Nghe tiếng cơm sôi lại nhớ mẹ, nhớ nhà

07/06/2023 - 06:35

PNO - Người ta có tài đến mấy, nghe tiếng cơm sôi lòng cũng bâng khuâng nhớ tuổi thơ, nhớ mẹ, nhớ quê.

 

Cơm trắng được nấu trong thố đất truyền thống - ẢNH: Đức Anh
Cơm trắng được nấu trong thố đất truyền thống - Ảnh: Đức Anh

Thời gian này ở quê tôi, lúa ngoài đồng chín vàng, cong mình trước nắng gió. Người nông dân tất bật vào vụ gặt, làm tôi lại nao nao nhớ về những ký ức ngày còn thơ ở quê nhà.

Đám trẻ chúng tôi ngày trước luôn ngóng trông đến vụ gặt, vì khi đó sẽ được thỏa thích chạy chơi giữa những cánh đồng rộng trơ gốc rạ và được ăn cơm gạo mới. Khi lúa ngoài đồng được gặt, phơi khén, mẹ lại nấu một nồi cơm gạo mới thật ngon, thật thơm. Chiều hôm đó, anh em chúng tôi sẽ được ăn cơm mà không phải độn khoai; niềm vui nhỏ bé mà hầu như đứa trẻ nông thôn nào thời đó cũng hồ hởi đợi chờ.

Chiều buông trên mái tranh, trời chập choạng tối, góc bếp của mẹ lại đỏ lửa nấu cơm. Mẹ thổi nồi cơm gạo mới bằng rơm, bằng củi. Khói lam chiều bảng lảng bay lên từ bức phên tre sẫm màu giăng đầy bồ hóng, ngọn khói phả vào tàu lá chuối heo héo phủ đầy tro mịn. Đã bao buổi chiều, qua bao nồi cơm mà những tàu lá chuối trong vườn, sau bếp đều áo nhẹ một lớp tro tàn, qua mấy cái cay xè của khói đã làm tóc mẹ thêm pha sương. 

Ngày trước, nấu cơm bằng bếp củi không dễ như nấu cơm bằng nồi điện như bây giờ. Phải đứng canh nồi cơm, lâu lâu phải mở nắp nồi mà xới để cơm được thông hơi, chín đều. Nồi cơm nấu bằng gạo mới thơm nhất là khi đang sôi sùng sục, tuôn trào trên bếp với tiếng nổ lách tách của củi cháy rực, mở nắp nồi là một mùi hương ngọt lành như mùi sữa tỏa ra thơm lừng cả chái bếp, hương dịu nhẹ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt mà đơm lên sống mũi. Trong hương thơm thanh thanh của cơm gạo mới không chỉ đơn thuần là hạt gạo đầu mùa, mà còn chất chứa giọt mồ hôi mặn mòi của mẹ, của cha, của người nông dân, tôi nghe được cả mùi nồng nàn của đồng đất, mùi khô nồng của nắng gió đồng nội.

Mẹ loay hoay nấu cơm xong rồi bưng ra sau hè, gần bờ ao, trải chiếc chiếu là cả nhà ngồi lại ăn. Mâm cơm quê dù chỉ đôi ba món bình dị, đơn giản nhưng được ăn cùng với cơm gạo mới lại thấy ngon hơn ngày thường. Những hạt cơm trắng ngần, mây mẩy đều nhau được xới vô chén, anh em chúng tôi ăn no nê rồi mà vẫn còn thấy ngon. Cái dẻo thơm, tơi xốp của hạt cơm cứ quyến luyến những đứa con như tôi, để rồi khi xa quê không tài nào quên được.

Trẻ con hay người lớn, thứ mê nhất trong nồi cơm nấu bằng củi vẫn là cơm cháy đáy xoong, mà khi được nấu bằng gạo mới, thứ cơm cháy ấy lại có mùi vị rất khác - nó giòn, thơm nồng mùi gạo quê, quyện nhẹ mùi khói với vị đăng đắng ở đôi chỗ. Cả nhà ngồi bên mâm cơm dưới ánh chiều tắt lịm từ lúc nào, gió từ hồ nước thổi lên mát rượi, trong gió là mùi rơm rạ. Tiếng nói, tiếng cười rôm rả, hân hoan. 

Tôi đi xa nhà, đôi khi thèm được ăn một bữa cơm gạo mới do chính mẹ nấu, ngồi quây quần bên gia đình. Để thỏa cơn thèm muốn, nhớ nhung, tôi thường tấp vào những quán cơm bình dân, mục đích để nghe được một tiếng cơm sôi ùng ục trên bếp gợi nhớ kỷ niệm tuổi thơ nơi quê nhà của một lữ khách tha hương, hít hà cái hương dịu nhẹ của nồi cơm để lòng khắc khoải một niềm thương đau đáu về làng. Nhưng sao khác quá, nồi cơm mẹ nấu cũng đơn giản như vậy, cũng bằng cái nồi gang dày đầy lọ nghẹ mà lại ngon hơn tất thảy. Chắc bởi lẽ trong nồi cơm, mẹ vun vén cả tình yêu thương, chứa đựng trọn vẹn đức hy sinh, tảo tần sớm hôm.

Thời gian trôi, tôi có nương theo dấu chân trưởng thành mà lớn lên, mà tha hương thì vẫn không thể nào quên được. Không thể nào quên bóng dáng mẹ lúi húi trong căn bếp xập xệ khi chiều tà, không thể nào quên bữa cơm quê và làm sao mà quên cho được nồi cơm gạo mới ngày mùa, nồng nàn mùi vị quê hương. Người ta có tài đến mấy, nghe tiếng cơm sôi lòng cũng bâng khuâng nhớ tuổi thơ, nhớ mẹ, nhớ quê. 

Đức Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI