PNO - Cũng như nhiều tỉnh miền Trung khác, ở tỉnh Nghệ An, khi đi làm ăn xa, nhiều cha mẹ trẻ phải gửi con lại quê nhà cho ông bà chăm sóc. Nghỉ hè, các em được cha mẹ gọi điện nhờ nhà xe đón vào Nam chơi để gia đình nhỏ được đoàn tụ.
Rạng sáng, Lầu Mến Thương - 8 tuổi, quê ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cùng em gái 7 tuổi là Lầu Y Xia được ông nội chở ra bến xe huyện Kỳ Sơn khi cả 2 còn đang ngái ngủ.
Nhận lời đưa trẻ nhỏ vào Nam gặp cha mẹ, chị Hà Thị Hạnh - chủ xe khách - chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ cho từng hành khách nhỏ tuổi - Ảnh: Phan Ngọc
Từ tỉnh Bình Phước, cha của Thương gọi điện thoại, dặn dò: “Con lo cho em nha. Mai vô tới đây, cả nhà mình đi chơi một bữa”. Thương hối thúc em ăn vội chiếc bánh mì để kịp lên xe khách đi vào tỉnh Bình Phước gặp cha mẹ. Cuộc hành trình vượt hơn 1.000km này chỉ có 2 chị em, không có thân nhân lớn tuổi. Mọi thứ từ lộ trình, tiền ăn uống của chị em Thương đã được cha Thương thỏa thuận với nhà xe từ trước qua điện thoại. Trên chuyến xe này, ngoài chị em Thương, còn có khoảng chục đứa trẻ khác, thậm chí có em còn nhỏ hơn chị em Thương và Xia, cũng đi một mình. Có trẻ đi với anh chị em trong gia đình nhưng cũng có trẻ mới 3-4 tuổi đã “tay xách nách mang” ít đặc sản quê nhà rồi chào tạm biệt người thân, lên xe đi một mình.
Những chuyến xe chở các hành khách đặc biệt này không còn xa lạ với người dân các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An vào dịp nghỉ hè. Mùa hè, học sinh ở các đô thị lớn thường được cha mẹ gửi về thăm ông bà, chơi hè ở quê thì ngược lại, nhiều học sinh ở các vùng quê quanh năm ở quê cùng ông bà, đến hè lại “di cư ngược” vào Nam để đoàn tụ với cha mẹ.
Phải một mình trải qua chặng đường dài vất vả nhưng khuôn mặt em nào cũng lộ rõ sự háo hức bởi chúng được đi xa, được đoàn tụ với cha mẹ sau thời gian dài xa cách. Trẻ con làm quen nhanh nên chỉ một lát là chúng bắt chuyện rôm rả với nhau. Giản Thị Huyền Trâm - 6 tuổi, ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - hỏi bạn nằm ở giường kế bên: “Mai cha mẹ mình nghỉ làm để ra đón mình rồi chở đi chơi luôn. Còn bạn thì ai đón?”. Lần thứ hai độc hành vào Nam thăm cha mẹ, Trâm tỏ ra khá lanh lợi, không còn rụt rè, khóc nhè như lần trước.
Cha mẹ của Trâm vào tỉnh Bình Dương làm công nhân từ 10 năm trước. Do làm theo ca, kíp, họ không thể đưa đón con đi học, đành gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc, mỗi năm chỉ tranh thủ về với con ít ngày vào dịp tết. Chị Phan Thị Thúy - mẹ của Trâm - tâm sự: “Mỗi năm, vợ chồng tôi chỉ về quê vào dịp tết nhưng được vài bữa lại phải vô Nam nên nhớ con lắm. Nghỉ hè, con được nghỉ học, chúng tôi cũng ít việc nên đặt xe cho cháu vô đây chơi, bù đắp lại những thiếu thốn tình cảm thời gian qua”.
Chị Thúy tin tưởng hoàn toàn vào nhà xe khi gửi con đi xa cả ngàn cây số một mình. Nhiều phụ huynh khác cũng vậy. Anh Lầu Bá Cu - ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - nói: “Nhớ con dữ lắm, mà mắc việc nên đành chịu. Mấy năm nay, khi biết có nhà xe uy tín chuyên nhận chở trẻ nhỏ vô Nam, chúng tôi mới gửi con cho họ đưa vô đây chơi hè”.
Trên đường đi, thỉnh thoảng, anh Cu được chủ nhà xe kết nối để trò chuyện với 2 cô con gái qua điện thoại. “Em có mệt, có say xe không con?” - anh Cu hỏi thăm con gái đầu 8 tuổi rồi căn dặn nếu cần gì thì cứ nhờ nhà xe giúp đỡ, gắng ngủ một giấc rồi mai cha con gặp nhau.
Sau 30 giờ chờ con, anh Cu cười tươi rói, ôm 2 cô con gái ở điểm hẹn trả khách theo thỏa thuận. Vẻ mệt mỏi của 2 bé gái sau chặng đường dài như tan biến trong vòng tay cha. Thấy xe chuẩn bị chạy, anh Cu vội lấy con gà treo ở xe máy tặng cho nhà xe để cảm ơn, hẹn hết hè lại nhờ chở các con về Nghệ An với ông bà.
