Tôi quành xuống chân cầu Thủ Thiêm, chạy mé con đường nham nhở cạnh bờ sông. Gió từ sông thổi vào cũng không dịu bớt cái nắng hầm hập. Ngó từ nền nhà lên trần, tôi buột miệng “cao khoảng một mét rưỡi chú hả?”, “Làm gì tới. Mưa thì nước vô nhà. Đó, chỗ giường anh ngồi là lút hết, trời này thì như rúc hầm, mà là hầm chứ gì nữa”.
Ông Ngô Văn Dậm (tổ 60, P.An Khánh, Q.2, TP.HCM) không buồn ngồi dậy. Tôi có cảm giác ông cố đưa võng để mồ hôi bớt tuôn, nhưng chiếc võng cũng như bị hơi nóng dồn cứng. “Anh hỏi làm chi nữa - giọng ông gay gắt - bao năm rồi, tôi quá ngán ngẩm. Nhà cửa của mình, mưa thì ngập rác, đồ dơ, muỗi bay từng đàn; nắng thì vậy đó, nhưng không được cơi, nâng, họ tới phạt liền, rồi đòi xúc đi. Đi đâu? Từ đây ra mé sông hơn 200m, thế mà họ nói tôi lấn kênh rạch. Lấn gì? Tôi ở từ năm 1979, đất 300m2, chỉ được đền 100m2 với giá tào lao. Mà thôi, tôi mệt quá…”.
Ông nói như đuổi. Tôi bước ra khỏi chòi tôn, áo đẫm mồ hôi. Nóng và nóng. Hòn đất, cứ dông dài chút đỉnh, rằng nó là thổ, tức là âm. Âm thì lạnh, nhưng bây giờ và đã hơn 20 năm rồi, hòn đất Thủ Thiêm nóng nực. Nóng đến nung chảy, nóng đến héo mòn suy kiệt những giấc mơ, rã rời mặt người, đứt đoạn ruột gan dân Thủ Thiêm với bao chồng lớp những câu hỏi chỉ biết ngửa mặt kêu trời.
Tôi ngó lau sậy phủ kín lối vào nhà ông Dậm, nơi mà người đàn ông lúc nãy ở chân cầu khuyên tôi là anh coi chừng rắn rít nhiều lắm. Ai đó nói “cây sậy biết nói”, rồi buồn như lau lách, lần đầu tiên trong đời làm báo, tôi như chạm bức vẽ của trường phái sắp đặt trong hội họa, tương đồng giữa sậy như héo đi trong nắng, lau trắng đã ngả màu vàng như gương mặt của Phương, con dâu ông Dậm.
Phương nói, em ở đây đã 29 năm rồi. Nhà ông Dậm 210m2, họ đền bù ban đầu 3,9 tỷ đồng, ổng không đi, kiện lên các cấp, tiền tụt xuống còn 1,1 tỷ đồng. Nhà dì ruột Phương là bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, giấy tờ năm 1999 đàng hoàng, họ nói hộ khẩu ghép, không đền, cù cưa đẩy qua đẩy về, họ đền 714.000 đồng/m2. Đâu có được. Giờ bà Hạnh đóng cửa, qua ở bên Q.9.
|
Chị Phương - con dâu ông Dậm |
“Chưa hết đâu anh - giọng Phương bị tan đi trong tiếng xe ầm ầm qua cầu - đất của má em là Ngô Thị Mỹ Nhơn 160m2, lúc đầu nói không đền, bà cự lại là tôi nộp thuế mấy chục năm, sao nói kỳ quá. Có bà đó làm “cò”, chạy cho giấy tờ đủ, đền được 2,5 tỷ đồng, nhưng bị chia làm ba, mình chỉ nhận được 700 triệu đồng, lên mua nhà mới, bị quỵt giấy tờ”. Kể rồi, Phương đi, dáng lầm lũi giữa lau lách.
Đất vẫn im như muôn đời đã thế, chỉ có người chủ của đất thì cuộn trào nỗi niềm ngột ngạt giữa hoang vu. Họ, những cư dân thuở Thủ Thiêm là ruộng đồng, là những mái nhà bình yên dưới cây bàng cổ, đồng cháy nước phèn; muốn có miếng nước sạch để uống, dân ở đây đều chờ tiếng ghe máy mà lúc đầu là chèo rụng tay của ông Ba Sanh sống ở ấp Cây Bàng chở nước ngọt đến bán. Con cháu ông tứ tán hết rồi. Ông đã thành người thiên cổ.
Nhưng dù có nghèo khó, thì mảnh đất cắm dùi của họ là sự hiện diện cho hồn của đất, rằng có họ ngày nối ngày áo cơm. Mà dẫu áo có rách, thì dưới mái đình xưa, mỗi khi tết đến xuân về, những nông dân buông cuốc, người đánh cá trên sông treo lưới, cùng hòa quyện trong nhịp thở của tiếng trống hát bội. Một ngày nào đó, sau một đêm ngủ dậy, họ phải ra đi. Tất cả trắng phớ giữa tiếng máy cào, xới, ủi. Họ phải đi bởi không thể khác. Nhưng cũng có những người như ông Dậm, không đi, bởi họ thấy lạ lùng quá.
Những tiếng kêu cứu, truy đòi câu trả lời rơi vào lặng thinh hoặc nhận được những đáp trả trái ngang. Dân cần gì? “Tôi nói thẳng, ba lần mấy ổng đòi cưỡng chế, tôi đưa vợ con ra ngoài, còn mình tôi cố thủ - anh Nguyễn Huy Hoàng (ngụ tại A2/8B Lương Định Của, P.Bình An, Q.2) nói như quát vào mặt tôi - đất đai, giấy tờ nhà tôi rõ ràng, không có quyết định thu hồi, không có phương án đền bù, 60m2, mấy ổng đưa 162 triệu đồng.
Tôi nói thiệt, tôi không quan tâm tiền ít hay nhiều, tôi cần Nhà nước nói cho rõ, sao đất đền bù từ năm 2002 đến giờ vẫn 2,3 triệu đồng/m2? Tại sao đất nhà tôi ngoài ranh quy hoạch, anh đòi cưỡng chế? Rồi nói, hỗ trợ 16 triệu đồng để di dời mà không giải thích, dân chúng tôi không hiểu tiền này căn cứ vào đâu? Hồ sơ pháp lý để khiếu kiện, chúng tôi có đủ, tại sao Nhà nước không trả lời? Cái chúng tôi cần Nhà nước nói mọi thứ cho rõ ràng, minh bạch với dân”.
|
Vợ chồng anh Nguyễn Huy Hoàng |
Anh nói to quá, thằng bé con anh mới hai tuổi đang ăn cơm, giật mình nhìn ba. Chị Khánh, vợ anh, phải nựng con. Giọng chị buồn thảm, rằng hai lần sinh con, lo nhất là mất nhà, về ở đâu? Lần con bé đầu sốt co giật phải nằm ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì có thông báo cưỡng chế. Chồng chị điện thoại xin nán lại vì đang đưa con đi cấp cứu, thế mà người ta không chịu. Anh phải để mình chị chăm con, quay về… “Vợ chồng em đâu dám xin làm công ty, bởi cứ đi kiện và lo giữ nhà, đi làm cho người ta mà giờ giấc vậy, đâu có được”.
Ngay trước ngõ nhà anh, lắp xắp nước. Vẫn nỗi niềm không được nâng nền, nâng mái, đành nghiến răng chịu trận với muỗi mòng, rác thải, vô thiên lủng những uế tạp dồn về, cực khổ trăm bề khi mưa rát mặt, nóng tróc da. Nhưng nỗi khổ đó đã thấm gì khi nửa đêm mưa rơi trên mái tôn, sực tỉnh, thấy lẻ loi trong việc đi tìm tiếng nói tử tế từ phía chính quyền, rằng họ đã sống ở đây từ bao đời, sóng từ sông Sài Gòn muôn đời đã vỗ, bao lớp lục bình đã dạt trôi theo con nước, có cuốn đi được đâu tiếng thở dài lao lung từ họ.
Niềm tin ở đâu, một niềm tin họ cần đâu phải ở đâu xa, không kỳ bí, mà giản đơn như đất, là lòng dân đang cần gì, thì chẳng ai trả lời. Nó thất lạc như đôi mắt bà Trịnh Thị Cúc (ngụ tại A8/B Lương Định Của, P.An Khánh) nhìn ra khoảng sân ngập nước. Muốn vào nhà bà, phải lội gần 100m nước đen kịt.
“Đến đời cô là đời thứ sáu ở đây rồi, dễ gì cô ra đi mà nút thắt trong lòng chưa gỡ được”. Sàn nhà đẫm nước. Bà nói, hai ngày qua không mưa mà sáng nay nước mới ra khỏi nhà. Công trình người ta làm, nâng nền cao quá, nhà bà thành nơi hứng rác và nước. Mười năm trước, nhà này là nhà hàng tiệc cưới. Bà rơm rớm nước mắt: “Giải tỏa, bà con đi hết, ai tới đây nữa mà cưới với xin. Sân khấu đó, giờ thành nơi phơi áo quần và muỗi rúc”.
|
Bà Trịnh Thị Cúc - cư dân phường An Khánh - bên sàn nhà quanh năm ngập nước chờ được trả lời về khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm |
Đất bà 5.000m2, còn nguyên giấy tờ điền địa thời Pháp. Bà không đi. Anh chị em cũng không đi. Hai mươi con người bám lại, chấp nhận cực khổ trăm bề để chờ một ngày nghe người ta nói cho thuận lỗ tai. Bà đã chờ, đã chờ và không biết chờ đến bao giờ. Hai đứa cháu nội và ngoại về, í ới lội nước. “Đó, mưa lớn thì sân thành hồ, cô phải canh tụi nó, không thì nguy. Bây giờ, ba mẹ chúng nó phải đưa về ở nhà nội ngoại bên cầu Phú Mỹ cách đây 10km, chứ nước dơ quá, muỗi, ở đây thì đổ bệnh, nhưng mùa nắng thì nó ráng về ở để đi học cho gần”…
Tôi lội nước, rời căn nhà tối om. Bà nói phải ăn sớm, mà ăn cơm hộp chứ ướt nhem, nấu nướng gì được. Giọng bà rã rời rồi nghe điện thoại ai đó, rằng hôm qua đại biểu Quốc hội đối thoại với dân, mắt như sáng lên chút hiếm hoi khi mặt trời đã khuất sau căn nhà cao tầng bên Q.1.
Bà kéo tôi: “Chờ chút cho cô hỏi, cháu có biết rồi ở đây chuyện thưa kiện của bà con sẽ ra sao không? Chắc còn chờ…”. Chắc phải còn chờ. Sau lưng nhà bà là sông. Nước rồi về biển chứ đâu, nhưng bà như bao người dân ở Thủ Thiêm này, dằng dặc trong lòng rằng, nước chảy về đâu, khi sự tù mù vẫn chưa được phá vỡ. “Nói nghe thuận lỗ tai, là cô chịu hết”. Bà nhắc lại lần nữa. Đó là tiếng nói của ánh sáng, thứ ánh sáng của sự nghiêm túc, trách nhiệm và thái độ nhân văn từ những trang giấy A4 mà ai ký vào đó, sẽ không vô hồn như họ đã từng ấn vào tay dân không lời giải thích.
Chiều sập rồi. Tôi cố nán lại, muốn ngồi bệt dưới chân tượng Đức Mẹ ở nhà thờ Thủ Thiêm mà nghỉ. Không còn nắng trên tượng Chúa, chỉ có tiếng chim sẻ chí chóe ẩn hiện sau mái ngói. Chim nhiều quá. Bao mệt mỏi dần tan, khi tôi lạc trong bản giao hưởng bình yên ấy.
Một sơ (seur) nhà thờ, biết tôi là khách phương xa, bèn dắt đi thăm và giới thiệu. Tôi đã nhìn ở đó những mô hình tái hiện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thuở chòi lá giữa lau sậy, các sơ vẫn dệt vải, làm đồng, cuốc cày mà lòng đã nguyện theo Chúa, làm trường học, bệnh viện, giáo dưỡng tinh thần cho phụ nữ, chăm sóc trẻ con, khuyên răn gìn giữ gia đình. Họ có khác gì những nông dân chân đất giữa đô thị này đâu.
Tôi ngước nhìn tháp chuông nhà thờ khi ai đó vừa kéo một hồi chuông vì tới giờ các sơ đọc kinh. Bà con giáo dân đã phải rời Thủ Thiêm, ngày 13 hằng tháng vẫn tụ hội về đây làm lễ, chuyện trò, thăm hỏi nhau như chưa từng phải rời bỏ cửa nhà máu thịt đất đai ra đi. Năm cái chuông trên tháp cao ngất, màu đồng đã ngả sang xám, lâu đời như lời nguyện đã vang lên chốn này vì sự bình yên của hồn người từ năm 1840. Tiếng chuông gióng giả, trong và thanh. Bình yên quá. Hiền lành quá.
Đô thị không quá khứ là một đô thị mất trí nhớ. Tiếng chuông ngân dài như đổ thanh âm xuống mặt sông. Mấy trăm năm rồi, sông và phố đã đón vào lòng mình tiếng chuông ân phước, thanh sạch từ trên cao, để rồi góp phần sinh sôi một nhịp thở Sài Gòn không giống nơi nào trên đất nước này, thì làm sao mà mất đi được nó. Bất giác tôi tin, nó sẽ được giữ gìn…
Hãy giữ lại Tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
Việc bảo tồn Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là nhất thiết và cấp thiết, vì đây chính là biểu tượng văn hóa - lịch sử của Thủ Thiêm. Dù phát triển đến đâu, thì điều đầu tiên ta phải làm chính là trân trọng quá khứ, bảo vệ lịch sử văn hóa. Chưa kể, hai công trình này đều có tuổi đời trên 150 năm, ngoài giá trị về lịch sử kiến trúc, thì nó còn là nơi gắn bó với quá trình sinh hoạt cộng đồng của vùng dân cư này.
Từ ngày được quy hoạch để làm trung tâm hành chính - tài chính mới, Thủ Thiêm đã phải đối diện với quá trình đền bù giải tỏa những xóm làng lâu đời, ruộng vườn, trong đó có các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Cư dân Thủ Thiêm do bị giải tỏa mà phải đến sinh sống ở nơi khác thì chính những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ... ở nơi chốn cũ là biểu tượng gắn kết họ với quá khứ của họ. Giữ lại nơi từng là chốn sinh hoạt văn hóa tinh thần sẽ khiến thành phố mới không xa lạ đối với những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn và cả một phần cuộc đời của họ cho sự ra đời của thành phố.
Đổi lại, việc gìn giữ một số công trình văn hóa lâu đời ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng được ký ức lịch sử của vùng đất này. Cư dân sinh sống ở đô thị mới Thủ Thiêm chưa biết sẽ là ai, nhưng họ cũng cần một nơi để thờ tự, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Đây hoàn toàn là vấn đề nhìn nhận và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của các công trình cổ, chứ không phải là cán cân giữa những giá trị này với mục tiêu phát triển.
Không một sự phát triển nào lại đi ngược và xóa bỏ những giá trị truyền thống. Bằng chứng là, rất nhiều đô thị phương Tây hiện nay đều có quá khứ là một ngôi làng cổ. Và khi quy hoạch nó thành một đô thị, người ta luôn giữ lại ngôi làng trong cái lõi đô thị mới. Rồi từ ngôi làng được bảo tồn, đô thị sẽ được phát triển ra xung quanh. Đó là cách mà người ta tôn trọng lịch sử. Vì ai cũng hiểu, những đô thị đó không phải tự nhiên mà thành hình, được sinh ra từ ngôi làng thì cần phải giữ lại ngôi làng như minh chứng cho quá khứ của nó. Và từ đó, người có được một chỉnh thể thành phố có quá khứ, có hiện tại, có quá trình trưởng thành và cả hồn cốt đô thị.
Việc giữ đất lại cho một vài công trình cổ của vùng dân cư cũ là hoàn toàn chính đáng, những đơn vị có thẩm quyền cần phải cân nhắc điều này khi giải quyết quỹ đất cho những công trình mới. Còn với đời sống mới ở khu dân cư theo tôi, việc có được những biểu tượng lâu đời trên vùng đất mình sinh sống luôn là điều luôn khiến một công dân tự hào, yêu quý và có cảm giác kết nối với xứ sở mới của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM
|
Trung Việt