Nghẹn ngào với Tết buồn của những cụ già neo đơn

07/02/2016 - 08:03

PNO - Không con cái, người thân bên cạnh, Tết đối với những người già neo đơn đang được cưu mang trong chùa Lâm Quang cũng như bao ngày khác.

Họ thức dậy sớm, làm những việc thường làm. Chỉ có điều, ánh mắt họ buồn hơn khi nghĩ về những đứa con phương xa…

Mỗi người một cảnh ngộ

Trong ngày Tết, khi những người cha, người mẹ, những người có tuổi được vui vầy trong cảnh sum họp, đoàn viên thì đâu đó trong các viện dưỡng lão, mái ấm, nhà mở, nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh, chúng ta bắt gặp những ánh mắt ưu tư, đượm buồn của các cụ già neo đơn. Họ không có con cháu bên cạnh, mà gia đình cũng không có. Để rồi đến ngày Tết, họ nhìn những gia đình tay trong tay hạnh phúc mà nước mắt lăn dài.

Chúng tôi tìm đến ngôi chùa Lâm Quang (quận 8, TP.HCM) vào đúng vào những ngày cận Tết. Cũng như những năm trước, cứ đến Tết, người đi lễ Phật, người đi cúng dường nên ngôi chùa trở nên tất bật hơn thường ngày. Ngôi chùa không chỉ là nơi tu học của các ni sư, mà hơn hai mươi năm qua, cũng đã cưu mang không biết bao cụ già neo đơn, không nơi nương tựa.

 Nghen ngao voi Tet buon cua nhung cu gia neo don
Các cụ bà neo đơn được các ni sư chùa Lâm Quang cưu mang.

Là ngày Tết nhưng mọi sinh hoạt của các cụ vẫn diễn ra như ngày thường, vẫn âm thầm chầm chậm trôi cho đến hết ngày. Họ vẫn dậy từ lúc mặt trời còn chưa mọc. Có cụ ngồi tụng kinh cầu niệm cho đấng sinh thành, cho những người con cháu ở đâu đó phương xa, rồi mọi người cùng ăn sáng và tiếp tục những việc còn dang dở của chuỗi ngày dài. Có lẽ, đối với các cụ, quãng thời gian còn lại của đời mình sẽ cứ như thế, không có gì thay đổi.

Chiếc giường sắt nằm cạnh lối đi là “ngôi nhà nhỏ” của cụ bà Nguyễn Thị Ty (84 tuổi). Cụ để tất cả tài sản của mình trên chiếc giường đó. Vài bộ quần áo, một bộ gối mền đến chén đũa để ăn, chai dầu gió để thoa khi trái gió, thêm hộp bánh mới vừa được một mạnh thường quân gửi tặng. Cụ sắp xếp mọi thứ gọn gàng và ngăn nắp. Thấy chúng tôi đến, cụ bà vui mừng kéo tay ngồi xuống.

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, con cái, cụ nheo mắt lại chậm rãi tâm sự: “Tôi được một người hàng xóm đưa vào đây cách đây ba tháng. Hồi xưa lấy chồng rồi có một đứa con gái. Nhưng nó chỉ học tới lớp 7, rồi nghỉ học đi buôn bán. Được một thời gian thì lưu lạc sang Campuchia, bây giờ không biết nó còn hay đã mất. Đã mấy chục năm rồi tôi không được gặp nó. Tôi mong nó về lắm”.

 Nghen ngao voi Tet buon cua nhung cu gia neo don
Cụ Ty đang sắp xếp lại đồ đạc trên giường cho gọn gàng, ngay ngắn.

Cụ chỉ nói được đến đây rồi bật khóc. Cụ nhìn ra phía cửa sổ, đôi mắt tuổi xế chiều đã nhòe theo năm tháng. Ngày nào cụ cũng mong ngóng đứa con gái trở về. Nhưng đã mấy mươi năm rồi, cụ không nhận được một bức thư, một tin tức nào về người con gái duy nhất ấy.

“Cả đời với cuộc sống khổ cực đói ăn thiếu mặc tôi không sợ. Nhưng sợ nhất lại là không được ở bên con cái lúc xế chiều như thế này. Có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không được gặp con”, Cụ Ty nghẹn ngào nói.

Khác với cụ Ty, cụ bà Nguyễn Thị Điệp (76 tuổi) lại có một câu chuyện khác. Lấy chồng khi còn son trẻ, cụ Điệp sống với chồng nhưng không có con. Rồi chồng qua đời do bạo bệnh lúc bà 60 tuổi, từ đó, cụ Điệp vào chùa làm công quả và chăm sóc các cụ già neo đơn ở chùa. Hai năm gần đây, mắt mờ, tay chân cũng đau nhức quá nên cụ dọn vào đây ở luôn.

Là người gắn bó với chùa, với các cụ già neo đơn, cụ Điệp cho biết, đa phần các cụ vào đây đều có những hoàn cảnh rất khác nhau. Họ đều do không còn người thân hoặc do con cái hắt hủi, hoàn cảnh hết sức éo le. Cụ thì phải xin ăn ngoài đường, có cụ mưu sinh cực khổ mà không có nổi mái nhà che thân. Nhưng nhờ nhà chùa cưu mang, các cụ được nương nhờ nơi cửa thiền. Không lo ăn ở nữa.

 Nghen ngao voi Tet buon cua nhung cu gia neo don
Cụ Điệp bên phần cơm của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Điệp luôn chia sẻ thoải mái về cuộc đời, nhưng khi nhắc đến con cái, cụ chỉ im lặng rồi lấy tay ôm mặt khóc. Giờ đây, trong độ tuổi thất thập này, cụ dằn vặt và buồn tủi khi không một đứa con bên cạnh để an ủi tuổi già. Tết nào cụ cũng chỉ thui thủi một mình, chẳng có ai để tâm sự và cũng chẳng còn gia đình để được sum họp.

“Đối với các cụ ở đây và kể cả bà, đôi khi vẫn rất buồn tủi vì không được sống quãng đời còn lại bên cạnh cháu con”, cụ Điệp ứa nước mắt nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI