Nghỉ học, dành cả tuổi xuân nuôi các em ăn học thành tài, già bị hắt hủi, chẳng ai quan tâm

07/11/2017 - 16:35

PNO - Sau khi tính toán kĩ lưỡng, mấy cô em dâu đưa về 6 triệu, nói phần còn lại nếu tôi thiếu có thể viết giấy nợ để chúng nó cho vay không lấy lãi.

Gia đình tôi có 4 chị em, tôi là con đầu, sau tôi có 3 đứa em trai. Ba tôi làm nghề rà phá phế liệu còn mẹ buôn bán cá ở chợ. Năm tôi học lớp 9, ba đột ngột mất trong một tai nạn bom mìn. Mẹ gạt nước mắt để nuôi con nhưng hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn. Lúc mẹ muốn tôi nghỉ học để phụ mẹ nuôi em, tôi đã khóc hết nước mắt.

Nghi hoc, danh ca tuoi xuan nuoi cac em an hoc thanh tai, gia bi hat hui, chang ai quan tam
Ảnh minh họa

Nhưng nếu không nghỉ, tôi cũng không có tiền để đi học còn các em sẽ bị thiếu ăn thiếu mặc. Hồi đó, tôi học giỏi, đạt giải nhất môn Sinh của tỉnh và luôn mơ ước trở thành bác sĩ. Đành gác lại sách vở, tôi theo mẹ ra chợ buôn bán. Được khoảng hai năm, mẹ tôi bị đau cột sống nặng, không đi lại được nên chỉ mình tôi bươn chải.

Để có tiền nuôi sống cả nhà, tôi phải tìm đến tận bãi để lấy cá về bán, vừa tươi vừa rẻ nên khách đông. Cọc cạch trên chiếc xe đạp, tôi ngược chiều gió đạp xe mỗi ngày hơn 30 km để lấy hàng. Ngoài việc buôn bán, tôi không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc gì miễn là có tiền.

Niềm vui duy nhất của tôi là các em trai đều học giỏi, lần lượt thi đỗ vào các trường đại học lớn ở Hà Nội. Các em nối tiếp nhau đi học làm gánh nặng trên vai tôi càng lớn thêm. Nhưng tôi cố gắng chịu đựng, chỉ mong các em ăn học thành tài. Có những lúc nhà không có gạo ăn, phải vay mượn khắp nơi để có tiền gửi cho em. Mẹ tôi không giúp được gì vì bà không có sức khỏe.

Vì phải lo cho gia đình, tuổi thanh xuân của tôi trôi qua lặng lẽ, những người theo đuổi dần dần bỏ cuộc. Khi đứa em út tốt nghiệp đại học, tôi đã gần 40 tuổi. Ý định có một mái ấm gia đình của tôi bị bỏ ngỏ. Ba em trai đều trở thành kĩ sư, bác sĩ, doanh nhân từ gánh hàng cá của tôi.

Nghi hoc, danh ca tuoi xuan nuoi cac em an hoc thanh tai, gia bi hat hui, chang ai quan tam
Các em đều thành đạt. Ảnh minh họa

Các em ra trường, đi làm và lập gia đình ở Hà Nội. Tôi và mẹ sống ở quê, thỉnh thoảng các em mới về thăm. Mỗi lần về, các em có biếu mẹ một ít tiền và mua quà cho tôi lúc cái áo, cái khăn. Nhưng quả thực, tuổi tôi đã lớn, sức khỏe giảm sút nên thu nhập không nhiều, cuộc sống khó khăn. Tôi vẫn là người nuôi mẹ chính chứ không phải các em trai. Tôi nghĩ cũng buồn lòng nhưng không có ý định đòi hỏi các em phải trả ơn.

 Đợt lũ vừa rồi, ngôi nhà đang ở bị hư hại nặng, tôi không có tiền để sửa nên có nhờ các em phụ giúp. Dù ở thành phố, đứa nào cũng có nhà lầu, xe hơi nhưng góp mấy chục triệu sửa nhà rất khó khăn. Mấy em tính toán, sau khi mẹ mất, nhà này cũng là của tôi nên tôi bỏ tiền ra sửa mới đúng.

Tiền tôi kiếm được chỉ đủ ba bữa cơm, từ trước đến giờ tôi không dành dụm được đồng nào vì phải nuôi mẹ và các em. Sau khi tính toán kĩ lưỡng, mấy cô em dâu đưa về 6 triệu, nói phần còn lại nếu tôi thiếu có thể viết giấy nợ để chúng nó cho vay không lấy lãi. Tính chi phí sửa nhà khoảng hơn 30 triệu, tôi chỉ có 4 triệu nên còn thiếu 20 triệu. Dù thấy đau đớn trong lòng, số tiền tôi nuôi chúng nó khôn lớn chắc phải gấp nhiều lần mà giờ đây, tôi phải viết giấy nợ.

Nghi hoc, danh ca tuoi xuan nuoi cac em an hoc thanh tai, gia bi hat hui, chang ai quan tam
Số tiền tôi vay không biết bao giờ mới trả được. Ảnh minh họa

Nếu không vì lo cho các em, chắc giờ này tôi cũng nghề nghiệp ổn định và gia đình riêng của mình. Nghĩ đến những ngày tháng sắp đến, tôi ớn lạnh. Mẹ tôi tuổi đã cao, bà ra đi thì chỉ còn một mình tôi lủi thủi không con không cái. Các em đều lo cho cuộc sống của bản thân, không thèm đoái hoài. Số tiền 20 triệu tôi vay chẳng biết lúc nào mới trả được bởi mấy tháng nay tôi mệt mỏi không chạy chợ được.

Trần Thị Lý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI