PNO - Ngày càng nhiều thương hiệu chọn kết hợp cùng các nghệ sĩ, nhà thiết kế hay những người làm công việc sáng tạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo, thậm chí là phiên bản giới hạn “có một không hai”.
Không khó để nhận thấy luôn có sự kết nối vô hình hay hữu hình giữa các thương hiệu xa xỉ và thế giới nghệ thuật. Cũng không khó để nhận thấy ngày càng nhiều giám đốc sáng tạo của các thương hiệu lấy cảm hứng từ các khuynh hướng cũng như triết lý nghệ thuật. Điều gì ở nghệ thuật đã truyền cảm hứng cho các thương hiệu?
Nghệ thuật hóa từ xa xỉ đến bình dân
Loạt nước hoa Come Out kết hợp giữa Jillian và họa sĩ Lê Kinh Tài
Thứ nhất, các thương hiệu tôn vinh người làm nghệ thuật sáng tạo. Nhiều thương hiệu khi ra mắt bộ sưu tập mới hoặc mở cửa hàng mới thường kết hợp cùng các triển lãm nghệ thuật đương đại hay tổ chức ở những bảo tàng, địa điểm có lịch sử nghệ thuật lâu đời. Chẳng hạn Cartier đã tổ chức một cuộc triển lãm về nghệ sĩ Damien Hirst, Louis Vuitton giới thiệu bộ sưu tập Morozov kết hợp cùng nghệ thuật hiện đại của Pháp… Cửa hàng của các thương hiệu xa xỉ ngày nay đang trở thành địa điểm kết hợp giữa phòng trưng bày nghệ thuật bên cạnh dịch vụ bán hàng. Chẳng hạn, cửa hàng Loewe trên đường St. Honoré (Paris, Pháp) trưng bày các tác phẩm của Pablo Picasso, Richard Hawkins và nhiều nghệ sĩ đương đại khác.
Thứ hai, khi việc bán hàng giờ đây không chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm hay mẫu mã thiết kế mà còn phụ thuộc vào cảm xúc khách hàng, thương hiệu nào chiếm được cảm tình của khách hàng sẽ giành ưu thế. Đó là lý do thôi thúc các thương hiệu không ngừng tìm tòi và kết hợp cùng các nghệ sĩ, người làm sáng tạo để tạo ra những sản phẩm lạ mắt, độc đáo. Louis Vuitton từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ danh tiếng trong giới nghệ thuật đương đại như Takashi Murakami, Stephen Sprouse, Olafur Eliasson, Jeff Koons để tạo nên những thiết kế không trùng lắp. Gần nhất, buổi trình diễn bộ sưu tập mới nhất của Dior có bối cảnh do nghệ sĩ người Pháp Eva Jospin thực hiện. Đó là một tác phẩm sắp đặt tráng lệ tôn vinh nghệ thuật và các nền văn hóa trên thế giới, tại điểm giao thoa giữa nghệ thuật và thời trang cao cấp.
Việt Max hợp tác cùng Biti’s Hunter Street
Nhiều giám đốc sáng tạo cũng lấy cảm hứng từ nghệ sĩ như trường hợp Yves Saint Laurent với chiếc váy Mondrian lấy cảm hứng từ nghệ thuật trừu tượng của nghệ sĩ Piet Mondrian. Maria Grazia Chiuri - Giám đốc sáng tạo của Dior - lấy cảm hứng từ những sáng tạo của các nghệ sĩ theo trường phái siêu thực như André Breton, Lee Miller và Dora Maar… cho các bộ sưu tập của cô. Xu hướng này diễn ra không chỉ trên thế giới mà đã bắt đầu lan tới Việt Nam. Đầu tháng 12/2022, Jillian - thương hiệu nước hoa đến từ Thụy Sĩ - tung ra thị trường Việt Nam phiên bản nước hoa Come Out với nhãn chai là một mảnh ghép từ bức tranh Whatever I Am của họa sĩ Lê Kinh Tài, kèm chữ ký tươi của họa sĩ. Điều đáng chú ý là chỉ có 200 chai nước hoa và mỗi chai là một mảnh ghép độc nhất do chính họa sĩ chọn. Tiếp đó, thương hiệu MetaScent kết hợp với nhà thiết kế, họa sĩ Nguyễn Hoàng Ngân để tạo nên dòng nước hoa The Fairytale Garden cho triển lãm của nữ họa sĩ vừa diễn ra vào trung tuần tháng 1/2023. MetaScent còn thiết kế một phiên bản đặc biệt của Fairytale Garden EDP - chai nước hoa thể hiện hương thơm lẫn hình dáng một khu vườn thần tiên với hàng trăm viên pha lê Swarovski được đính lên thân chai, dựa trên cảm hứng từ tranh Nguyễn Hoàng Ngân.
Các nhà thiết kế tên tuổi như Công Trí, Nguyễn Hoàng Tú hay những nghệ sĩ đương đại như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lys Bùi, OHQUAO, Việt Max… cũng không ít lần kết hợp cùng các thương hiệu từ xe hơi đến đồ uống, quần áo, giày dép… Nổi bật nhất là “cái bắt tay” của thương hiệu Uniqlo với các nghệ sĩ Việt tạo ra các sản phẩm UT! Me đậm tính bản địa cho mỗi chiến dịch khai trương cửa hàng.
Fairytale Garden EDP, một sáng tạo của chuyên gia mùi hương Yến Huỳnh từ MetaScent, lấy cảm hứng từ những tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Hoàng Ngân
Xu thế tất yếu
Những ví dụ trên cho thấy nghệ thuật đã và đang góp phần làm thay đổi thương hiệu và sản phẩm. Theo nhận định của nghệ sĩ Dzũng Yoko - người từng hợp tác sáng tạo cho các thương hiệu mỹ phẩm, đồ uống qua các bộ ảnh chụp sắp đặt công phu - việc kết hợp này giúp tăng độ phủ cho thương hiệu đồng thời củng cố ý tưởng, hình ảnh cụ thể về thương hiệu tốt hơn. Với các thương hiệu xa xỉ, việc kết hợp giữa nghệ sĩ và thương hiệu thường được giới hạn trong số lượng từ vài chục đến vài bản, thậm chí độc bản. Trong những trường hợp đó, sáng tạo đã thoát khỏi tính chất hàng hóa và được nâng tầm lên thành tác phẩm nghệ thuật, có giá trị sưu tầm, trưng bày.
Bà Phạm Thị Hương Giang - người đưa thương hiệu nước hoa Jillian về Việt Nam - cho biết sự kết hợp này là xu thế tất yếu. Nó không chỉ giúp thương hiệu mở rộng thêm tệp khách hàng mới - những người yêu thích nghệ thuật hoặc một nghệ sĩ nào đó - mà còn giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn trước những sản phẩm tinh tế.
Ở góc độ người làm sáng tạo, nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú cho rằng sự kết hợp trên giúp nghệ sĩ có cơ hội thử thách bản thân khi được làm việc trong không gian mới, với chất liệu mới. “Nhờ vậy, người làm sáng tạo có thể tiệm cận những xu hướng đang diễn ra trong đời sống” - Nguyễn Hoàng Tú khẳng định.
Dù tán thành nhận định này, nghệ sĩ Dzũng Yoko cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn. Nếu ở các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…), nhiều nghệ sĩ bản địa kết hợp với các thương hiệu quốc tế và có sức ảnh hưởng trên toàn cầu thì tại Việt Nam, chưa có những tên tuổi như vậy. Theo anh, đó là do ngôn ngữ sáng tạo của các nghệ sĩ Việt chưa có tiếng nói bao quát, toàn cầu. Chưa kể, thị trường nghệ thuật trong nước vẫn còn manh mún, những tiếng nói nổi bật chưa được chú ý. Anh cũng nói thêm, khi một thương hiệu muốn kết hợp cùng nghệ sĩ hay người làm sáng tạo nào, họ đều trải qua quá trình thẩm định dài hơi và kỹ càng, từ việc xem xét sáng tạo của nghệ sĩ có phù hợp với tinh thần của thương hiệu cho đến đời tư nghệ sĩ.
Chai nước hoa bản đặc biệt (và là độc bản) của MetaScent x Nguyễn Hoàng Ngân
Trong tương lai, khi nhu cầu và thẩm mỹ của con người ngày càng tinh tế hơn, xu hướng đưa nghệ thuật vào sản phẩm sẽ tiếp tục phát triển và không ngừng nâng cao. Nghệ thuật sinh ra từ đời sống, phản chiếu đời sống rồi khúc xạ thành những xu hướng đi trước thời đại, mang tính dự báo. Các thiết kế cũng vậy. Sự kết hợp này, theo nghệ sĩ Dzũng Yoko, sẽ tiến sâu hơn và tiệm cận hơn các xu hướng của thời đại công nghệ và thế giới đa vũ trụ ảo.
Với gam màu trắng trung tính, Kim Ji Won khéo léo mix&match cùng nhiều loại trang phục tạo nên vẻ ngoài sành điệu, cuốn hút mỗi khi xuất trước trước đám đông.
Một trong những xu hướng nổi bật dành cho các nàng mùa đông này chính là phong cách "slow morning" với những bản phối nhẹ nhàng, đơn giản và đầy thanh lịch.