-rê-mi-pha-sol-la-si, còn không biết nó nằm ở đâu trên khuôn nhạc chứ đừng nói đến chuyện cầm cây đàn đệm cho bạn hát. Môn thể dục cái gì cũng học mà cái gì cũng như cưỡi ngựa xem hoa. Tiếng Anh thi điểm rất cao mà gặp người nước ngoài hỏi đường thì ngại ngùng không dám chỉ…

Tại sao tôi phải buộc con vào công lập để học suốt ngày đêm mà không đủ kiến thức, kỹ năng? Trong khi hiện tại dù học hệ nào bạn cũng phải thi tú tài cùng một đề? 

Các thầy cô ở lớp của con cho chúng tôi biết: vì hệ học GDTX có nhiều đối tượng học sinh đặc biệt (từ không hộ khẩu thành phố, gia cảnh khó khăn, vừa học vừa làm, cho đến các trẻ có bệnh tật, chậm tiếp thu…), cho nên việc truyền đạt kiến thức phải rất kiên trì.

Có học sinh một tháng bị gọi cha mẹ hai, ba lần để đưa đi cấp cứu bởi bệnh tim bẩm sinh. Có em dù xe hơi đưa đón mỗi ngày nhưng hai năm chưa xong được lớp Mười. Và cũng có rất nhiều em sáng vào lớp ngủ gục vì cả tối phải làm bồi bàn, hay chiều hôm trước đi phụ hồ, giúp việc nhà… Nhưng, các em đều không bỏ lớp. Và cũng không thầy cô nào vì vậy mà kỳ thị các em. 

GDTX không phải là hệ giáo dục đầy khiếm khuyết như mọi người vẫn nghĩ. Các chuyên đề về giáo dục quốc phòng, pháp luật, đạo đức đều được các trường đầu tư. Hơn nữa từ năm lớp Mười, hằng tuần, học sinh còn được tham gia lớp hướng nghiệp với các chuyên đề giới thiệu các ngành nghề trong xã hội, được học cách mơ ước và thể hiện ước mơ... Con còn được học nghề nhiếp ảnh, được tham gia các câu lạc bộ văn nghệ của trường khi con thích…  

Vậy đó, bốn năm đồng hành cùng con ở hệ GDTX cho tôi nhiều bài học. Cũng ngậm ngùi, cũng hồi hộp lẫn xót xa vì sự kỳ thị không đáng có của xã hội. Nếu đã lựa chọn cho con hệ học GDTX, bạn phải nghiêm túc, kiên trì cùng con, đừng bỏ mặc con, tôi tin chúng ta sẽ gặt kết quả tốt. Bằng chứng không chỉ là kết quả từ những đứa con của tôi đâu! 

Nguyễn Thụy Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI