Nghệ thuật trở thành môn khiến nhiều học sinh trượt… xuất sắc

27/05/2024 - 13:10

PNO - Trong đợt tổng kết năm học, môn âm nhạc được nhiều phụ huynh gọi là “tam tai”, bởi nhiều em chỉ đạt H (hoàn thành) nên trượt... học sinh giỏi, xuất sắc.

Chia sẻ trên Hội phụ huynh có con vào lớp Một, chị Kiều Tâm (ngụ TPHCM) cho biết: “Cuối năm, 2 môn toán và tiếng Việt của con đều đạt điểm 10, nhưng lại “gặp sao quả tạ” với môn âm nhạc, khi con chỉ được đánh giá H (hoàn thành), nên đã mất luôn danh hiệu học sinh xuất sắc”.

Theo phụ huynh này, đối với trẻ mới học lớp Một, nhiều bé đọc còn chưa rành chính tả, trong khi môn âm nhạc đã yêu cầu phải hát đúng giai điệu, đọc đúng cao độ. Điều này làm khó nhiều học sinh tiểu học.

Phần chia sẻ của chị thu hút hàng ngàn lượt bình luận với nhiều ý kiến trái chiều của rất nhiều phụ huynh khác.

Đồng quan điểm với chị Kiều Tâm, chị Phương Uyên (ngụ Đà Nẵng) cho biết lớp học con chị có 47 em, nhưng với môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) chỉ có 17 bạn được đánh giá T (tốt), 30 bạn còn lại là H (hoàn thành). Chị cho biết, môn học này vì thế ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích chung của học sinh. Theo chị, giáo viên nên “giơ cao đánh khẻ” khi đánh giá học sinh.

, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) là môn học bắt buộc từ lớp Một tới lớp Chín
Môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) là môn học bắt buộc từ lớp Một tới lớp Chín, theo chương trình mới

Tuy nhiên, theo nữ phụ huynh Dương Thương (TPHCM), điều này khá hợp lý, và các phụ huynh không nên xem toán, tiếng Việt là môn chính còn các môn khác là môn phụ.

“Đã gọi là xuất sắc là phải toàn diện. Nếu thấy âm nhạc con còn yếu, phụ huynh nên tìm cách giúp con hoàn thành môn học tốt hơn vào năm sau. Còn nếu con không thật sự cố gắng, thì cha mẹ cần chấp nhận kết quả học tập này”, chị Dương Thương nói.

Chia sẻ về việc đánh giá môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) - hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM cho biết, cấp tiểu học, chương trình môn âm nhạc giúp học sinh bước đầu làm quen với kiến thức âm nhạc phổ thông, sự đa dạng của thế giới âm nhạc và các giá trị âm nhạc truyền thống; hình thành một số kỹ năng âm nhạc ban đầu; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, hứng thú tham gia các hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi…

Ông cũng cho rằng chương trình học nhẹ nhàng, với bậc tiểu học, môn âm nhạc, mỹ thuật gộp chung và mỗi năm học có 70 tiết. Việc đánh giá học sinh cũng dựa trên các tiêu chí cụ thể, như âm nhạc thì phải rõ lời, hát đúng lời và giai điệu. Với mỹ thuật thì cần có bố cục rõ ràng, màu sắc nổi bật, đúng chủ đề…

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) là môn học bắt buộc từ lớp Một tới lớp Chín. Mục đích môn học là góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh.

Đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.

Từ lớp Mười đến lớp Mười hai, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI