Đã hơn 10 ngày kể từ khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trật tự, an toàn giao thông được nâng cao thấy rõ khi lề đường không còn cảnh xe máy nối đuôi nhau leo lề; xe cộ chạy chậm, dừng sau vạch trắng trật tự ngay khi đèn giao thông chuẩn bị chuyển tín hiệu vàng.
 |
Hình ảnh xe cộ dừng đèn đỏ ở Hà Nội kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực. Ảnh: Ngọc Linh |
Nhưng song song điều tích cực đó, hàng ngàn hàng vạn người, đặc biệt ở TPHCM, phải đứng chôn chân nhiều giờ liền ngoài đường chờ đèn đỏ. Chán nản, bức xúc tràn khắp mạng xã hội bởi tình trạng kẹt xe diễn ra từ sáng đến trưa, chiều, tối, thậm chí đến nửa đêm. Nguyên nhân được cho là do xe máy không còn rẽ phải khi đèn đỏ như trước đây. Đặc biệt, tình trạng xe máy leo lề chấm dứt cũng “làm tăng” đáng kể lượng phương tiện dưới lòng đường khiến dòng người dừng đèn đỏ đã đông càng đông hơn.
Bên cạnh sự đồng tình của dư luận đối với mức phạt tăng cao ngất ngưởng khiến ai cũng “rén” thì vẫn còn không ít ý kiến cho rằng Nghị định 168 không phù hợp với bối cảnh giao thông Việt Nam cũng như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. Nhiều người cho rằng đường nhỏ, xe đông, đèn giao thông không ổn định mới là nguyên nhân chính gây kẹt xe. Thậm chí có người còn ví von Nghị định 168 “học đòi” các nước tiên tiến theo kiểu “nhà còn đầy rác mà bắt người ta bước vào phải bỏ dép”.
Vậy chúng ta cứ mãi mang dép vào nhà đến bao giờ?
Có thể thấy hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội những năm gần đây cải thiện đáng kể với nhiều cầu vượt, hầm chui nhưng vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của xe cá nhân, đặc biệt là ô tô. Quỹ đất dành cho giao thông không đủ, nhà nước cũng không thể ngăn người dân sử dụng xe cá nhân. 2 sự phát triển không đồng bộ, thậm chí đối nghịch nhau dẫn đến đường sá luôn đông đúc là điều tất yếu.
Hệ thống giao thông đường bộ là căn nhà chung mà cả nhà nước và người dân chung tay làm sạch, chứ chuyện không của riêng ai. TPHCM đang rà soát, chỉnh đốn lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông và đang lắp biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở 50 giao lộ phù hợp. Vậy chúng ta sẽ làm gì để giao thông công cộng an toàn, trật tự hơn mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt ngày thường? Dậy sớm hơn, đi bộ nhiều hơn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng... là thói quen mà chúng ta cần rèn luyện.
Nếu để ý kỹ sẽ thấy kẹt xe những ngày qua không giống hàng ngàn vụ kẹt xe diễn ra trước đó ở TPHCM. Ngày trước, xe cộ qua lại như mắc cửi, mạnh ai nấy chạy, leo lề, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ để thoát thân. Bây giờ, kẹt xe trong trật tự. Có thể trong lòng mỗi người đang nổi sóng bức xúc, bất mãn nhưng không ai (dám) thể hiện ra ngoài bằng các hành động vô pháp như trước kia. Chậm hơn, kiềm chế hơn là thói quen cần được rèn luyện, duy trì để hướng tới văn hóa giao thông văn minh hơn, mà lợi ích trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân chúng ta.
 |
"Chén thuốc đắng" Nghị định 168 sẽ loại bỏ dần hành vi vô tư vượt đèn đỏ như trước đây |
Việc chỉ trích Nghị định 168 gây kẹt xe là ngụy biện vì thực tế không ít người luôn tranh thủ vài giây đèn tín hiệu giao thông giao thoa giữa vàng và đỏ để vượt. Và rất nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra do thói quen đó. Có người phàn nàn lề đường không có chỗ cho người đi bộ nhưng đôi khi chính họ cũng chạy xe máy lên lề vì không chờ được vài phút khi giao thông ùn ứ.
Trễ giờ làm, về nhà muộn, mất hàng triệu đồng tiền phạt... là những “chén thuốc đắng” mà Nghị định 168 mang lại khiến hầu hết mọi người nhăn mặt. Nhưng chén thuốc này theo thời gian sẽ đẩy lùi và chấm dứt hẳn căn bệnh tham gia giao thông ích kỷ, tùy tiện.
Trước đây, việc xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy hay tăng mức phạt nồng độ cồn cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng sau một thời gian áp dụng, đội mũ bảo hiểm khi ra đường, lái xe thì không uống rượu, bia đã trở thành thói quen của mỗi người. Cũng như vậy, sau một thời gian áp dụng, Nghị định 168 sẽ tạo thành thói quen của người dân khi tham gia giao thông.
An Chi (quận 1, TPHCM)