“Nghỉ đi, đừng sợ!”, tuyên ngôn gần đây của một tác giả trẻ chia sẻ về sự dũng cảm khi nghỉ việc, cả vũ trụ sẽ nâng bước chân mình đang khiến nhiều chị em… lay động. Sở dĩ câu nói truyền cảm hứng này chỉ dừng lại ở việc lay động thôi, bởi nếu như chưa lập gia đình, nghỉ việc ít nhiều sẽ đơn giản hơn.
Còn với một người vợ, một người mẹ thì những quang gánh đeo bám trên vai người phụ nữ sẽ trở nên khó cởi bỏ hơn rất nhiều. Sẽ có không ít lần, các chị em muốn buông xuôi, muốn nghỉ việc để đỡ mệt hơn mà cuối cùng vì đắn đo bao nhiêu vấn đề, rất nhiều nỗi sợ, họ lại phải tặc lưỡi gồng mình lên đi tiếp.
Nhưng cũng có những người phụ nữ đã dũng cảm chọn nghỉ việc để ở nhà trông con, cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của hai nhân vật dưới đây!
Khủng hoảng chất chồng và quyết định nghỉ việc
Chị Linh Nguyễn (29 tuổi, hiện sống tại Hà Nội) từng là nhân viên xuất nhập khẩu tại một công ty của nước ngoài. Sau khi sinh bé thứ hai được khoảng 1 năm, tình cảnh chị như rơi vào trạng thái khủng hoảng khi không thể tìm được người trông con giúp, cứ thuê được người nào thì dăm bữa nửa tháng lại có vấn đề, và họ lại nghỉ đột xuất không báo trước. Con trai thứ hai của chị lại bị viêm phế quản, tái đi tái lại nhiều lần, có khi một tháng đã mất 20 ngày bị ốm.
|
Khi không còn lựa chọn nào khác nữa, chị Linh đã quyết định nghỉ việc để ở nhà trông con. |
Những ngày tháng ấy thật sự cơ cực với gia đình chị, chị bắt buộc phải gửi con nhờ hàng xóm trông hộ, cầm cự trong thời gian tìm người giúp việc mới. Những hôm đi làm về mệt phờ người vì quãng đường di chuyển 15 cây số luôn trong tình trạng kẹt xe cả hai chiều, những hôm về muộn còn phải ghé vào chợ mua đồ về nấu bữa tối, những đêm thức bế con trên vai vì con ốm, những buổi sáng dậy sớm sấp ngửa đưa đứa lớn đi học, gửi nhờ đứa bé, chuẩn bị lỉnh kỉnh thức ăn bữa trưa… khiến chị Linh như muốn kiệt sức.
Và cuối cùng khi không thể chịu đựng được nữa, chị đã quyết định sẽ nghỉ việc để ở nhà chăm con hoàn toàn. Chị Linh vẫn nhớ khi nói ra quyết định này, chồng chị đã phản đối kịch liệt: Nhưng cuối cùng khi thấy chị kiên quyết, anh vẫn phải chấp nhận. Vì sự thực là không còn cách nào khác nữa.
|
Ở nhà trông con vẫn mang lại cho chị Linh những niềm vui riêng. |
Từ đấy đến nay đã là hơn 2 năm, chị vẫn chọn tiếp tục thất nghiệp ở nhà và vượt qua rất nhiều vấn đề để có thể kiên định với lựa chọn của mình. Khó khăn lớn nhất không thể không kể đến là việc kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Rồi nhiều khi chị thấy mình cứ bị tù túng dần, lâu không đi ra ngoài còn không được chưng diện áo quần gì nữa. Mỗi ngày chỉ quẩn quanh với cơm nước, bữa ăn cho con, giặt giũ, rửa dọn cũng hết ngày.
