Nghỉ hè + COVID-19: Nguy cơ kép với trẻ

25/05/2021 - 05:41

PNO - Những gia đình tam đại đồng đường, hoặc có nhà ông bà, họ hàng thân thiết ở gần nhau, cùng chung cư thì áp lực của việc gửi con vào mùa hè - mùa dịch nhẹ nhàng hơn.

Hằng năm, vào mùa nghỉ hè, nguy cơ mất an toàn cho trẻ vốn đã cao hơn các mùa khác, năm nay nghỉ hè cộng với nghỉ dịch khiến nhiều gia đình bị động trong sắp xếp công việc và trông con.

Trẻ ở nhà cũng không an toàn

Dịch tới, nhiều phụ huynh phải đi làm rối bời, tiến thoái lưỡng nan. Tìm người giúp việc không dễ, chưa kể nhiều gia đình eo hẹp tài chính, không thể thuê mướn người hay gửi con cho nhóm trông trẻ.

Nhờ ông bà từ quê vào chăm cháu thì chưa hẳn khả thi, việc đi lại cũng ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vì một số nơi áp dụng lệnh phong tỏa. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cha mẹ đi làm không thể mang theo con vào công sở, công ty vì nhân viên vào làm phải đo thân nhiệt, quẹt thẻ, soi dấu vân tay…

Trẻ, nhất là trẻ mầm non, trẻ cấp I, không thể ngồi im suốt buổi mà chạy tới lui, ồn ào, chưa kể tò mò khám phá máy móc, thiết bị ở công ty có thể bị sự cố nếu không ai coi ngó. Cha mẹ có văn phòng riêng hoặc làm nghề tự do thì dễ mang con theo hơn. 

Trường hợp để con cái ở nhà tự quản rất nguy hiểm, vì nguy cơ chập điện, cháy nổ hay người gian lẻn vào bắt cóc, dụ dỗ luôn rình rập. Khi biến cố xảy ra, hàng xóm, dân phòng, công an địa phương cũng khó kịp thời giải cứu.

Vì con cần học online, phụ huynh sẽ giao hẳn laptop, iPad, trẻ lên mạng thoải mái sẽ dễ nghiện. Tin nhắn rác, hình ảnh, clip đồi trụy, khiêu dâm… đầy ắp trên mạng có thể “đổ bộ” xuống máy mà trẻ không biết cách ngăn chặn hoặc trẻ tò mò, chủ động mở xem.

Thực tế cũng đã có trường hợp người gian giở trò nhắn tin cho trẻ rằng ba/mẹ trẻ muốn con trẻ đến địa điểm nào đó để lấy thức ăn hay đồ chơi; thực ra là chiêu dụ trẻ vào tròng nhằm thực hiện hành vi lấy cắp, trấn lột hoặc xâm hại tình dục. 

Ở Việt Nam, chưa có luật nào quy định rõ ràng cha mẹ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn cho con, không để trẻ ở nhà mà không có người lớn quản lý, kiểm soát. Quy định ấy là cần thiết và đã thực thi nghiêm ngặt ở nhiều nước từ lâu.

Có cha mẹ cứ vô tư khóa trái cửa, ra ngoài chơi, tập thể dục, ngắm cảnh, đến khi về nhà thì thấy con đã gặp tai nạn với rất nhiều nguyên nhân: chập điện, cháy nổ, vật trong nhà rơi đổ, trẻ té ngã, rắn độc cắn, chó dữ tấn công, ngộ độc thực phẩm… 

Để trẻ ở nhà một mình, trẻ có thể tự mở khóa sang nhà bạn chơi, rủ rê nhau chạy xe, trèo cây, tắm sông, dễ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước…

Nhiều công trình giao thông, điện lực gắn bảng hiệu, biển báo “cấm đến gần” nhưng trẻ không biết đọc chữ hoặc không để ý. Mưa bão quật bảng hiệu, cây đổ, vũng nước, ổ gà, hố công trình thi công… trẻ chạy giỡn không cảnh giác.

Rất nhiều câu chuyện thương tâm trong mùa hè, mùa dịch khi con em không được bảo vệ trong trường học. Các trẻ hàng xóm chơi chung với nhau vui vẻ, thuận hòa, an toàn nhưng người lớn về lại thực hiện hành vi bạo lực (vì bực bội khi trẻ sang phá phách) hoặc xâm hại tình dục. 

Tránh giao trứng cho ác

Giữa “năm Covid-19 thứ nhất” (2020), vụ án nam nhân viên khách sạn ở Q.Thủ Đức (hiện là TP.Thủ Đức, TP.HCM) dụ dỗ dâm ô năm bé gái, lãnh án sáu năm tù khiến phụ huynh bàng hoàng về nguy cơ bất an khi để trẻ tự chạy chơi một mình dù trong khu vực gần nhà. 

Gần đây cũng có vụ chú ruột xâm hại cháu gái 11 tuổi đến mang thai ở H.Cần Giờ (TP.HCM) trong thời gian cháu nghỉ học, về nhà nội chơi với em gái ruột (từ nhỏ nạn nhân đã sống bên ngoại). Cái thai phải phá bỏ vì “người mẹ” còn quá nhỏ tuổi và siêu âm thai có dấu hiệu dị dạng do cận huyết.

Phụ huynh gửi con ở nhà họ hàng, nghĩ là an toàn nhưng cũng có khi lại là nơi nguy hiểm, bởi họ hàng biết rõ quy luật đi về của phụ huynh, dễ bề ra tay nếu có dục vọng thôi thúc; trẻ cũng ít cảnh giác với người thân, không phân biệt giữa cưng nựng và xâm hại.

Hơn nữa nhà những người bà con được chính ba mẹ chọn gửi. Người quen biết chiếm tỷ lệ cao nhất trong những tên “yêu râu xanh” tấn công tình dục trẻ em. Phụ huynh nên lưu ý điều này để cẩn trọng, tránh “giao trứng cho ác”.

Những gia đình tam đại đồng đường, hoặc có nhà ông bà, họ hàng thân thiết ở gần nhau, cùng chung cư thì áp lực của việc gửi con vào mùa hè - mùa dịch nhẹ nhàng hơn.

Trong giai đoạn này, nếu không được đại gia đình hỗ trợ, phụ huynh và giáo viên có thể phối hợp, giúp đỡ nhau, gom nhóm nhỏ vài trẻ để quản lý, cho trẻ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, đọc sách… Phụ huynh có thể chọn địa điểm phù hợp như nhà cô giáo, nhà một phụ huynh trong nhóm, đồng thời luân phiên nhau chăm sóc các trẻ.

Các cơ quan, công ty cũng cần thông cảm và linh hoạt giờ giấc, cho phép phụ huynh về sớm, làm một buổi, làm việc từ xa nếu được… 

Địa phương, nhất là Hội Phụ nữ cần thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh nâng cao ý thức bảo vệ trẻ nhất là trong giai đoạn mùa hè mùa dịch kết hợp, phòng tránh “nguy cơ kép” chứ không chỉ là nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.

Tuyệt đối không để trẻ nhỏ ở nhà tự quản. Nhà nhà cùng nhau gắn camera để bảo vệ tài sản, an ninh khu phố, thêm công cụ để kiểm soát, giữ an toàn cho trẻ trong nhà, ngoài ngõ.

Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ

(Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM)

Tô Diệu Hiền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI