Nghỉ hưu chứ trách nhiệm với xã hội không "hưu"

15/07/2016 - 07:21

PNO - Trong căn phòng rộng chỉ quá 3m2, đêm nào dì Nguyễn Thị Hồng Đăng (ngụ P.Bến Nghé, Q.1) cũng kê chiếc ghế nhỏ làm bàn cặm cụi ngồi ghi chép.

Sau một ngày, dì luôn thống kê lại việc hôm nay thực hiện và việc ngày mai sẽ phải làm. Ngó qua, thấy việc nào cũng chẳng dính chút “riêng tư” của dì. Ở tuổi 82, dì Đăng nói còn cống hiến, đóng góp cho xã hội ngày nào là còn vui, thấy mình còn hữu ích.

Dì Đăng sinh trưởng trong gia đình cách mạng (cha dì là ông Nguyễn Văn Cái - từng giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Bến Tre; đại biểu Quốc hội khóa I...). Tham gia công tác cách mạng, dì Đăng trở thành giao liên bí mật Ban Thanh vận Thành ủy Sài Gòn, 16 tuổi đã vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Tập kết ra Bắc, dì Đăng làm ở Văn phòng Trung ương Đảng.

Nghi huu chu trach nhiem voi xa hoi khong
Dì luôn thống kê lại việc hôm nay thực hiện và việc ngày mai phải làm

Sau ngày Sài Gòn được giải phóng, dì vào lại miền Nam tham gia Ban Quân quản, làm công tác ngoại vụ ở T78, rồi chuyển sang làm Trưởng đài Thư tín quốc ngoại, Trưởng đài phát tín hiệu quốc ngoại rồi Phó giám đốc Công ty dịch vụ Bưu điện TP.HCM. Vị trí nào dì cũng gặt hái nhiều thành công, nhưng dì Đăng bảo, nhớ nhất là ba năm làm cơ yếu viên cho ngành cơ yếu Việt Nam.

Nghỉ hưu năm 1988, dì Đăng vẫn tâm niệm “tuổi hưu chứ trách nhiệm, nghĩa vụ với xã hội không… hưu”, “thời nào công việc đó, tuổi nào đóng góp đó”. Thế nên, dì lập tức đến với Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. Mỗi ngày, bà con ở KP.3, P.Bến Nghé đều thấy dì tất bật đi về với các cuộc họp rồi lại quày quả đến từng nhà dân hỏi thăm, vận động, tuyên truyền các chính sách, chủ trương.

Dì Đăng bảo, động lực để dì không ngừng làm việc, không từ bỏ mong muốn giúp xã hội giàu đẹp hơn, dù - như dì nói - việc làm của mình vẫn không “thấm” vào đâu, chỉ như hạt cát trên sa mạc - chính là những nụ cười của “nhân vật” được dì giúp đỡ, thấy cuộc sống của họ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Nhiều người biết dì Đăng rất say mê cống hiến, hăng làm việc thiện nhưng không mấy ai biết dì có cuộc sống khó khăn, từng trải qua đau buồn từ cuộc hôn nhân thất bại và đối mặt mất mát khi con gái qua đời do bệnh ung thư. Thậm chí để xoay xở, giải quyết những bước ngoặt khó khăn của gia đình, dì đành bán căn hộ đang ở để sau đó phải sống trong một căn phòng chật hẹp, che chắn từ mái hiên tòa chung cư cũ.

Mấy ngày qua, thời tiết chuyển mùa khiến cơ khớp đau nhức, nhiều căn bệnh tuổi già hoành hành song dì Đăng vẫn không ngại một mình leo xe buýt đi về các quận, huyện để xác minh nhiều trường hợp xin cấp nhà tình thương hay hỗ trợ vay vốn. Sau đó lặng lẽ lên kế hoạch vận động giúp đỡ bằng những bài viết, bản báo cáo chi tiết để “nhân vật” của mình được tiếp cận nguồn vốn, có điều kiện thoát nghèo.

Đến khu phố của dì, gặp ai, hỏi về dì Đăng sẽ đều nghe… “mách” lại: “Đó là người mà ổ bánh mì không dám ăn vì muốn dành tiền giúp đỡ cho người khác, dì rất ham công tiếc việc mà không nghĩ đến bản thân mình”. Người ta còn nói rằng với dì Đăng, một ngày không làm gì cho cộng đồng thì ngày ấy, thấy dì buồn!

Yên Nhạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI