Nghị định mới quản lý an toàn thực phẩm: Doanh nghiệp hy vọng tránh được nạn giấy phép con

07/03/2018 - 20:03

PNO - Nghị định 15 có hiệu lực thi hành ngay, được đánh giá là có tính đột phá trong quản lý an toàn thực phẩm, giảm các thủ tục hành chính mang tính hình thức, gây tốn kém cho xã hội...

Ngày 2/2, Chính phủ ban hành Nghị định15/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Nghị định 15 có hiệu lực thi hành ngay, được đánh giá là có tính đột phá trong quản lý an toàn thực phẩm, giảm các thủ tục hành chính mang tính hình thức, gây tốn kém cho xã hội, đồng thời trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp, nâng cao tính tự giác của doanh nghiệp trong việc chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp đã công bố. 

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế - cho biết, Nghị định (NĐ) 15 thay đổi phương thức quản lý ATTP, trong đó, có việc doanh nghiệp (DN) tự công bố chất lượng sản phẩm (SP), chịu trách nhiệm về nội dung công bố, quảng cáo SP. “Theo chỉ đạo của Chính phủ, cần triển khai ngay NĐ mới để tránh tình trạng ùn tắc cho DN, tránh mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu” - ông Phong nhấn mạnh. 

Nghi dinh moi quan ly an toan thuc pham: Doanh nghiep hy vong tranh duoc nan giay phep con

Ông Trần Ngọc Liêm -  Phó giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP.HCM, nhìn nhận, NĐ 15 đã “cởi trói” cho DN, giảm tới hơn 90% thủ tục hành chính, tiết giảm hàng trăm ngàn tỷ đồng cho cộng đồng DN, giảm hơn 80% số lượng mặt hàng phải đăng ký, đồng thời phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý của trung ương, địa phương để giảm ách tắc, gây phiền hà cho DN. 

Đại diện một DN thực phẩm cho hay, khi thực hiện NĐ 38/2012/NĐ-CP, DN mất bốn tháng làm thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, tốn chi phí 10-30 triệu đồng nhưng giấy xác nhận vẫn ghi “DN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng SP đã công bố”.

Chưa kể, cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận chỉ dựa vào hồ sơ của DN nộp, kết quả kiểm nghiệm dựa trên mẫu kiểm nghiệm do DN tự lấy. Như vậy, việc cấp giấy xác nhận công bố chất lượng chẳng qua cũng chỉ quản lý trên giấy, không có ý nghĩa gì trong việc bảo đảm ATTP. Với NĐ 15, cộng đồng DN hy vọng được giảm tải các thủ tục hành chính rườm rà được ví như “giấy phép con” nêu trên. 

“Nếu trùng nội dung, cứ áp dụng nghị định mới”

Trao đổi về những vướng mắc khi thực hiện NĐ 15, đại diện Acecook cho rằng, quy định nội dung ghi nhãn trong NĐ 15 khác với quy định trong NĐ 43 và DN chưa biết phải thực hiện theo NĐ nào. Đại diện nhiều DN cũng băn khoăn, dù NĐ 15 đã có hiệu lực thi hành, nhưng vẫn chưa có cơ quan nào giải quyết hồ sơ tự công bố của DN. Hiện, đơn vị nhận hồ sơ chỉ ghi chú “để nghiên cứu” chứ chưa trả lời cụ thể. 

Theo NĐ 15, DN đăng công bố chất lượng SP lên trang thương mại điện tử và gửi văn bản cho Cục ATTP, nhưng NĐ này lại không quy định trong bao lâu thì Cục ATTP đăng công khai lên website của cục để xác nhận việc công bố này. Theo đại diện các DN, nếu được, sau khi DN nộp văn bản, cần có xác nhận của cơ quan nhà nước để làm bằng chứng với các  đoàn kiểm tra (nếu có). Đại diện một số DN cũng bày tỏ bức xúc với cách hiểu sai của cơ quan hải quan về NĐ 15, gây khó cho DN trong việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thành phẩm. 

Ông Nguyễn Thanh Phong giải đáp: “Về nguyên tắc, DN áp dụng NĐ ra sau (NĐ 15), dù quy định mới khác với quy định trong NĐ cũ (NĐ 43). Nội dung nào NĐ mới yêu cầu thì DN phải áp dụng theo. Hiện nay, TP.HCM đã có hơn 100 DN tự công bố SP, nên không thể nói là chưa có đơn vị nhận”.

Về điểm này, đại diện Ban Quản lý ATTP TP.HCM giải thích thêm: “Thực tế, một số DN nộp hồ sơ tự công bố trực tiếp lên UBND TP.HCM chứ không nộp qua Ban Quản lý ATTP. Đến nay, ban đã nhận 127 văn bản tự công bố SP của DN, trong đó, nhiều DN vẫn đề nghị ban công bố nhưng chúng tôi đã hướng dẫn DN tự công bố theo quy định mới”. 

Ông Phong cũng cho biết: “Khi các đơn vị nhận hồ sơ tự công bố của DN, dù chưa trả lời, DN cũng phải lưu trữ và nắm được số SP đã tự công bố chất lượng trên địa bàn. Sau này, công tác quản lý ATTP hướng đến từng đơn vị và phải có dữ liệu lưu, người tiêu dùng cũng có thể vào phần mềm để tra SP xem đã tự công bố chất lượng hay chưa” - ông Phong lưu ý. 

Về việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thành phẩm, ông Phong nói, NĐ 15 quy định, nguyên liệu nhập về để sản xuất nội bộ, kể cả thành phẩm tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu thì vẫn được miễn làm thủ tục công bố ghi nhãn; DN tự công bố SP nếu SP đó thuộc diện tự công bố, hoặc đăng ký công bố SP nếu SP thuộc diện đăng ký công bố. “Cơ quan nào hiểu sai là do họ chứ NĐ nêu rất rõ” - ông Phong khẳng định.  

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI