Phòng ngừa dịch COVID-19, học sinh được nghỉ học dài ngày. Trong thời gian các con ở nhà, đối với lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, cha mẹ, ông bà thường nghĩ phải dành nhiều thời gian, tâm sức cho con mà ít ai nhận ra rằng, mình đang có được cơ hội cho những trải nghiệm quý giá, đặc biệt là cảm giác hạnh phúc mà các con mang lại.
Cảm giác đó khiến mình như trẻ ra, khiến mình hăm hở khám phá, kiếm tìm từ những trò chơi lý thú của chúng.
Tôi có đứa cháu đang học lớp Một. Cháu vừa biết đọc biết viết. Thời gian nghỉ tránh dịch, cháu chủ yếu ở nhà, ăn uống, ngủ nghỉ và chơi trong không gian một căn hộ chung cư. Cha mẹ cháu phải đi làm suốt ngày.
Ông bà lại không ở cùng nhà, chỉ thỉnh thoảng sang với cháu một buổi… Nhân dịp được nghỉ học, dì sang ở cùng cháu. Tuy nhiên, dì có công việc của dì, nên không phải lúc nào cũng có thể chơi với cháu.
Do biết cả nhà đều bận bịu, nên cháu tự chơi một mình, không dám làm phiền ai. Cháu nghĩ ra nhiều trò chơi trong một thế giới tưởng tượng cùng các bạn búp bê của mình. Cháu thích nhất là kể chuyện cho những bạn ngựa Pony nghe. Nhưng chơi với búp bê mãi cũng chán, nên khi thấy cháu không còn hào hứng nữa, tôi - bà ngoại cháu đã bày “trò chơi“ viết thư cho nhau.
Vậy là cứ hai ba ngày, cháu tôi - một học sinh mới học hết học kỳ I của lớp Một, tức là vừa mới biết đọc, biết viết, đã biết biên thư gửi bà ngoại, tuy chữ viết còn nguệch ngoạc, chưa ngay hàng thẳng lối.
Cháu thoải mái viết những ý nghĩ hồn nhiên ra giấy, rồi trang trí chúng bằng nhiều hình vẽ đáng yêu.
Những lá thư ban đầu chỉ vỏn vẹn vài dòng, chẳng hạn: “Bà ngoại ơi! Hôm nay con thức sớm hơn một tý nhưng cũng muộn hơn ông mặt trời. Nhìn ra cửa sổ, con thấy ông mặt trời đã leo lên tòa nhà trước mặt”, hay “Bà ngoại ơi! Bà ngoại thức dậy lúc mấy giờ? Bà ngoại có uống cà phê và có tưới cây không?”.
Rồi dần dần, thư cháu đã bắt đầu có nhiều từ, nhiều ý hơn: “Bà ngoại ơi! Hôm nay con ăn sáng món ngũ cốc đó, bà ngoại! Sáng nay bà ngoại ăn món gì? Hôm qua dì với con nướng bánh mì bơ tỏi. Chừng nào sang nhà con, con nướng cho bà ngoại ăn”.
Cháu cũng mạnh dạn khoe những việc mình làm được: “Bà ngoại ơi, hôm nay con vẽ được bức tranh. Mai mốt được đi học vẽ, con sẽ vẽ những bức tranh thật đẹp. Con cho bức tranh vào phong bì gởi tặng bà ngoại nè!
Tái bút: Con đố ngoại biết con vẽ ai trong tranh. Bà ngoại đoán xem con vẽ cảnh này ở đâu?”.
|
Ảnh minh họa |
Những lá thư tiếp theo, cháu đã chịu bày tỏ tâm trạng và hỏi bà nhiều câu hỏi hơn: “Con vừa ăn sáng xong. Con còn uống hết một ly cam vắt nữa. Rồi con ra cửa tiễn mẹ. Mẹ hôn và ôm con trước khi mẹ đi làm.
Hồi mẹ con còn nhỏ như con, bà ngoại có ôm mẹ con như mẹ con ôm con không?”; “Bà ngoại ơi! Lúc lấy giấy và viết ra chuẩn bị viết thư cho bà ngoại thì con nghe tiếng chim hót ở ngoài hành lang. Con đứng dậy và chạy ra chỗ có tiếng chim. Vừa thấy con, hai con chim vội bay vút đi. Ngoại ơi, sao hai chim đó lại bay khi con tới gần? Sao chúng nó không muốn làm bạn với con?…”.
Và cháu cũng cho bà biết mong muốn của mình: “Bà ngoại ơi! Con muốn đi học để được chơi với bạn. Con cũng muốn ra công viên chơi nữa. Khi nào hết dịch bệnh mình đi ngắm cảnh thiên nhiên, nha bà ngoại!”.
Nhận được thư cháu, đọc những điều cháu viết với nét chữ còn nguệch ngoạc, những hình vẽ đơn sơ mà lóng lánh tươi vui, tôi lâng lâng xúc động. Và tôi thường ngồi im, nhìn ngắm bì thư và chữ viết của cháu thật lâu, rồi mới bắt đầu viết thư trả lời.
Thư bà viết cũng nắn nót từng nét chữ, nên bà thường viết rất chậm. Không chỉ viết bằng lời lẽ, bằng xúc cảm, bà còn phải biết tiết chế cảm xúc, viết ngắn gọn và chọn lọc từ ngữ sao cho cháu thật dễ hiểu.
Những lá thư như những lời tâm tình, như một trò chơi bổ ích và ý nghĩa. Cũng có những câu hỏi của cháu khiến bà phải… vắt óc tìm hiểu, phải cập nhật kiến thức, phải đọc và phải học. Những lá thư của cháu giúp bà nhận ra việc phải học suốt cả cuộc đời với một tầng nấc mới, ý nghĩa mới, là điều không bao giờ thừa.
Bà phải lần tìm những hình ảnh lung linh từ ký ức, từ gia đình, cha mẹ, ông bà, từ trường lớp, từ vạt nắng, từ mảnh vườn, từ tiếng gà, tiếng chim, tiếng côn trùng… Và từ con đò đã chở mình đi qua tuổi thơ.
Quan trọng hơn, tôi nhận ra mình phải dành nhiều thời gian hơn, nỗ lực nhiều hơn và biết sống chậm hơn, để cảm xúc và yêu thương cũng phải lắng đọng, mới có thể “làm bà” và “làm bạn” với đứa cháu nhỏ yêu thương của mình.
Bích Ngân