Nghệ thuật truyền thống và tạp kỹ “sống lay lắt” trong đại dịch

23/08/2020 - 18:30

PNO - Dưới ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, người dân dần ít tiếp cận với các hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống, làm dấy lên mối lo ngại về những nét đẹp bị mai một.

Ngày tàn của đế chế xiếc

Cirque du Soleil - nhà sản xuất một số chương trình biểu diễn xiếc nhào lộn nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là tại Las Vegas (Mỹ) - đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng Sáu. Trong một thông báo, công ty giải thích lý do, rằng chính "sự gián đoạn lớn và buộc phải đóng cửa nhiều buổi trình diễn do hậu quả của đại dịch COVID-19" khiến họ nhắm tới việc cơ cấu lại khoản nợ của mình, với sự hỗ trợ từ chính phủ Canada và các công ty cổ phần 
tư nhân.

Một nghệ sĩ thuộc công ty xiếc Cirque du Soleil “cháy hết mình” trong buổi biểu diễn Luzia kể về nền văn hóa Mexico
Một nghệ sĩ thuộc công ty xiếc Cirque du Soleil “cháy hết mình” trong buổi biểu diễn Luzia kể về nền văn hóa Mexico

Việc nộp đơn được đưa ra ba tháng sau khi hãng tạm ngừng sản xuất 44 chương trình trên toàn cầu vào tháng Ba trong nỗ lực nhằm kìm hãm đại dịch COVID-19, tránh tụ tập đông người. Cirque du Soleil đang chìm trong khoản nợ gần 1 tỷ USD và con số ngày càng lớn khi việc biểu diễn vẫn bị đình chỉ. 

Để đỡ thua lỗ tài chính, Cirque du Soleil đã sa thải khoảng 3.500 nhân viên. Daniel Lamarre - Giám đốc điều hành Cirque du Soleil Entertainment Group - cho biết trong một thông cáo: "Trong 36 năm qua, Cirque du Soleil là một tổ chức thành công và có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi doanh thu bằng không kể từ lúc buộc phải đóng cửa tất cả các chương trình của chúng tôi do COVID-19, ban lãnh đạo đã phải hành động dứt khoát để bảo vệ tương lai của công ty".

Vào tháng Sáu, Cirque du Soleil đã tham gia một cuộc đấu thầu đặc biệt giữa những người ủng hộ lớn nhất của mình, bao gồm sự kết hợp của các công ty cổ phần tư nhân đa quốc gia từ Mỹ, Trung Quốc và Canada với giá 420 triệu USD. Công ty dự kiến tiếp tục bán nợ cho các cổ đông khác từ bên ngoài vào tháng Tám.

Nét đẹp truyền thống bị quên lãng

Ikuko, “chị cả” của quận geisha Akasaka ở Tokyo, đến thủ đô mãi nghệ từ năm 1964. Đại dịch COVID-19 khiến người phụ nữ ngoài 80 sợ rằng lịch sử hàng thế kỷ phát triển của geisha đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc số lượng geisha liên tục giảm trong nhiều năm, Ikuko và các đồng nghiệp của bà không thể làm việc trong nhiều tháng do tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản và hiện phải hoạt động cầm chừng theo các quy tắc giãn cách xã hội.

Ikuko (áo đen) và hai geisha khác tại quận Akasaka chuẩn bị đi đến buổi biểu diễn  tại một nhà hàng sang trọng ở Tokyo Ảnh: Reuters
Ikuko (áo đen) và hai geisha khác tại quận Akasaka chuẩn bị đi đến buổi biểu diễn tại một nhà hàng sang trọng ở Tokyo Ảnh: Reuters

Ikuko nhớ lại: “Từng có hơn 400 geisha ở Akasaka khi tôi đến, nhiều đến mức tôi không thể nhớ tên của họ”. Những ngày này, chỉ còn lại khoảng 20 nghệ sĩ geisha bám trụ lại Akasaka. Bởi vì các bài học và những bộ trang phục kimono rất đắt tiền, còn mức lương phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng, ngành nghệ thuật geisha không đủ sức thu hút những người mới học nghề.

Thói quen thắt lưng buộc bụng do COVID-19 gây ra khiến nhiều người cắt giảm chi tiêu và họ phần nào vẫn cảnh giác với việc dành hàng giờ trong những căn phòng truyền thống trang nhã nhưng khép kín, nơi các geisha thực hiện công việc của mình. Mức độ tương tác giữa geisha với khách hàng giảm 95%, đi kèm với các quy tắc mới như không rót đồ uống cho khách hoặc chạm vào họ ngay cả khi bắt tay và phải ngồi cách nhau 2m.

Michiyo Yukawa - một cựu geisha hiện sở hữu quán bar tại Akasaka và thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện dành cho đồng nghiệp cũ - nói rằng, các geisha cần phải thay đổi, thích nghi để nhiều người biết đến và đánh giá cao sự quyến rũ của họ. Michiyo nhận xét: “Những nàng geisha có một vẻ đẹp đặc biệt. Họ đã trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt mà người khác không dám nghĩ đến, họ chi rất nhiều tiền cho công việc và điều đó khiến họ trở nên đặc biệt. Tôi sẽ rất buồn nếu truyền thống này biến mất”.

Geisha không phải là nhóm nghệ sĩ Nhật Bản duy nhất gặp nguy hiểm. Những người biểu diễn điệu múa của phụ nữ cổ đại - jiutamai, cũng như các nghệ sĩ trang điểm, nhà tạo mẫu tóc giả và người may kimono, trang phục cho kịch Noh, Kabuki thừa nhận rằng họ đang lo lắng COVID-19 có thể đặt dấu chấm hết cho nhiều nét đẹp truyền thống.

Tác động đi kèm

Đại dịch COVID-19 khiến cửa hàng may mặc duy nhất ở tỉnh Hiroshima chuyên sản xuất trang phục cho người biểu diễn kagura - một hình thức khiêu vũ sân khấu của Thần đạo - phải đóng cửa. Tình trạng khó khăn cửa hàng đối mặt giờ đây đang đặt sự tồn tại của điệu múa nghi lễ truyền thống ở Hiroshima đến bờ vực của sự lãng quên.

Được thành lập vào năm 1998, cửa hàng Kaguraya chuyên sản xuất trang phục kagura với những đường thêu được thiết kế tỉ mỉ. Tình hình tài chính của tiệm bắt đầu xấu đi vào tháng Hai, khi đơn đặt hàng từ các cộng đồng nghệ nhân kagura địa phương ngừng lại, bởi chính họ đang vật lộn với xu hướng suy thoái kinh tế từ đại dịch. Do các đơn hàng vẫn chưa được nối lại, cửa hàng cuối cùng buộc phải sa thải tất cả bảy nhân viên của mình vào cuối tháng Năm.

Mỗi bộ trang phục thường là kết quả từ hàng tháng trời khâu tay của các nghệ nhân, khiến cửa hàng khó có thể kiếm được doanh thu hằng ngày. Những bộ trang phục phức tạp nhất đòi hỏi hơn sáu tháng làm việc và được bán với giá khoảng 2 triệu yên một chiếc (hơn 430 triệu đồng) nhưng chúng không mang lại lợi nhuận cao như nhiều 
người nghĩ.

Cộng đồng nghệ nhân biểu diễn kagura không thể cam kết mua trang phục mới vì việc hủy bỏ các buổi biểu diễn đã cắt nguồn thu nhập chính của họ. Chẳng hạn, các buổi biểu diễn dự kiến sẽ được trình diễn tại Trung tâm Văn hóa công dân tỉnh Hiroshima đều đã bị hoãn lại, số phận của các lễ hội mùa thu giờ cũng đang lâm nguy. Ngay cả khi các chương trình được hoạt động trở lại, lợi nhuận có thể không đủ tốt vì ban tổ chức sẽ phải giữ một số ghế trống nhằm đảm bảo quy định giãn cách.

Điệu múa hula từ lâu đã là hình ảnh nổi bật của hòn đảo Hawaii. Ngay cả khi ngành du lịch gặp khó khăn, các vũ công vẫn muốn mang tinh thần lạc quan trong điệu nhảy đến mọi người
Điệu múa hula từ lâu đã là hình ảnh nổi bật của hòn đảo Hawaii. Ngay cả khi ngành du lịch gặp khó khăn, các vũ công vẫn muốn mang tinh thần lạc quan trong điệu nhảy đến mọi người

Không còn du lịch,vũ công phải tìm cách thích nghi

Theo Cơ quan Du lịch Hawaii, từ tháng 3/2020, cả chi tiêu của du khách và lượng khách đến hòn đảo đều giảm hơn 50% so với một năm trước do đại dịch COVID-19. Vào tháng Ba, phần lớn các chuyến bay đến Hawaii bị hủy bỏ, ngành du lịch bắt đầu nhận thấy tác động. Những người làm việc trong ngành du lịch đã và đang cảm nhận được ảnh hưởng của các lệnh khẩn cấp được đưa ra trong đại dịch COVID-19. Các vũ công hula thường nhảy múa tại các khách sạn khác nhau ở Waikiki cho du khách hầu như không làm việc kể từ khi lệnh giãn cách được ban hành.

Trong lúc khó khăn, Kiani Maile McBean - một vũ công hula - muốn tìm cách gắn kết đồng nghiệp của mình lại với nhau, đồng thời vẫn giữ khoảng cách xã hội trong khi lan tỏa tình yêu chung của các vũ công dành cho hula. Cô nảy ra ý tưởng rằng, mọi vũ công đều mặc trang phục hula truyền thống của họ và làm những việc nhà thường ngày trong một chương trình thực tế thông qua mạng internet. McBean nói: “Là những vũ công hula, chúng tôi muốn truyền bá văn hóa aloha và mang lại niềm vui cho người khác”. 

Tương tự, tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo đã quyết định thực hiện chương trình hỗ trợ cho các vũ công truyền thống bằng cách thu hình buổi biểu diễn của họ và đăng tải lên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, Hiệp hội Geisha quốc gia đã hỗ trợ các thành viên một phần tiền thuê nhà hằng tháng và họ đủ điều kiện nộp đơn xin trợ cấp từ chính phủ, như một nghề biểu diễn tự do bị ảnh hưởng do 
đại dịch. 

Ngọc Hạ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI