PNO - Sau thời gian im ắng, các sân chơi nhảy múa liên tục được tổ chức trở lại. Không chỉ vậy, loại hình này đang phát triển rất nhanh, nhiều vũ công sống được với nghề, sự yêu thích của công chúng với loại hình này đang tăng lên.
Sàn đấu vũ đạo vừa trở lại mùa thứ hai, với sự tranh tài của những gương mặt đang được chú ý như: Gin Tuấn Kiệt, Denis Mai Âm Nhạc, CiiN… Trước đó, một loạt sân chơi về nhảy múa được tổ chức, dành cho nhiều đối tượng chứ không riêng người nổi tiếng. Riêng giải Vietnam breaking championship được tổ chức nhằm tìm kiếm tài năng vào đội tuyển quốc gia để thi đấu ASIAD, Olympic 2024. Street dance Vietnam đang lên sóng, là nơi giúp các tài năng trẻ thể hiện bản thân. Dalat best dance crew là sân chơi dành cho người hoạt động chuyên nghiệp, bán chuyên và không chuyên.
Nhóm nhảy B-Wild trong một buổi ghi hình ảnh: T.S.
Không dừng lại ở các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, các cuộc thi nhảy cũng được nhiều trường đại học quan tâm, bởi người trẻ là đối tượng chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. Nổi bật là Rising showcase dành cho các trường y dược toàn quốc; Dance for youth của Đại học Cần Thơ; Uni-VERSE dance competition của Đại học Văn Lang… Một số thương hiệu, chiến dịch cũng sử dụng nghệ thuật nhảy để tạo sân chơi, lôi kéo khán giả như: Điệu nhảy rạng ngời, Dance for youth…
Theo biên đạo Việt Max, trong 30 năm xuất hiện ở Việt Nam, nghệ thuật nhảy đi qua nhiều thăng trầm. Đây là quy luật bình thường. Khoảng bảy, tám năm trước, một loạt các show truyền hình về nhảy múa rộ lên rồi sau đó lắng xuống dần. Nay chúng có dấu hiệu sôi động trở lại. “Các giải thi đấu dành cho nhảy múa rất nhiều, nhưng cái khó là để có thể chuyên nghiệp hóa thì phải có tài trợ, được lên sóng quốc gia…. Riêng năm nay đã có tín hiệu tốt. Mỗi sân chơi có định hướng riêng, thúc đẩy nghệ thuật nhảy múa phát triển, không giẫm đạp nhau”, anh nói.
Nhiều cơ hội làm nghề
Vượt ra khỏi khuôn khổ các cuộc thi, nghệ thuật nhảy hiện cũng đang có đời sống khá tốt. Biên đạo Quang Đăng cho rằng khi các đơn vị tổ chức, ca sĩ ngày càng thấy được tầm quan trọng của vũ công, biên đạo, những người làm nghề có nhiều cơ hội dụng võ hơn.
Tiết mục của đội Kay Trần trong Street Dance VietNam
Bên cạnh đó, nếu như trước đây vũ công, biên đạo thường sống dựa vào ca sĩ, thông qua việc trình diễn trên sân khấu chính thức, thì nay nhiều nhóm đã có đời sống độc lập. Công việc chủ yếu họ nhận được là kết hợp trong các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng; quảng bá sản phẩm của nghệ sĩ, ca sĩ thông qua các video nhảy múa trên nền nhạc… Từ sau Ghen cô Vy và vũ điệu rửa tay, những chiến dịch quảng cáo có sử dụng nhảy múa gia tăng đáng kể. Đặc tính chung của các video nhảy múa là tạo không khí sôi động, thu hút sự chú ý của người xem bằng sự trẻ trung, tươi vui.
Bên cạnh năng lực, đầu tư chuyên môn thì mạng xã hội như: TikTok, YouTube… đã góp sức không nhỏ để nhiều nhóm trở thành “sao”. Một số nhóm có sức ảnh hưởng lớn như: C.A.C (kênh YouTube hơn 1,05 triệu người theo dõi), B-Wild (hơn 800.000 người theo dõi), KION-X (hơn 1,13 triệu người theo dõi)… Mỗi video của họ đăng tải đều có từ vài triệu đến vài chục triệu lượt xem.
Chương trình Street Dance VietNam:
Thành lập cách đây tám năm, nhóm B-Wild bắt đầu có nguồn thu khá tốt. Anh Hồ Nhất Nhân - đại diện nhóm - cho biết một số thành viên của nhóm đã xem đây là công việc chính thức. Lịch làm việc của nhóm khá dày với mức giá từ 30-40 triệu đồng cho mỗi sản phẩm hợp tác với các thương hiệu. Tuy nhiên, theo anh Nhân, các nhóm nhỏ, mới thành lập vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội. Đây là thách thức rất lớn để các nhóm tồn tại đường dài, nếu xác định đi theo con đường chuyên nghiệp. Thực tế, sau các sân chơi, có đến hàng chục nhóm nhảy mới, nhưng không phải nhóm nào cũng “tỏa sáng”.
Dù vậy so với trước, các nhóm nhảy giờ có nhiều cơ hội hơn. Quan trọng nhất là xây dựng bản sắc. Nhiều studio, trung tâm dạy nhảy ra đời. Ngoài biểu diễn, nhiều biên đạo, vũ công chuyên nghiệp cũng sống được với công việc đào tạo. Biên đạo Quang Đăng cho biết studio của anh có lượng học viên tăng đáng kể, đặc biệt trong mùa hè. Biên đạo Việt Max nhận định, so với nhiều năm trước, cách nhìn của công chúng với nghệ thuật nhảy dần thoáng hơn, đây là điều kiện rất quan trọng để nghệ thuật nhảy tiếp tục phát triển.
“Từng có lúc, khi nhắc đến hip hop, nhảy đường phố, người ta hình dung ngay đến những kẻ vô công rỗi nghề. Nhảy múa không phải nghề có tương lai. Nhưng thành công của những nghệ sĩ theo con đường nhảy múa đã giúp công chúng thay đổi cách nhìn”, anh chia sẻ.
Chương trình DaLat Best Dance Crew dành cho nhiều đối tượng tham gia
Nhiều phụ huynh chủ động cho con em học nhảy múa để tăng cường kỹ năng, hoặc xác định đây có thể là tương lai của những đứa trẻ. Vì thế, người làm nghề có cơ hội làm việc nhiều hơn, ít nhất là chắc chắn đủ sống bằng nghề.
Theo Quang Đăng, hiện tại việc học nhảy không dừng lại ở việc trang bị một kỹ năng, mà đây là môn nghệ thuật mang tính cộng đồng, có tính kết nối cao, giúp thể chất trở nên tốt hơn… Theo anh, bên cạnh kỹ thuật, việc truyền kiến thức về lịch sử, văn hóa gắn với nhảy múa cũng thực sự quan trọng không kém để tạo nên sự thú vị, ý nghĩa cho môn nghệ thuật này, từ đó xây dựng hình ảnh đẹp trong công chúng.
Trước thềm đêm nhạc tại TPHCM vào ngày 17/11, Michael Learns To Rock (MLTR) ra mắt single mới "A life to remember", hiện có mặt trên các nền tảng nhạc số.
Siêu nhạc hội 8WONDER Winter 2024-phiên bản supershow tại TPHCM chính thức được điền tên lên bản đồ lưu diễn Loom World Tour của nhóm nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons.