Mới đây, khi cố gắng cứu bức tranh cổ động cách mạng của họa sĩ Trường Sinh ở ngã tư Chợ Mơ, Hà Nội, tôi có thể cảm nhận rõ sự hoài nghi của không ít người Việt Nam. Đối với họ, phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong bức tranh gắn liền với thời kỳ ngặt nghèo. Đó cũng là giai đoạn kiểm soát xã hội chặt chẽ, khi mà các nghệ sĩ không thể sáng tạo một cách tự do.
Là một nhà kinh tế, tôi không nghi ngờ việc tiếp cận bao cấp dẫn đến sự khan hiếm và đói nghèo. Tôi cũng tin, tự do sáng tạo là động lực của đổi mới và năng động kinh tế. Nhưng tôi trân trọng di sản văn hóa thời kỳ đó, như một phần không thể thiếu trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Các họa sĩ, nhà văn, kiến trúc sư thời đó, bất chấp những bó buộc, vẫn bày tỏ cảm xúc và ý tưởng của họ.
|
Một kiến trúc theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa - Ảnh: Triệu Chiến |
Tôi đặc biệt coi trọng những tòa nhà xuất hiện vào thời kỳ này, bởi nhiều người Việt Nam đã lớn lên từ đó, chúng trở thành một phần ký ức chung của họ. Hà Nội hiện có đầy đủ các dự án nhà ở tập thể (khu tập thể) được xây dựng từ những năm 1960 đến 1980. Quyển sách Kim Liên một thuở của tác giả Vũ Công Chiến đã kể câu chuyện cảm động về những trải nghiệm ngọt ngào, những năm tháng sống chan hòa bên nhau trong khu tập thể.
Người Việt ngày càng đánh giá cao sự tinh tế của phong cách Pháp: những biệt thự Pháp cổ thanh lịch, những bức họa thời Mỹ thuật Đông Dương, những bài thơ say đắm của Xuân Diệu… Sự yêu mến những giá trị này rất đáng chú ý, bởi nó cho thấy sự chín chắn của người Việt khi phân biệt rõ giữa chủ nghĩa thực dân đáng khinh và văn hóa thực dân phi thường. Tiếc là chưa có sự đánh giá tương tự đối với các phong trào văn hóa định hình đời sống từ lúc bắt đầu độc lập tới đổi mới. Có thể thời kỳ xây dựng XHCN này vẫn còn quá gần, khiến khó phân định công bình về nó.
Bằng cách cố gắng cứu bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh, tôi muốn khuyến khích người Hà Nội gạt bỏ câu chuyện ý thức hệ thời đó, chỉ nghĩ về các nghệ sĩ, kiến trúc sư và trí thức Việt Nam đã để lại cho chúng ta những sáng tạo phi thường, bất chấp mọi khó khăn.
Lấy sáng tạo kiến trúc làm ví dụ. Các khu tập thể, phản ánh lý tưởng XHCN, một tầm nhìn về việc nhắm đến các mục tiêu chung trong cuộc sống hằng ngày. Trong thời kỳ đầu, để phù hợp với những lý tưởng đó, thậm chí nhà bếp và phòng tắm vốn nên là những không gian riêng tư, thì lại là không gian chung của nhiều gia đình. Dần dần, sự riêng tư tăng lên ở các khu tập thể, nhưng thiết kế vẫn luôn chú ý đặc biệt đến các không gian công cộng, nơi trẻ em có thể chơi đùa cùng nhau và người lớn có thể tụ tập chuyện trò.
Tuy nhiên, bất chấp những lý tưởng XHCN, các khu tập thể thực ra được thiết kế theo phong trào kiến trúc hiện đại được bắt nguồn ở Tây Âu giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến trong thế kỷ XX. Phong trào mạnh mẽ này đã được kết hợp giữa những người khác với kiến trúc sư người Thụy Sĩ Le Corbusier. Người ta lập luận rằng, trong cả hai biến thể của phong trào kiến trúc này là kiểu kiến trúc hiện đại phương Tây và kiểu Xô-viết, thì chức năng của một tòa nhà phải xác định hình dạng của nó, tránh trang trí thừa, và vẻ đẹp thực sự của một không gian đến từ hình dạng và ánh sáng của nó.
Có lẽ nhiều người chưa biết, phong trào kiến trúc hiện đại cũng có ảnh hưởng rất lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước thống nhất đất nước. Các bậc thầy của phong trào kiến trúc này ở miền Nam bao gồm Huỳnh Tấn Phát, người đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư tài ba được đào tạo ở phương Tây và được quốc tế công nhận. Điều hơi mỉa mai là phong cách kiến trúc XHCN vẫn được cho là của các khu tập thể, thực ra lại là một đặc điểm kiến trúc chung của Hà Nội và TP.HCM thời kỳ đó.
Cá nhân tôi rất yêu các khu tập thể, thậm chí đã dành một chương của cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi để nói về các khu tập thể. Tất nhiên, các tòa nhà của khu tập thể được xây dựng bằng vật liệu rẻ tiền, hiện đã xuống cấp. Và sự nhếch nhác, lộn xộn của các “chuồng cọp” do người dân cơi nới khiến các nhà tập thể trông thật buồn bã. Nhưng kích thước của nhà tập thể lại rất phù hợp với các khu vực trung tâm thành phố ở Hà Nội và không gian công cộng của chúng luôn tràn đầy sức sống.
Tôi đặc biệt thích cầu thang của các nhà tập thể. Hình dạng và kích cỡ của chúng cho phép các kiến trúc sư tài năng thể hiện sự sáng tạo của họ ngay cả khi rất hạn chế về nguồn lực, và sự huyền ảo này của các cầu thang được xem là rất “tư sản”. Nỗ lực này của các kiến trúc sư cho thấy một thẩm mỹ tối giản, tập trung vào cái đẹp, hơn là lý tưởng XHCN. Các bức tường lỗ thoáng của nhà tập thể cho phép lọc ánh sáng mặt trời và tạo ra các hoa văn trong nhà đẹp như tranh vẽ.
Tôi thực sự yêu các khu tập thể, đủ để chọn một nhà tập thể trên con phố Tôn Thất Thiệp (Hà Nội) làm nhà. Trong nhiều năm, tôi đã biến đổi hoàn toàn một căn hộ tập thể. Tôi thấy nỗ lực này như một bằng chứng cho nhận định: các tòa nhà theo phong cách XHCN hoàn toàn có thể là một trong những không gian đáng sống nhất ở Hà Nội. Tôi luôn mong ngóng được sống ở căn hộ tập thể của mình mỗi khi đến Việt Nam.
Tôi cũng tin rằng ít nhất một vài khu tập thể của Hà Nội nên được lưu giữ lại, giống như bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh. Là giám đốc tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi rất muốn tiến hành nghiên cứu cách thức đưa ý tưởng này vào thực tế.
Để làm điều này, có thể mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn là cứu bức tranh cổ động cuối cùng của Hà Nội. Nhưng tôi chỉ có thể hy vọng rằng, đến lúc đó người dân Việt Nam sẽ coi trọng phong cách hiện thực XHCN như một phần di sản của họ, giống như họ đang coi trọng phong cách Pháp.
Martin Rama(*)
* Martin Rama là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Mỹ La tinh và vùng Caribê, Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.