Chủ xe trở thành bảo mẫu
Sau hơn 4 giờ, chiếc xe khách chạy tuyến huyện Kỳ Sơn - TPHCM chở hơn 30 trẻ nhỏ rời quê dừng chân ở một nhà hàng trên tuyến đường tránh TP Vinh để trẻ nghỉ trưa, ăn cơm. Xe dừng bánh, các em được phân thành từng nhóm nhỏ đi vệ sinh, rửa tay chân rồi ngồi vào bàn ăn.
Một người cha ôm lấy các con khi các con vừa trải qua chuyến hành trình cả ngàn cây số - Ảnh: Phan Ngọc
Chị Hà Thị Hạnh - chủ nhà xe - dịu dàng nói: “Các con ăn nhiều vào, chưa no thì nói bác gọi thêm cơm nha. Ăn cơm không mất tiền đâu”. Chị vừa cười, vừa giúp bọn trẻ buộc lại mái tóc rối, vừa nhẩm đếm xem có thiếu bé nào không.
Theo chị Hạnh, 7 năm nay, từ khi nhà xe của chị đi vào hoạt động, cứ đến hè, chị lại nhận chở những vị khách nhí này. Những năm đầu, trẻ thường được ông bà hoặc người thân đi cùng nhưng rồi ông bà chúng đã cao tuổi, đi xa vất vả lại tốn kém nên họ “ký gửi” con trẻ cho nhà xe. Chị Hạnh kể: “Lúc đầu, nghĩ thương mấy ông bà lớn tuổi nên chúng tôi nhận đưa giúp vài cháu thôi. Dần dần, nhiều người biết đến, gửi trẻ nhỏ theo xe ngày một nhiều”.
Ngày thường, xe chỉ có vợ chồng chị và 1 tài xế nhưng dịp hè, chị phải thuê thêm 3 người nữa để phụ quản lý, chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là mỗi khi dừng xe để ăn cơm hay đi vệ sinh.
“Bác Hạnh ơi, em cháu đái ướt quần rồi”. “Bác ơi, chị cháu nôn trong chăn rồi. Cha cháu nói 800k là bao ăn bao nôn rồi”. Tiếng trẻ trên xe liên tục gọi khiến chị Hạnh cười ra nước mắt. Chị kể, chuyện này diễn ra thường xuyên. Từ làm phụ xe cho chồng, dịp hè, chị trở thành bảo mẫu trên xe. Để hỗ trợ bọn trẻ, chị tuyển phụ xe với yêu cầu “yêu trẻ nhỏ, sẵn sàng lau dọn, làm vệ sinh khi trẻ ị ra quần”.
Trên hành trình kéo dài 2-3 ngày này, nhiều trẻ háo hức, vui vẻ nhưng cũng không ít trẻ 3-4 tuổi khóc nhè. Những lúc này, các phụ xe phải thay phiên nhau gọi video để trẻ nói chuyện với cha mẹ, phần để đỡ nhớ, phần để phụ huynh yên tâm về hành trình của con.
Trước mỗi chuyến hành trình, chị Hạnh thường mua sữa, bánh kẹo, bỉm để phát cho các em nhỏ. Với các trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chị không lấy tiền vé mà còn cho thêm tiền để mua quần áo mới; với những trẻ được giấy khen, chị tặng 100.000 đồng để khích lệ.
Thêm nhiều vất vả, lại phải chi thêm đủ thứ, nhưng chị Hạnh nói: “Thương lắm. Mà mình chưa đủ điều kiện để miễn phí hoàn toàn cho các cháu. Thế nên, cứ giúp được gì thì giúp thôi. Vui nhất là khi thấy các cháu gặp lại cha mẹ, nhiều cháu khóc nức nở khiến mình cũng vui lây”.
Anh Phan Bá Anh - tài xế một nhà xe chạy tuyến huyện Kỳ Sơn - bến xe Miền Đông (TPHCM) - cho biết, điều mà nhà xe ngán nhất khi chở toàn khách nhí là các cháu nôn, đái dầm, ị đùn ra chăn. Nhà xe không chỉ mất thêm thời gian dừng xe để dọn dẹp mà còn tốn thêm chi phí giặt chăn, lau dọn xe, khử mùi hôi.
Anh nói thêm: “Các cháu đang tuổi chơi, nhiều lúc hiếu động, không nằm im một chỗ nên nhà xe phải quản lý chặt. Trên hành trình đi, tôi cũng phải luôn giữ tốc độ đều, chậm rãi để vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp trẻ đỡ say xe”.
Ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết, việc học sinh nhỏ tuổi đi xe khách hàng ngàn cây số thăm cha mẹ mà không có người thân đi cùng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phòng đã đề nghị cán bộ ở các xã yêu cầu phụ huynh cử người đi cùng các cháu nhưng việc này hơi khó thực hiện do các gia đình cũng bất đắc dĩ mới để con cháu nhỏ đi một mình. Không còn cách nào khác, chúng tôi phối hợp với công an huyện, UBND các xã hỗ trợ sữa, nước uống, bánh kẹo cho các cháu, lập danh sách trẻ, yêu cầu các nhà xe đảm bảo an toàn cho trẻ trong suốt hành trình.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.