Cùng hội ngộ tại không gian của The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, P. Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), Rừng hoang của Tuấn Andrew Nguyễn và Chứng tích của Lê Thế Lãm, dù khác nhau về hình thức và phong cách biểu hiện, đều ẩn chứa nỗi băn khoăn không dứt của họ trước mối quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh, cách con người đối diện với những vấn đề xã hội.
|
Không gian triển lãm Rừng hoang của Tuấn Andrew Nguyễn - Ảnh: Cao Trí |
Con người trong sự thay đổi chóng mặt của xã hội
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đổi mới, Lê Thế Lãm luôn cảm thấy bị mắc kẹt và lạc lõng trong một xã hội “thay đổi quá nhanh” với nhiều hệ lụy: sự bùng nổ công nghệ, sự phát triển kinh tế, kéo theo đó là những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và khủng hoảng tâm lý.
Khu rừng của Tuấn Andrew là một cảnh quan siêu-nhiên được cấu thành từ những sinh thể bị nhào nặn, biến hóa, vô tri vô giác, nửa sống nửa chết, gợi liên tưởng đến tượng đài hay totem biểu trưng cho những loài vật bị băm vằm, mổ xẻ. |
Lãm nói: “Bóng dáng chiến tranh dường như vẫn còn hiện hữu đâu đó trong nạn bạo lực, tham nhũng, cướp bóc. Sự suy đồi đạo đức còn thể hiện qua cách người ta đối xử với nhau, thực phẩm độc hại; giáo dục trở thành một cỗ máy thành tích… Đi qua và cảm nhận những điều đó, tôi thấy trong tôi cũng hiện diện một nỗi lo âu”.
Loạt tranh sơn dầu trên vải, phủ resin của Lãm hoặc những chiếc hộp gỗ đã đóng với đường viền to bản rực rỡ, đôi khi xen lẫn chữ viết trong Chứng tích, thể hiện các trạng thái của “cái chết lặng lẽ” qua sự hiện diện thường xuyên của hình ảnh con người lay lắt như những cái bóng. Chúng được đặt trong không gian tưởng tượng, gợi nhớ đến nỗi chán chường của Lãm với môi trường xung quanh.
Bên cạnh những gam màu u uất, sự kết hợp giữa cách dựng khối và hiệu ứng ánh sáng trong tranh khiến không gian càng trở nên ngột ngạt. Lãm tò mò về tác động của cái chết hơn là nhìn nó dưới dạng phân rã sinh học. “Những giá trị không vun đắp cho sự sống thì không gọi là sự sống. Cái chết chỉ là một phần, một cột mốc của diễn trình này. Sau cái chết là một sự tiếp diễn, có thể là trống rỗng”.
Ngoài không gian tranh vẽ, loạt điêu khắc Hình ảnh của cái chết còn lại nguyên vẹn mãi trong một tâm trí trống rỗng của Lãm khai thác sự hoang mang và những âu lo trong hành trình đi về cái chết lặng lẽ. Xác của từng con vật được lưu giữ trong khối nhựa đông đặc như hóa thạch. Cái chết ngưng đọng và trơ trọi như một chứng tích. Điều mà Jacques Dournes từng bày tỏ trong cuốn Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương vào năm 1950: “Định mệnh của con người là vươn tới tiến bộ, nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái về nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần?”. Lãm gặp Tuấn Andrew Nguyễn ở mối suy tư này.
Con người và “đức tin” đẩy loài vật đến bờ tuyệt chủng
Đa dạng chất liệu, đan xen hội thoại giả tưởng với những thước phim tài liệu, điêu khắc tới nhiếp ảnh, sắp đặt, Rừng hoang của Tuấn Andrew đã chuyển hóa không gian trưng bày của The Factory thành mô hình tiểu cảnh ngoại cỡ. Mấp mé bên bờ vực diệt vong là tiếng nói thoi thóp của các giống loài sắp tuyệt chủng, thậm chí đã hoàn toàn biến mất và rơi vào quên lãng.
Sừng tê giác, gạc hươu, vảy tê tê, mai rùa… vài ví dụ của nguồn nguyên liệu luôn được coi là thần dược trong Đông y của Trung Quốc và Việt Nam. Bất chấp việc khoa học đã chứng minh các bộ phận này không có công dụng trị liệu, bệnh nhân vẫn đặt cả mạng sống vào nghi lễ chữa bệnh của “đức tin” thâm căn cố đế. Những kẻ săn bắn vẫn ngày đêm ra sức truy lùng các sinh vật đang chết dần chết mòn, không có khả năng tự vệ trước “loài” người hung hãn và tàn ác.
Không chỉ đánh thức vai trò của đức tin - tín ngưỡng trong mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên - thay vì được kiến tạo trên nền tảng cộng sinh, tôn trọng lẫn nhau như trước kia thì nay chỉ còn lại sự hủy hoại, Tuấn Andrew còn dẫn dắt người xem vào cuộc hành trình của những gì được cho là “thiên nhiên hoang dã” ngày nay của Việt Nam, nhưng thực chất chỉ còn là giao điểm giữa nguyên bản và cái được sao chép.
Rừng hoang là phần thứ hai trong chuỗi dự án nghiên cứu và sáng tác vẫn đang tiếp diễn của Tuấn Andrew Nguyễn mang tên Đức tin suy tàn của ta cứu rỗi ham muốn bất hạnh của ngươi.
Triển lãm Chứng tích và Rừng hoang kéo dài đến ngày 7/2/2018.
Con người trong tranh của Lãm chỉ loay hoay rồi tàn lụi trong đời sống tưởng chừng như mênh mông mà hóa ra chật hẹp, trong gánh nặng vật chất bởi những tàn hủy âm thầm khi phải chạy theo một xã hội biến đổi với tốc độ chóng mặt. |
Vi Vi Phạm
(*) Bài viết có sử dụng một số tư liệu của The Factory, thông tin từ cuộc phỏng vấn của giám tuyển Lê Thiên Bảo.