Nghỉ hưu sớm: cần cân nhắc trách nhiệm với xã hội

01/10/2023 - 14:14

PNO - Nghỉ hưu sớm là quyết định mang tính cá nhân của người lao động. Tuy nhiên, theo giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân - thì đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng vì bên cạnh quyền và trách nhiệm của cá nhân, mỗi người còn mang theo mình trách nhiệm với xã hội.

 

 

Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long
Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long

“Tự do ở tuổi 50" dễ hay khó? 

Phóng viên: Ngày càng có nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật chia sẻ về việc nghỉ hưu trước tuổi. Theo ông, đó có phải là một xu hướng mới của Việt Nam trong những năm gần đây?

Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long: Vừa qua, tôi có tham gia với vai trò trưởng nhóm một cuộc khảo sát quốc gia, đối tượng là người lao động trong độ tuổi 30 đến 44. Khảo sát này do Viện Nghiên cứu y - xã hội học (ISMS) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Với thông tin từ khảo sát này, chúng tôi đưa ra chủ đề “Tự do ở tuổi 50” để bàn luận, trong đó có việc chuẩn bị cho các kế hoạch tự do về tài chính, xã hội… của người lao động ở độ tuổi “toan về già”.

Kết quả cuộc khảo sát này cho thấy hầu hết những người trẻ đều chưa thực sự có kế hoạch cho tuổi già nhưng tuổi càng lớn hơn, đặc biệt nhóm sau tuổi 40, càng có nhiều dự định hơn.

Tuy vậy, số người cho hay muốn nghỉ hưu sớm không nhiều. Đặc biệt, về việc chuẩn bị tâm thế cho tuổi già, thang điểm thể hiện chưa cao, chỉ từ 5,7-6 điểm (trên thang điểm 10). Nguyên nhân là hầu hết người tham gia khảo sát còn rất nhiều mối quan tâm trước mắt như ổn định công việc của bản thân, lo lắng cho con cái học hành…

Tôi cho rằng mong muốn nghỉ hưu sớm hiện nay cũng chỉ có ở một bộ phận nhỏ và chủ yếu xuất phát từ quan điểm và điều kiện của từng cá nhân. Hầu hết người lao động muốn nghỉ hưu sớm là khi họ đã tự chủ về mặt tài chính, có các khoản dự phòng nhất định để lo cho tương lai sau này. Xu hướng nghỉ hưu sớm cũng có ở nhiều quốc gia nhưng nhìn dưới góc độ nhân khẩu học, kinh tế và sự bền vững của quỹ hưu trí, việc này không được khuyến khích.

* Ông có thể nói rõ hơn vì sao nghỉ hưu sớm lại không được khuyến khích? Không phải khi có kế hoạch, điều kiện để nghỉ việc sớm thì người lao động có thể tận hưởng cuộc sống chất lượng hơn khi về già hay sao?

- Thực tế lại không phải như vậy. Với hệ thống dữ liệu đầy đủ, các nước tham gia vào Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã chứng minh phần lớn những người nghỉ hưu sớm, đặc biệt là những người rút bảo hiểm xã hội 1 lần, trở thành người cao tuổi có thu nhập thấp và sức khỏe không tốt.

Các báo cáo chỉ ra rằng họ xin nghỉ hưu sớm hoặc rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng kiến thức, kỹ năng đầu tư tài chính để tạo ra các khoản tiền “ra tấm ra món” lại ít. Tuổi già ập tới, họ mất đi khả năng lao động, sức khỏe đi xuống nhanh.

Đặc biệt, trong bối cảnh ở các nước mà cha mẹ và con cái khá độc lập về tài chính, quy mô hộ gia đình nhỏ, những người cao tuổi ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các con. Lúc đó, họ phải duy trì cuộc sống bằng cách nhận trợ cấp của Chính phủ với những đồng tiền ít ỏi hơn nhiều so với lương hưu.

Để nghỉ hưu sớm, thanh niên một số nước lên kế hoạch từ lúc còn trẻ (Ảnh minh họa)
Để nghỉ hưu sớm, thanh niên một số nước lên kế hoạch từ lúc còn trẻ (Ảnh minh họa)

Không có tuổi nghỉ hưu nào là "hoàn hảo" 

* Với Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Ở Việt Nam cũng đã xảy ra tình huống này. Trước đây, có nhiều người nghỉ hưu sớm, xin lãnh lương “một cục” hiện đang rất khó khăn vì đồng tiền trượt giá, không có lưới an sinh để hỗ trợ lúc ốm đau, bệnh tật cũng như trang trải cuộc sống về già. 

