Nghệ thuật 'nhạy cảm': Ai bảo vệ ai?

25/09/2018 - 06:00

PNO - Xem nhẹ hợp đồng lao động, tự đánh giá thấp công việc, thả nổi cảm xúc… những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật 'nhạy cảm' đang tự gây nguy hiểm cho mình.

Nhóm nghề nhiều… không

Nhiều cô gái làm mẫu ảnh khỏa thân, vẽ body painting hay những ngành nghề cần “khoe” da thịt thường có mặc cảm nhất định về công việc. Họ không hẳn tự ti, nhưng trước định kiến xã hội, buộc phải dè chừng ánh nhìn của số đông.

Nghe thuat 'nhay cam': Ai bao ve ai?
Họa sĩ Ngô Lực đang thực hiện vẽ body painting

“Nhiều người nghĩ tôi không đàng hoàng khi làm mẫu khỏa thân. Tôi biết vì sao họ nghĩ vậy, nhưng không giải thích được, nên cũng không quan tâm” - người mẫu Huyền Phương nói.

“Không đàng hoàng” theo định nghĩa của Huyền Phương là những cô gái ăn mặc hở hang, phấn son, không lao động mà chỉ “ưỡn ẹo lấy tiền”. Chưa kể, nhiều người nói thẳng, chuyện đổi chác tình - tiền đối với các cô gái này rất dễ.

Vì tâm lý nghề nghiệp bị xã hội đánh giá thấp, nhiều người mẫu không chú trọng những yêu cầu cơ bản của công việc. Giá trị những buổi làm việc không cao, nhân lực trong nghề cũng không nhiều nên người mẫu không đòi hợp đồng lao động hay văn bản thỏa thuận.

Vụ người mẫu Kim Phượng tố họa sĩ Ngô Lực hiếp dâm không được khởi tố, nhưng cả hai bên đều gánh chịu hậu quả. Kim Phượng mang tiếng dựng chuyện để nổi tiếng. Ngô Lực thì không biết cách nào rửa vết ố nghề nghiệp. Khi hợp tác, hai bên không hề có hợp đồng, chỉ thỏa thuận qua mạng, trong lúc làm việc cũng chỉ “trai đơn gái chiếc”.

Không chỉ nhóm người mẫu dễ phát sinh vấn đề, ngay đến chủ thể sáng tạo cũng chưa ý thức được phải phân định rạch ròi trong công việc. Thái Phiên, nhiếp ảnh gia theo đuổi ảnh khỏa thân 26 năm qua, cho biết: “Trước khi chụp, tôi và mẫu luôn phải có nhiều buổi nói chuyện để mẫu hiểu phần nào mục đích việc chụp ảnh. Sau đó, chúng tôi sẽ ký một bản cam kết với các điều kiện: từ 18 tuổi trở lên, chưa có gia đình hoặc nếu có thì phải được sự đồng ý của chồng”.

Thái Phiên phải cẩn trọng như vậy, vì suốt những năm làm nghề, anh gặp nhiều trường hợp mẫu nữ thay đổi quyết định dù đã cam kết. Để dễ dàng “nói chuyện” khi có sự cố, Thái Phiên trang bị bản cam kết để tự bảo vệ và nâng tầm nghề nghiệp.

Ai bảo vệ ai?

Trong túi nhỏ của Huyền Phương khi đi làm mẫu luôn có bình xịt hơi cay để đề phòng trường hợp xấu. Theo người mẫu Ngân Lee, cách tốt nhất là không làm việc khi chỉ có hai người, để giảm rủi ro. Mẫu nữ nên đi cùng người make-up.

“Trường hợp mẫu yêu cầu có sự xuất hiện của người thứ ba mà họa sĩ hay nhiếp ảnh gia không chấp thuận thì không nên tiếp tục. Những trường hợp làm việc 1-1 là rất không chuyên nghiệp và cô gái quá nhẹ dạ. Đừng bao biện rằng, làm việc một mình mới hiệu quả. Chẳng có nghệ sĩ nào làm việc kiểu đó cả”, họa sĩ Đinh Công Đạt nói.

Tại Việt Nam, ảnh khỏa thân, body painting đều đi sau thế giới nhiều năm. Khi quốc tế đã có những quy định rõ ràng đối với người mẫu, họa sĩ, nhiếp ảnh gia thì chúng ta vẫn mơ hồ và dễ bị sốc khi xảy ra chuyện.

“Cơ thể người là thứ rất nhạy cảm, nhưng Việt Nam chưa có những yêu cầu về chất liệu nào, an toàn mức nào thì được vẽ lên người, bảo hiểm cho người mẫu. Chưa kể, thế nào gọi là vi phạm, phải xử phạt hoặc cấm người mẫu khỏa thân trình diễn body painting cụ thể ra sao… Việt Nam đều chưa có”, họa sĩ Như Huy chia sẻ.

Tuy nhiên, những quy định như đề xuất của họa sĩ Như Huy, kể cả việc bảo vệ họa sĩ, nhiếp ảnh gia trước những hành động gạ gẫm ngược lại từ phía người mẫu, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cho rằng không nên.

“Không thể từ một vài sự việc mà đòi hỏi luật dành riêng cho nhóm ngành. Lâu nay, chúng ta vẫn hoạt động theo luật pháp, có quy định về luật lao động hẳn hoi thì động thái đòi hỏi luật là làm quá. Hãy cứ để nghệ sĩ hoạt động bình thường, việc quy định chất liệu vẽ lên người mẫu cũng không cần thiết. Việc cần là thái độ của người hoạt động trong nhóm ngành này”, ông Thành nói.

Sự thiếu nhất quán trong ý kiến giữa nghệ sĩ và nhà quản lý đã tồn tại lâu nay, chưa tìm được tiếng nói chung. Kết quả là nhiều thứ vẫn phải hoạt động ngầm và nghệ sĩ lại phải tự tìm cách bảo vệ mình hoặc cam chịu khi có điều không hay xảy ra.

“Người mẫu nude là đối tượng đáng trân trọng, không chỉ bởi họ đã góp vẻ đẹp, giúp họa sĩ tạo nên tác phẩm mà họ còn là nguồn cảm hứng của người sáng tạo. Cần cẩn trọng trong hoạt động sáng tạo, đặc biệt sáng tạo trên cơ thể người. Nghệ sĩ và công chúng không ai muốn nghe những lời kêu cứu của bất cứ ai hoạt động trong nhóm ngành nghệ thuật này”.

Họa sĩ Nguyễn Mười
(Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI