Là một phóng viên mảng Thời sự - Xã hội, mới đây, chị Hà Ngọc Nga đã quyết định rời bỏ công việc đã gắn bó với mình 10 năm để theo đuổi dự án “Tatuplay-dắt trẻ đi chơi” chuyên tổ chức các lớp học kĩ năng kết hợp trải nghiệm thiên nhiên cho trẻ, đồng thời cung cấp các kiến thức liên quan đến tổ chức các hoạt động chơi cùng con cho cộng đồng bố mẹ. Câu chuyện làm mẹ mà chị kể giống như một lời thủ thỉ, khích lệ, rằng "mỗi người mẹ, đều trở thành một người mẹ tuyệt vời, theo cách của riêng mình", hãy luôn tin vào điều đó!
Gia đình nhỏ của chị Hà Ngọc Nga. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
|
Có con, tôi không còn nghĩ mình là quan trọng nhất nữa
* Khoảnh khắc nào đã khiến bạn nhận ra việc “làm mẹ” đã thực sự thay đổi cuộc đời mình?
- Khoảnh khắc khi tôi hết thuốc mê tỉnh lại sau cơn phẫu thuật bắt con trong bệnh viện tôi đã biết việc “làm mẹ” đã thực sự thay đổi cuộc đời mình. Lúc đó, cảm giác như mình gần chết được kéo lên bờ cuộc sống nhưng câu đầu tiên tôi hỏi bác sĩ là “Con của em có khỏe mạnh không?”. Từ một người luôn nghĩ mình quan trọng nhất giờ tôi biết con là điều quan trọng nhất của mình. Từ đây tôi biết mọi suy nghĩ, hành động, quyết định, lựa chọn của mình đều lấy con làm giá trị trung tâm. Và quả là đúng như thế thật. Tôi cũng tin là những người mẹ khác trên thế giới này đều vậy. Có những phụ nữ luôn nói yêu bản thân mình nhất, mình quan trọng nhất, hãy tận hưởng cuộc sống….nhưng bản năng muôn đời không bao giờ thay đổi được: con vẫn là quan trọng nhất đối với người làm mẹ.
* Bạn đã bắt đầu cuộc hành trình mới của mình như thế nào sau khi quyết định nghỉ việc?
Tôi lên kế hoạch cho con đường mới rất kĩ trước khi nghỉ việc. Không có người mẹ nào đang nuôi con mà quyết định nghỉ việc bột phát cả. Sau khi nghỉ việc tôi dành hẳn 1 tháng để đưa con đi du lịch, về quê nội quê ngoại để hít thở không khí. Sau đó thì bé vẫn đi học và tôi bắt tay thực hiện dự án của mình theo kế hoạch, chỉ có điều là buổi sáng thay vì chạy xe mười mấy cây số đến công ty tôi đưa con đi học và tập yoga, buổi chiều chạy mười mấy cây về đón con lúc 18h tối thì tôi đón con lúc 16h30 và đưa con đi dạo hay thực hiện một kế hoạch nào đó như mua sắm, tìm ốc sên ở công viên, ngắm giun đất ở bãi cỏ gần nhà, làm một món bánh mới, tìm một cuốn sách mới ra hay thăm một người thân nào đó… trước khi về nhà nấu cơm tối. Hành trình mới bao giờ cũng khó khăn nhưng quan trọng là tôi biết mục tiêu của mình là gì.
Được ở bên con nhiều hơn và thong thả tận hưởng cùng con những niềm vui giản dị mỗi ngày là món quà lớn nhất chị Ngọc Nga nhận được sau khi nghỉ công việc đã gắn bó với mình 10 năm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
|
* Bạn nhìn thấy những sự thay đổi nào của bản thân và gia đình mình sau khi dành nhiều thời gian hơn cho việc làm mẹ?
Bản thân tôi thấy mình thảnh thơi và tận hưởng được trọn vẹn cuộc sống bên con hơn. Trước đây, mỗi khi ngồi chơi với con tôi đều bị công việc làm phiền vì tính chất công việc xử lý theo sự vụ. Điều đó khiến sự kết nối với con giảm đi. Nhưng khi được trọn vẹn bên con tôi thấy cảm xúc của mẹ lẫn con đều tốt hơn. Gia đình tôi thì đi du lịch và có những chuyến dạo chơi ngoài thiên nhiên nhiều hơn, biết lắng nghe nhau nhiều hơn, bố mẹ biết quản lý cảm xúc trước con tốt hơn.
Thế còn con thì sao, có tốt hơn không? Nói thực thì tôi không biết là một đứa trẻ tốt hơn là thế nào cả, mỗi lứa tuổi đều có tâm lý phát triển khác nhau, khủng hoảng và đáng yêu khác nhau. Đôi khi một em bé không bao giờ khóc, rất nghe lời chưa chắc quản lý cảm xúc tốt bằng một em bé biết khóc khi buồn. Sự bướng bỉnh ở em bé lên 3 không thể xem là xấu hơn so với sự đáng yêu ở lứa tuổi lên 2 được.
Nuôi con như kiểu gieo hạt, mình dồn hết tâm sức nuôi dưỡng tưới tắm nhưng quả có ngọt hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có lần tôi chứng kiến mẹ chồng chì chiết một người mẹ “Tính nuôi con làm vương làm tướng gì hay sao mà bỏ luôn việc ở nhà?” và người mẹ ấy tâm sự với tôi là bị áp lực vì nghĩ mình dồn hết tâm sức cho con mà sau này nó hư người đời cười chết.
Tôi động viên người mẹ ấy hãy nuôi con thật tận tâm, bình thản, tưới tắm con bằng tâm hồn trong lành nhất còn trở thành người thế nào con sẽ lựa chọn, mình đừng áp lực và quá kì vọng và hãy tin rằng một cái cây được chăm sóc đúng cách sẽ cứng cáp trước sóng gió cuộc đời. Điều này tôi cũng được những người mẹ khác dạy lại và tôi hoàn toàn thấy đúng.
Thời gian gắn kết với cha mẹ là một món quà vô giá mà bất cứ cha mẹ nào cũng có thể dành cho con. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
|
Khi trẻ hạnh phúc, vòng tròn xunh quanh cuộc sống của trẻ cũng hạnh phúc theo
* Theo quan điểm của bạn, điều gì là nền tảng cơ bản và cốt lõi nhất tạo nên hạnh phúc của một đứa trẻ? Bạn đang xây dựng nền tảng đó cho con mình như thế nào?
Theo quan điểm của tôi nền tảng cơ bản và cốt lõi tạo nên hạnh phúc của một đứa trẻ là nội tại của bé phải đủ mạnh mẽ để biết mình muốn gì? Biết được mình muốn gì nghe ra rất dễ nhưng không phải dễ. Trả lời chính xác được câu hỏi đó mỗi cá nhân chúng ta sẽ rất tự tin để đưa ra những quyết định và lựa chọn trên đường đời. Biết được mình muốn gì sẽ giúp con biết được mình muốn trở thành ai, biết được mình có điểm mạnh, điểm yếu gì, biết được lựa chọn nào giúp mình hạnh phúc thực sự chứ không phải sống cuộc đời được nhào nặn nên bởi những người khác…Khi bé thực sự hạnh phúc, vòng tròn xung quanh cuộc sống của bé sẽ trở nên dễ chịu và hạnh phúc theo.
Để giúp con biết được chính xác mình muốn gì tôi cố gắng xây dựng nền tảng từ bây giờ cho bé bằng 3 vấn đề:
Thứ nhất là tôn trọng các quyết định của con, cho con được quyền lựa chọn, được quyền thử và sai, được quyền chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng dạy con rằng người khác cũng có quyền tương đương với con nên con ngược lại cũng phải tôn trọng người khác. Nhiều người lầm tưởng là cho con lựa chọn là chiều chuộng con. Không phải vậy! Lựa chọn phải dựa trên nguyên tắc. Tôi luôn phân biệt rất rạch ròi Kỉ luật khác với trừng phạt, tôi trọng khác với chiều chuộng. Khi bé được tôn trọng đủ là nền tảng tạo nên đạo đức lành mạnh cho bé.
Thứ hai là giáo dục cảm xúc cũng rất quan trọng để giúp bé hiểu được chính mình. Tôi chú trọng giáo dục bé biết cách gọi tên, hiểu đúng, cách thể hiện cảm xúc phù hợp, cách hiểu cảm xúc của người khác. Tôi không đặt mục tiêu con tôi phải giỏi giang, tôi chỉ đặt mục tiêu là con mình có đời sống tâm hồn phong phú để hiểu cảm xúc của chính mình và thấu hiểu người khác.
Cuối cùng, tôi luôn quan niệm trải nghiệm thiên nhiên là nền tảng cực kì quan trọng giúp bé phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Thiên nhiên là một liều thuốc tuyệt vời cho đời sống tinh thần của bé. Khi được trải nghiệm thiên nhiên bé sẽ có được không gian và thời gian hiểu được cảm xúc của mình. Do đó vợ chồng tôi thường tạo các hoạt động giúp con được sống với thiên nhiên nhiều nhất có thể như đi du lịch, picnic cuối tuần, cắm trại, leo núi…đôi khi chỉ là gieo một cái cây để bé chăm sóc, hồi hộp chờ thu hoạch thành quả cũng giúp bé thêm yêu thiên nhiên. Cũng vì thấy thiên nhiên quan trọng nên tôi quyết định nghỉ công việc mình gắn bó hơn 10 năm để làm một công việc mới: dắt trẻ đi chơi, tổ chức các lớp học trải nghiệm thiên nhiên cho các em bé. Đây là một việc tuyệt vời để tôi có thể cho con mình trải nghiệm thiên nhiên nhiều nhất.
Thiên nhiên là một liều thuốc tuyệt vời cho tinh thần của trẻ, vì thế, chị Ngọc Nga thường xuyên đưa con ra ngoài thiên nhiên vui chơi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
|
* Bạn có nghĩ rằng, việc nhiều người mẹ lựa chọn “làm mẹ toàn thời gian” là họ đang hi sinh (sự nghiệp, cơ hội phát triển bản thân, gắn kết xã hội…) vì con?
Nhiều người cho rằng “làm mẹ toàn thời gian” là mẹ đang hi sinh vì con nhưng với bản thân tôi thì chẳng có gì là hi sinh ở đây cả. Tôi lựa chọn con đường mới để có thời gian cho con và đó là nhu cầu nội tại của chính bản thân tôi. Tôi đang lựa chọn để đáp ứng nhu cầu được gần con của mình mà thôi. Đối với tôi thời gian ở bên con không bao giờ là đủ. Nhu cầu được ôm ấp, gần gũi, kết nối và đồng hành cùng con của tôi rất nhiều nên tôi đơn giản là lựa chọn để thõa mãn nhu cầu của mình mà thôi.
Tất nhiên, lựa chọn nào cũng có sự đánh đổi đi kèm nó là nghĩa vụ và quyền lợi, áp lực và sự thoải mái. Mẹ vừa đi làm vừa nuôi con có những cái cơ cực riêng mà mẹ nuôi con toàn thời gian cũng có những áp lực riêng. Không thể nói ai hi sinh hơn ai, ai cực khổ hơn ai, ai có nhiều đặc quyền hơn ai… Điều quan trọng là chúng ta xác định mục tiêu của mình và cách sắp xếp cuộc sông thế nào mà thôi. Tôi không bao giờ nói với con hay chồng mình là mình đang hi sinh vì con cả, điều đó vô tình tạo nên áp lực cho những người tôi yêu. Tôi dạy con phải luôn biết mình thích gì nên tất nhiên tôi cũng hành động theo trái tim mình mách bảo: thích được có thời gian bên con, vậy thôi!
Khi làm mẹ, người phụ nữ có rất nhiều quyết định mà nếu chúng ta nhìn vào với con mắt của những kẻ đứng ngoài cuộc thì sẽ dễ dàng phán xét hay kết luận họ làm vậy là “vì con” hay “không vì con”. Làm mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, cho dù bạn có nhận được mọi sự ủng hộ hay có một hành trình nuôi con thuận buồm xuôi gió - đó là một chặng đường mà những người mẹ hiếm có giây phút nào thực sự thảnh thơi, ngơi những âu lo hay những trăn trở vì con.
Loạt bài viết “Mỗi người mẹ, một câu chuyện” mà Phụ Nữ Online gửi đến quý bạn đọc, là một góc nhỏ những nỗi niềm đó của những người mẹ, họ kể câu chuyện về cuộc hành trình làm mẹ, không phải để được thấu hiểu và thông cảm nhiều hơn mà đơn giản là để chia sẻ về một công việc đáng tự hào mà họ đang làm bằng tất cả trái tim và trí tuệ của mình – công việc “Làm mẹ”.
|
An Nhi (Thực hiện)