Thế nhưng, chị tâm sự: “Câu nói "Nghỉ đi, đừng sợ!" thật sự rất đúng với mình. Cuộc sống sau khi nghỉ việc cũng không đến nỗi nào. Vì tiền thu nhập thật ra cũng không giảm nhiều, trước đây mình đi làm cũng chỉ đủ để thuê người trông con, dư ra một chút thì lại phải chi tiêu vào rất nhiều việc khác như áo quần, mỹ phẩm, tiền xăng xe, thăm hỏi… Nay ở nhà, mình học được cách tiết kiệm và bớt đi những khoản lãng phí để sống tối giản hơn. Mình thấy cuộc sống vất vả chăm con còn thú vị hơn là chạy sấp ngửa đến công ty, tối về lại xoay đủ việc nhà. Còn nói về việc thấy mình lạc hậu thì thật ra cũng không hẳn. Bây giờ thế giới phẳng, mình có rất nhiều cách để có thể tiếp cận với các nguồn kiến thức, thông tin mới mà”.
Ở nhà nhưng vẫn độc lập, lo lắng từ A đến Z
Trái với hoàn cảnh của chị Linh, câu chuyện của chị Bùi Hảo (33 tuổi, hiện sống ở Quảng Ngãi) có lẽ là một tấm gương mà nhiều chị em phải học tập. Ngay từ thời điểm chuẩn bị mang thai và sinh bé đầu lòng, chị đã lên kế hoạch không đi làm công sở nữa, chọn một công việc kiếm tiền tự do để có thời gian chăm sóc con và gia đình. Vì vậy, khi sinh con ra, chị đã sẵn sàng có đủ thời gian cho con.
|
Chị Hảo chọn việc kinh doanh tự do để có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. |
Tuy vậy, trong nhà, chị vẫn đóng vai trò định hướng việc kiếm tiền lẫn nuôi dạy con cái. Chị chia sẻ: “Trong nhà, mình xem như là người quyết định chuyện kinh tế. Mình nảy ra nhiều ý tưởng kinh doanh, bàn bạc với chồng rồi cả hai sẽ cùng thực hiện. Ví dụ, khi kinh doanh hải sản, mình tính toán, làm hết các khâu, còn anh sẽ giúp mình đóng hàng, giao hàng và… làm nội trợ. Chồng mình là người chịu khó, không nề hà chuyện gì hết, từ rửa chén, lau nhà, giặt giũ, dọn dẹp”.
Chính vì dựa trên nguyên tắc tự do ai giỏi việc gì làm việc nấy mà sự phối hợp giữa hai vợ chồng chị Thảo diễn ra rất nhịp nhàng. Chị tâm sự, hai vợ chồng cùng áp dụng homeschool (phương pháp giáo dục tại nhà) cho con, vừa cùng nhau làm kinh tế. Những điều chị làm, không thể thiếu sự giúp sức của chồng.
|
Nhờ quyết định không đi làm công sở,chị Hảo có nhiều cơ hội trải nghiệm, lớn lên cùng con hơn. |
Cho đến giờ, chị vẫn thấy may mắn với quyết định ở nhà, phấn đấu làm việc tự do của mình: “Nhờ thế mà mình biết khả năng của mình như thế nào. Trước kia có một thời gian, mình loay hoay không rõ mình có thể làm được gì không, bị áp lực bởi những lời nói xung quanh. Mình đã tự trách bản thân, rồi buông bỏ chính mình. Thế nhưng, sau khi lập gia đình, mình làm mọi việc như một cơ duyên đưa đẩy”.
Sự ủng hộ hoàn toàn từ chồng cũng là điều mà chị Hảo may mắn có được. Chị còn chia sẻ rằng, khi khởi sự kinh doanh, buôn bán để kiếm sống, chị suy nghĩ nhiều, tìm cách hiểu nghề, học hỏi, gặp gỡ và giao lưu nhiều, cuối cùng đã thu nhận được rất nhiều bài học. Việc bán cá, bán sách của chị nhìn qua có vẻ tầm thường, nhưng nếu học được sự chuyên nghiệp thì chị tin mình có thể tiến xa, phát triển bền vững. Và công việc kinh doanh tự do mang lại cho chị nhiều thời gian cho bản thân, cho gia đình hơn cả mong đợi của chị. Mỗi ngày bên chồng con, chị đều thấy vui, như thế đủ để thấy quyết định… thất nghiệp là đúng đắn.
Cát Tường