Ai cũng muốn tự do ở độ tuổi này kia nhưng không ai có thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ không gặp rủi ro trong tương lai. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều là lưới an sinh xã hội để đảm bảo cuộc sống cho mỗi người, đặc biệt khi về già với khả năng tạo thu nhập giảm và sức khỏe kém đi.

Thực tế cho thấy, trong cú sốc đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người từ kinh doanh, làm ăn phát đạt bỗng nhiên trở nên trắng tay, nợ nần. Quyết định nghỉ hưu sớm vì thế cũng thực sự cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhìn ở phương diện cá nhân, xác định tuổi nghỉ hưu là do bản thân mình. Nhiều người có điều kiện, 40 tuổi đã có thể hoàn thành các mục tiêu lớn, có tiền tiết kiệm đủ để trang trải tuổi già. Tuy nhiên, người lao động cũng đóng vai trò là một nhân tố trong hệ thống bảo hiểm. Khi đi làm, mình là người đóng góp, trong khi về hưu thì mình là người hưởng lợi.

Một mặt, cá nhân luôn cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình nhưng mặt khác, với vai trò này, mỗi người còn có trách nhiệm xã hội là tham gia hệ thống để chia sẻ rủi ro. 

Xu hướng nghỉ hưu sớm đang được nhiều người quan tâm - Ảnh minh họa: Pexels
Xu hướng nghỉ hưu sớm đang được nhiều người quan tâm - Ảnh minh họa: Pexels

* Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, với quy định tuổi nghỉ hưu mới như hiện nay (điều chỉnh từ 55 tuổi lên 60 tuổi với nữ vào năm 2035 và từ 60 tuổi lên 62 tuổi với nam vào năm 2028), người lao động lo lắng khó có thể hoàn thành tốt công việc. Đó là lý do họ chấp nhận hưởng mức lương hưu thấp hơn để có thể nghỉ sớm? Ông nghĩ sao về điều này?

- Không riêng Việt Nam, việc điều chỉnh tuổi hưu tăng lên là xu hướng của các nước trên thế giới trong bối cảnh tuổi thọ của người dân tăng lên và tốc độ già hóa dân số gia tăng. Các nghiên cứu chỉ ra, những người làm việc ở khu vực lao động chính thức, tham gia hệ thống bảo hiểm có tuổi thọ bình quân cao hơn so với mức trung bình dân số. Việc điều chỉnh tuổi hưu sẽ điều chỉnh gần hơn số thời gian đóng và hưởng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, ở các quốc gia có dân số già hóa, lực lượng lao động khan hiếm, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là điều cần thiết để đảm bảo duy trì lực lượng lao động.

Việt Nam là nước mới có thu nhập ở mức trung bình nhưng tốc độ già hóa rất nhanh. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Do đó, việc điều chỉnh tuổi hưu là chính sách tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta tăng tuổi hưu không đột ngột mà tăng dần theo lộ trình để “giảm sốc” cho người lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nam giới đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Tôi cho rằng để giúp người lao động yên tâm hơn về vấn đề này, trong quá trình tăng tuổi hưu, cần có các chính sách gắn liền để tạo ra môi trường làm việc tốt cho người lao động cao tuổi. Ví dụ ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ đồng loạt triển khai nhiều chính sách, trong đó có việc chống phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc hoặc áp dụng các chính sách giảm hay miễn thuế có thời hạn với doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi.

Nhiều người lao động cao tuổi có thể bị cô lập trong môi trường làm việc có nhiều người trẻ năng động, từ đó tạo áp lực tâm lý lớn, không mang lại hiệu quả lao động.

Và hơn hết, như tôi đã chia sẻ, không có tuổi nghỉ hưu nào là “hoàn hảo” bởi phụ thuộc đặc trưng, điều kiện của từng cá nhân trong môi trường sống và làm việc cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải xác định hài hòa giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội, tiếp tục lao động để cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Huyền Anh (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI